Doanh nghiệp xây dựng dân dụng ngóng chờ ngày thị trường bất động sản phục hồi
Thị trường bất động sản phải sôi động thì ngành xây dựng mới phát triển được. Trong bối cảnh bất động sản 2023 vẫn còn trầm lắng, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp xây dựng dân dụng trên sàn chứng khoán chưa thể tìm được tăng trưởng.
So với năm liền trước, năm 2023 chứng kiến nhiều động thái tích cực của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc đưa thị trường bất động sản trở lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, với việc các luật và quy định mới vẫn chưa đủ “độ thấm” nên tình hình chung vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt.
Hệ quả là nguồn cung công việc mới cho ngành xây dựng ngày càng hạn chế, kết quả kinh doanh theo đó cũng bị ảnh hưởng.
Theo thống kê từ VietstockFinance, 31 doanh nghiệp xây dựng dân dụng trên sàn chứng khoán ghi nhận tổng doanh thu năm 2023 giảm gần 14% so với năm 2022, về mức 47.3 ngàn tỷ đồng. Đáng chú ý là tổng lợi nhuận trong năm âm hơn 64 tỷ đồng, trong khi năm trước âm 1,895 tỷ đồng.
Nếu loại kết quả của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC), tổng doanh thu thuần và lãi ròng của 30 doanh nghiệp còn lại lần lượt là gần 40 ngàn tỷ đồng và hơn 713 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu vẫn đi lùi nhưng chỉ ở mức 2%, còn lợi nhuận tăng hơn 6%.
Nguyên nhân tổng lợi nhuận ngành bị âm trong năm 2023 đến từ 4 doanh nghiệp lỗ, trong đó HBC đóng vai trò chủ yếu.
4 doanh nghiệp xây dựng lỗ ròng trong năm 2023. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VIetstockFinance
Cụ thể, HBC có năm lỗ thứ hai liên tiếp với 778 tỷ đồng lỗ ròng trong bối cảnh doanh thu đi lùi 47%, còn 7,546 tỷ đồng. Bên cạnh kết quả thua lỗ, HBC còn bị HOSE cảnh báo về việc hủy niêm yết cổ phiếu nếu Công ty không nộp BCTC kiểm toán 2023 đúng hạn. Được biết, trước đó HBC đã liên tiếp chậm nộp BCTC kiểm toán 2021 và 2022.
14 doanh nghiệp lãi giảm
Trong 14/31 doanh nghiệp lãi giảm, Tổng Công ty LICOGI (UPCoM: LIC) là doanh nghiệp có mức giảm lợi nhuận mạnh nhất với 95%, CTCP Xây dựng 1369 (HNX: C69) xếp sau giảm 63%.
14 doanh nghiệp xây dựng lãi giảm trong năm 2023. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VIetstockFinance
Trong năm 2023, doanh thu LIC đi ngang 2 ngàn tỷ đồng, cùng với đó là tiết giảm hầu hết chi phí. Tuy nhiên, doanh thu tài chính khác sụt giảm từ 162 tỷ đồng còn hơn 31 tỷ đồng trong năm 2023 đã khiến lãi ròng của LIC chỉ còn gần 2 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp đáng chú ý khác là CTCP Hưng Thịnh Incons (HOSE: HTN) cũng ghi nhận lãi giảm 6%, còn 60 tỷ đồng. Nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Hưng Thịnh nên HTN trong tình trạng “thiếu việc”, doanh thu giảm 51%, chỉ còn gần 2.7 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận Công ty không suy giảm mạnh là nhờ doanh thu tài chính gấp đôi năm trước, cùng với đó là chi phí quản lý được tiết giảm một nửa.
Được biết, chi phí quản lý của HTN giảm mạnh trong bối cảnh số lượng nhân viên Công ty tại thời điểm 31/12/2023 chỉ còn 286 người, giảm gần 60% so với cuối năm 2022.
10 doanh nghiệp lãi tăng
Trái ngược với các doanh nghiệp trên, vẫn có 10 doanh nghiệp xây dựng lãi tăng, thậm chí có doanh nghiệp tăng nhiều lần.
10 doanh nghiệp xây dựng lãi tăng năm 2023. Đvt: Tỷ đồng
* Do CTD thay đổi niên độ tài chính, số liệu trong bảng được tính bằng tổng 4 quý trong khoảng thời gian từ 01/01-31/12/2023
Nguồn: VietstockFinance
Doanh nghiệp xây dựng có mức tăng lợi nhuận mạnh nhất gọi tên “ông lớn” ngành xây dựng CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) với mức lãi giai đoạn 01/01-31/12/2023 đạt 188 tỷ đồng, gấp 9 lần so với năm 2022.
Kết quả đột biến của CTD có được là nhờ giảm hơn 60% chi phí dự phòng so với năm trước, chỉ còn hơn 155 tỷ đồng. Cũng trong năm qua, Công ty đã trích lập nợ xấu gần 143 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Saigon Glory – chủ đầu tư dự án khu tứ giác Bến Thành.
Dù có kết quả tăng mạnh, nhưng CTD vẫn đánh giá 2023 là một năm khó khăn của ngành khi thị trường bất động sản đóng băng, tín hiệu phục hồi chậm vào 3 tháng cuối năm. Qua đó, các công ty xây dựng cũng chịu ảnh hưởng, bởi hai ngành này gắn liền mật thiết khiến nguồn cung công việc ngắn hạn ở mảng xây dựng dân dụng bị thiếu hụt.
Tổng CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (UPCoM: CTX) xếp ngay sau với lãi ròng 36 tỷ đồng đạt được trong năm 2023 gấp gần 6 lần năm trước. Kết quả này cũng đến từ hoạt động xây dựng khi doanh thu tăng đến 83%, đạt 337 tỷ đồng.
Dù không công bố doanh thu đến từ dự án nào nhưng nếu xét chi phí xây dựng cơ bản dở dang của CTX tại các dự án vào ngày 31/12/2023, có thể thấy giá trị tăng chủ yếu đến từ hai dự án tòa nhà hỗn hợp Constrexim Complex và Sapa Resort.
Mặt khác, năm 2023, nhiều doanh nghiệp thận trọng đặt mục tiêu lợi nhuận đi lùi, nhờ đó, một số bên dù kết quả giảm nhưng vẫn cán đích năm.
Các doanh nghiệp xây dựng hoàn thành được kế hoạch đề ra cho năm 2023. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Bước sang 2024, các doanh nghiệp xây dựng dân dụng kỳ vọng thị trường sẽ chuyển biến tích cực hơn. Đại diện CTD cho rằng, giai đoạn nửa sau 2024 tới nửa đầu 2025 sẽ là thời gian xoay chiều của ngành bất động sản. Lượng cầu ở phân khúc căn hộ với pháp lý rõ ràng vẫn cao nên ở mảng bất động sản thương mại, những chủ đầu tư có quỹ đất sạch, minh bạch vẫn có kế hoạch triển khai bình thường.
Ngoài ra, FDI đang là điểm sáng của Việt Nam với mức tăng trưởng rõ rệt về sản lượng đăng ký mới trong năm 2023. Vì vậy, các công ty xây dựng cũng kỳ vọng hưởng lợi từ việc xây dựng nhà máy cho các ông lớn toàn cầu trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường