Giám đốc Phân tích TPS: Áp lực tỷ giá không quá đáng ngại
Tỷ giá sẽ không quá áp lực như trước vì được hỗ trợ bởi Ngân hàng Nhà nước liên tục có hoạt động bơm - hút tiền trên thị trường mở và Việt Nam vẫn duy trì xuất siêu tích cực.
Đó là nhận định của bà Ngô Thị Lệ Thanh - Giám đốc Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) chia sẻ tại chương trình Vietstock LIVE với chủ đề “Các rủi ro của thị trường" tổ chức chiều 29/03.
Ông Nguyễn Quang Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu Vietstock và bà Ngô Thị Lê Thanh - Giám đốc trung tâm phân tích TPS. Ảnh: Chụp màn hình
Áp lực tỷ giá không quá đáng ngại
Chia sẻ tại chương trình, bà Ngô Thị Lệ Thanh cho biết năm 2024, những rủi ro về tỷ giá, lãi suất và biến động địa chính trị là các yếu tố mà nhà đầu tư sẽ cần theo dõi, quan tâm để có hành động phù hợp trên thị trường chứng khoán.
Theo chuyên gia, tỷ giá tăng là do trong quý 1, đồng USD mạnh lên khi nền kinh tế Mỹ phục hồi tốt hơn kỳ vọng; Fed ẫn duy trì mức lãi suất cao và dự kiến giảm lãi suất chậm hơn kỳ vọng; các nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động xuất nhập khẩu tăng lên; đầu cơ và găm giữ USD tăng cao đã gây áp lực lên tỷ giá trên thị trường “chợ đen”. Cùng đó là tác động từ đà tăng mạnh của giá vàng khiến người dân có tâm lý chuyển sang mua USD.
Tuy nhiên, quan điểm của bà Thanh cho rằng tỷ giá sẽ không áp lực như trước khi nhìn vào chỉ số DXY tăng nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn năm 2022 và 2023, điều này cho thấy áp lực tăng DXY vẫn còn hiện hữu nhưng không quá căng thẳng. Bên cạnh đó, việc NHNN hút tiền trên thị trường mở thông qua kênh tín phiếu, quy mô tới 164,000 tỷ đồng (tính đến ngày 27/03). Ngoài ra, Việt Nam duy trì xuất siêu tích cực 8.08 tỷ USD trong quý 1/2024, là mức khá cao so với những năm trước, củng cố thêm cán cân thanh toán.
Thời gian qua, lãi suất liên ngân hàng ghi nhận mức giảm mạnh do tăng trưởng tín dụng thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ. Theo bà Thanh, rủi ro lãi suất còn tiếp tục, chúng ta cần phải theo dõi chính sách của Fed trong giai đoạn sắp tới, do tốc độ giảm lạm phát còn chậm.
Ngân hàng Nhà nước hút tín phiếu, ảnh hưởng thế nào tới chứng khoán?
Đánh giá về tác động của việc NHNN liên tục hút tiền qua tín phiếu, bà Thanh cho rằng, động thái này trước tiên sẽ tác động đến tâm lý, hành động của nhà đầu tư, họ sẽ có quan điểm thận trọng hơn, thậm chí nghĩ đến kịch bản đảo chiều về chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, hoạt động tín phiếu của NHNN chỉ là một trong những hoạt động nghiệp vụ, công cụ điều tiết, ổn định tỷ giá, không có hàm ý đảo chiều chính sách.
Theo dự thảo mới đây, Bộ Tài chính muốn sửa đổi Thông tư 120/2020 để cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch không ký quỹ 100% tiền. Bà Thanh kỳ vọng đây sẽ là yếu tố tác động tích cực tới dòng vốn ngoại trên thị trường.
Chuyên gia TPS thống kê từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 14,000 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa so với giá trị bán ròng của năm 2023. Nguyên nhân đến từ một số yếu tố như sự hấp dẫn của các thị trường khác; hành vi tái cân bằng danh mục của các quỹ đầu tư ngoại... Cần phải cải thiện những vấn đề nội tại của các doanh nghiệp đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, duy trì vĩ mô ổn định, đó là những yếu tố có thể thu hút khối ngoại trong thời gian tới.
Do đó, việc UBCK lấy ý kiến về việc nhà đầu tư nước ngoài không cần phải ký quỹ 100% không phải là yếu tố tiên quyết giúp khối ngoại đảo chiều, mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.
Cổ phiếu “vua” chưa hết cơ hội?
Đánh giá về nhóm ngân hàng, thị giá đã tăng tích cực,từ đầu năm đến nay, có những mã tăng mạnh như TCB (+50%); MBB (+36%), CTG (+31%)... Về việc định giá ngân hàng có cao hay không, khi so sánh PB trung bình của ngành ngân hàng hiện tại là 1.65 vẫn thấp hơn so với PB trung bình 3 năm trước (1.82) hay như 5 năm (1.78).
Tuy nhiên, một số ngân hàng đã vượt mức PB bình quân 3 năm hoặc 5 năm, do ngành ngân hàng tăng giá tốt trong thời gian qua, chuyên gia TPS cho rằng có khả năng điều chỉnh trong thời gian tới, tuy nhiên xét triển vọng năm nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn cơ hội để đầu tư, "chúng ta không chỉ xem xét một ngành mà phải xem xét cụ thể từng ngân hàng có câu chuyện rriêng của mình", bà Thanh nói.
Cơ sở để chúng ta tiếp tục quan tâm nhóm ngân hàng trong thời gian tới, bao gồm sự kỳ vọng nền kinh tế phục hồi, từ đó các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hơn cũng như nhu cầu về tín dụng tăng trong thời gian tới và có thể đạt mục tiêu giao cả năm là 15%, nợ xấu ngân hàng cũng bớt rủi ro hơn, hay như kỳ vọng chi phí vốn của ngân hàng năm nay thấp do lãi suất thấp; đặc biệt thời gian vừa rồi NHNN nỗ lực giải pháp tháo ngỡ khó khăn doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận