Giá dầu, khí tăng phi mã: Định giá cổ phiếu dầu, khí có còn hấp dẫn?
Giá dầu và giá khí thiên nhiên thế giới vọt tăng từ đầu năm và dự báo còn tăng mạnh. Tuy nhiên, không phải cổ phiếu dầu, khí nào cũng hưởng lợi.
Giá khí tăng mạnh, cổ phiếu khí khó tăng tương ứng
Đầu tháng 10/2021, giá khí thiên nhiên (LNG) thế giới giao ngay Henry Hub đạt mức 6,3 USD/mmbtu, tăng 143% so với mức đầu năm 2021, và tăng 143% so với cùng kì năm ngoái. Đây cũng là mức giá cao nhất của khí thiên nhiên tính từ cuối năm 2008.
Như vậy, giá khí chỉ tăng nhất thời hay chu kỳ khí rẻ đã kết thúc? Theo các chuyên gia phân tích của SSI, có ba nguyên nhân khiến giá khí tăng vọt thời gian qua.
Thứ nhất, nhu cầu phục hồi nhanh khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, đặc biệt các khu vực kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sau tác động của biến thể Delta. Cầu tiêu thụ tăng nhiều hơn so với mức tăng của nguồn cung, khiến giá khí được đẩy lên cao. Đặc biệt là đối với khu vực Châu Âu, tồn kho khí thiên nhiên đang ở mức thấp đáng kể so với mức trung bình 5 năm qua.
Cũng theo IEA, châu Âu nhập khẩu khí chính từ Nga, Nauy (qua đường ống) và LNG từ Mỹ…. Nguồn khí dự trữ tại các cơ sở dự trữ của các công ty dầu khí của Nga như Gazprom ở Áo, Mỹ và Hà Lan vào ngày 28/9/2021 đã thấp hơn 75% so với mức trung bình 5 năm.
Châu Á chiếm 3/4 lượng LNG nhập khẩu toàn cầu. Với đà phục hồi của nền kinh tế, các nước châu Á đang cạnh tranh với châu Âu trong việc nhập khẩu LNG, chủ yếu từ Mỹ, đặc biệt là khi châu Á trải qua một mùa hè khắc nghiệt vừa qua, cũng như nhu cầu điện khí tại Trung Quốc tăng cao do nền kinh tế nước này mở cửa trước thế giới. Trong nửa đầu năm 2021, Trung Quốc vượt Nhật trở thành nước nhập khẩu LNG nhiều nhất thế giới. Nhiều chuyến tàu LNG thay vì đi đến châu Âu thì đã chuyển hướng sang châu Á khi các nước châu Á tăng cường tích trữ LNG. Tồn kho LNG tại các cảng nhập khẩu của châu Âu đang ở mức thấp nhất 3 năm.
Thứ hai, nguồn cung LNG bị gián đoạn do nhiều yếu tố như thời tiết, Covid-19 và địa chính trị. Cụ thể, nguồn cung LNG từ của Mỹ - quốc gia xuất khẩu LNG nhiều nhất thế giới – bị ảnh hưởng do bão Ida cuối tháng 8 vừa qua. Thêm vào đó, nguồn cung LNG bị ảnh hưởng do các hoạt động bảo dưỡng lớn các cơ sở LNG kéo dài tại Úc, Nga, Quatar do Covid-19 hay vụ cháy cơ sở LNG của Nauy, khiến nguồn cung LNG sụt giảm trong ngắn hạn. Các cơ sở LNG của Mỹ cũng như các nước Úc, Quatar gần như đã hoạt động gần hết công suất, và để mở rộng hoặc xây dựng mới cần phải tính bằng một vài năm. Đầu tư cho hạ tầng đầu khí giảm mạnh trong những năm vừa qua do chu kì giá dầu/khí thấp và xu hướng chuyển sang năng lượng tái tạo. Do đó nguồn cung khí sẽ khó để tăng mạnh trong ngắn hạn.
Về địa chính trị, Nga – quốc gia cung cấp đến khoảng gần 40% nhu cầu khí của Châu Âu- hạn chế cung cấp khí cho thị trường Châu Âu cũng đang gây áp lực lên thị trường khí toàn cầu.
Với các doanh nghiệp trong nước, mặc dù giá khí thiên nhiên thế giới tăng mạnh, song giá khí thiên nhiên trong nước không sử dụng giá khí thế giới để làm cơ sở cho giá bán. Giá khí thiên nhiên mà GAS và các đơn vị thành viên phân phối được dựa trên công thức sử dụng giá FO hoặc LPG làm cơ sở.
Chính vì vậy, dù giá khí thiên nhiên thế giới tăng mạnh khiến giá FO, LPG tăng mạnh theo song theo SSI, mức độ hưởng lợi và mức gia tăng về lợi nhuận nếu có sẽ không mạnh mẽ như mức tăng của giá khí thiên nhiên.
“Khi xem xét đến định giá của một số cổ phiếu, chúng tôi cho rằng định giá đã không còn hấp dẫn”, báo cáo của SSI nhận định.
Theo các các chuyên gia phân tích, khí thiên nhiên tăng khiến GAS hưởng lợi, nhất là nhờ tồn khó giá thấp. Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp thành viên mà GAS nắm trên 50% vốn như CNG, PGD, PVG… dự kiến lợi nhuận sẽ không có đột biến. Thậm chí, do ảnh hưởng của Covid 19, sản lượng trong các tháng cuối năm thậm chí còn bị sụt giảm, thấp hơn năm ngoái.
Giá dầu có thể vượt 90 USD/thùng?
Ngược với giá khí, giá dầu thế giới tăng mạnh lại đang tác động rõ rệt tới nhóm cổ phiếu dầu khí.
Theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Nghiên cứu Khách hàng cá nhân MBS, giá dầu thế giới tăng trưởng tốt sẽ giúp cổ phiếu họ dầu khí hưởng lợi. Theo ông quan điểm của ông Sơn, nếu mùa đông châu Âu khắc nghiệt hơn dự báo, việc giá dầu vọt lên 90 USD/thùng như dự báo của Goldman Sachs là có thể.
Trong khi đó, trong báo cáo mới đưa ra đầu tháng 10/2021, Chứng khoán VNDirect (VNDS) cho rằng, cổ phiếu dầu khí trong nước sẽ tiếp tục có động lực tăng trưởng nhờ giá dầu Brent nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng tăng do nguồn cung phản ứng chậm trước sự phục hồi của nhu cầu dầu thô toàn cầu.
Giá dầu thô trên thị trường thế giới hôm qua có lúc đã chạm đỉnh 3 năm khi vượt mốc 83 USD/thùng, giá dầu tương lai WTI chạm đỉnh 7 năm. Giá dầu tăng mạnh khi OPEC+ nhất trí giữ nguyên thỏa thuận tháng 7 là tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến ít nhất tháng 4/2022 để phục hồi dần mức cắt giảm 5,8 triệu thùng/ngày, thay vì tăng thêm lượng cung ra thị trường.
Trong khi cung dầu không tăng mạnh thì cầu lại đang phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh nhiều nước mở cửa trở lại. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) thì trong tháng 9, kho dự trữ của Hoa Kỳ giảm 3.5 triệu thùng xuống 414 triệu thùng, gần chạm mức thấp nhất trong ba năm.
Do hoạt động của doanh nghiệp dầu khí trong nước tương quan cao với giá dầu Brent, các chuyên gia VNDS cho rằng giá dầu sẽ vẫn là động lực dẫn dắt nhóm cổ phiếu dầu khí trong thời gian tới, thậm chí còn giúp cải thiện nền tảng cơ bản của ngành trong những năm tới.
Cụ thể, giá dầu tăng có thể mang lại nhiều động lực hơn cho các đơn vị liên quan để tái khởi động những dự án lớn tại Việt Nam, trước tiên là mang lại cơ hội rất lớn cho các công ty thượng nguồn như PVD và PVS, theo đánh giá của VNDS.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận