Doanh nghiệp “gom” cổ phiếu quỹ, vì sao?
Thị giá nhiều mã cổ phiếu rơi về vùng giá thấp, các doanh nghiệp (DN) đồng loạt lên kế hoạch chi cả nghìn tỉ đồng để mua cổ phiếu quỹ. Động thái này được coi như một “đơn thuốc” khẩn cấp nhằm cứu giá cổ phiếu, nhưng đằng sau đó lại có lại đặt ra nhiều vấn đề.
Chỉ trong vòng 2 tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam đã “bốc hơi” mất gần 30 tỷ đô la vốn hóa. Tổn thất này phần lớn đến từ tâm lý hoang mang của nhà đầu tư khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày một diễn biến phức tạp. Và, việc mua vào cổ phiếu quỹ được cho là giải pháp tối ưu để “cứu giá” khi hầu hết DN cho rằng thị giá cổ phiếu đang ở mức thấp hơn giá trị thực nên việc mua vào cổ phiếu chính là bảo vệ quyền lợi cho DN và cổ đông.
Đua nhau mua cổ phiếu quỹ
Mới đây, VNDIRECT đưa ra ước tính rằng, tổng giá trị mua lại cổ phiếu quỹ theo kế hoạch của các DN trong khoảng 2 tuần trở lại đây có thể đạt tới 2.288 tỷ đồng.
Trong số này, các DN ra kế hoạch mua cổ phiếu quỹ số lượng lớn có thể kể đến như: PAN công bố kế hoạch mua vào 21,6 triệu cổ phiếu quỹ (10% cổ phiếu đang lưu hành), tương đương với khoảng 450 tỷ đồng theo giá hiện tại. Tính từ đầu năm, giá cổ phiếu PAN đã sụt giảm 23,7% cho đến ngày ra công bố mua cổ phiếu quỹ (ngày 14/3). Ngay sau đó, cổ phiếu PAN lập tức tăng trần trong 3 phiên liên tiếp, từ mức giá 17.100 đồng/CP lên mức giá 20.850 đồng/CP.
Vào ngày 17/3, GMD cũng đã công bố kế hoạch mua 25 triệu cổ phiếu quỹ (8,4% cổ phiếu đang lưu hành), tương đương 424 tỷ đồng ở giá hiện tại - sau khi giá cổ phiếu sụt giảm 32,2% kể từ đầu năm. Ngay sau khi thông tin này được công bố, GMD cũng có hai phiên liên tiếp tăng giá sau chuỗi ngày liên tục đỏ sàn, từ mức 15.800 đồng/CP lên mức giá 16.950 đồng/CP.
Ngày 5/3, CTI cũng thông qua phương án mua 15,7 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương với hơn 342 tỷ đồng ở giá hiện tại. Hoặc, CCI ngày 18/3 cũng công bố mua 14 triệu cổ phiếu, tương ứng với hơn 294 tỷ đồng ở giá hiện tại, ngay sau đó CII cũng có phiên tăng 6,1%, từ mức giá 19.800 đồng/CP lên mức giá 21.000 đồng/CP.
Một loạt các DN khác cũng quyết định mua cổ phiếu quỹ, chẳng hạn như: PVI công bố mua 11,5 triệu cổ phiếu, ước tính giá trị giao dịch 337 tỷ đồng; TPB công bố mua 10 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng giá trị 213 tỷ đồng; STK công bố mua 5 triệu cổ phiếu, ước tính giá trị khoảng 74,5 tỷ đồng…
Có thể thấy, chỉ trong 3 tuần đầu tháng 3, đã có gần 70 DN đăng ký mua cổ phiếu, bao gồm cả cổ phiếu quỹ và tăng tỷ lệ sở hữu của lãnh đạo các DN. Và, tác động tích cực từ những thông tin công bố “sẽ giao dịch” này thường đến tức thì, thậm chí trước cả khi chúng được thực hiện. Bằng chứng là hầu hết các mã có thông tin công bố, đều có vài phiên tăng khá tích cực, bất chấp đà suy giảm của thị trường.
Theo lý giải của các chuyên gia chứng khoán, việc các DN mua cổ phiếu quỹ ở mức giá thấp, đặc biệt là khi mức giá đó bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố tâm lý, có thể mang lại lợi ích bất ngờ đối với DN, cổ đông. Trong ngắn hạn, hoạt động mua lại giúp DN trấn an cổ đông, rằng cổ phiếu đã đủ hấp dẫn để mua vào thời điểm hiện tại. Về dài hạn, khi cổ phiếu có thể đạt lại được những mức cao hơn, DN cũng có cơ hội thu được thặng dư khi bán ra trở lại…
Tuy nhiên, động thái mua cổ phiếu quỹ không hẳn là dấu hiệu đảm bảo rằng DN hoàn toàn dư dả nguồn lực để mua vào ngay giữa lúc kinh doanh khó khăn, đặc biệt là ngay giữa diễn biến dịch Covid-19 đang phức tạp.
TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính cho rằng, việc DN rót tiền mua cổ phiếu quỹ là một phản xạ tự nhiên trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụt giảm, cổ phiếu DN lao dốc. Nhưng xét cho cùng, động thái này cũng có tính hai mặt, đó là, trong trường hợp DN dư dả về tiền mặt thì động thái này đươc xem là tích cực, tuy nhiên khi không dư dả về tiền mặt mà phải chi tiền, hay đi vay mượn tiền để “cứu giá” thì hoàn toàn không ổn.
“Nếu vì để trấn an cổ đông mà DN chấp nhận mua lại cổ phiếu quỹ trong bối cảnh thiếu hụt tiền mặt, nguồn tiền để thực hiện có thể là đi vay hoặc lấy từ hoạt động kinh doanh khác sẽ tạo thêm gánh nặng cho DN, việc này là không đáng”, ông Tín chia sẻ.
Nhiều vấn đề sau động thái mua cổ phiếu quỹ
Bên cạnh những ý kiến cho rằng việc các DN mua cổ phiếu quỹ là để “cứu giá”, khá nhiều ý kiến lại cho rằng động thái này của DN là một biện pháp giúp DN tránh khỏi các thế lực khác gom mua cổ phiếu khi giá lao dốc để thao túng, nắm quyền kiểm soát công ty. Thậm chí, đây cũng có thể cũng là bước đệm cho DN thực hiện giảm vốn điều lệ thông qua việc mua và sau đó hủy số cổ phiếu quỹ đã mua…
Tất nhiên, DN nào khi ra quyết định mua cổ phiếu quỹ cũng có lý do của họ, nhưng trong bối cảnh thị trường sụt giảm như hiện nay, giải pháp mua vào để “cứu giá” có lẽ không phải là nguyên nhân chính mà DN có tiềm lực, có nội tại đang theo đuổi.
Dưới góc độ nhà đầu tư, dịch giả, sáng lập Happy.Live, ông Thái Phạm, thốt lên rằng: Vì hoảng sợ khi cổ phiếu rớt giá, các công ty thi nhau đăng kí mua cổ phiếu quỹ và tiêu tốn một số tiền mặt rất quý giá, đáng ra dùng để duy trì hoạt động, trả lương cho nhân viên thời khủng hoảng hoặc chờ đợi cơ hội để phất lên trở lại sau khủng hoảng Covid-19 này! Thật không thể tin được!
“Vì sao lại tiêu tốn số tiền mặt quý giá cho cổ phiếu xanh đỏ? Không phải là để trấn an nhà đầu tư đâu, tôi biết chắc là như vậy. Là một nhà kinh doanh tôi hiểu tiền là máu, là sinh mệnh của DN, lấy đâu ra thừa thãi mà tham gia vào trò mua đỡ giá, đẩy giá, hoặc là kiểm soát giá cho không xuống thấp? Tất cả là bởi vì họ đã trót dùng chính cổ phiếu của mình đem cầm cố Repo ở các ngân hàng và các công ty chứng khoán để rút tiền làm ăn, giờ họ sợ margin call nên buộc phải đăng kí mua cổ phiếu quỹ vào thời điểm này và phung phí đi nguồn tiền cần thiết để giúp doanh nghiệp hoạt động. Không mua vào thì sao? Cổ phiếu sẽ bị bán tháo không thương tiếc do margin call và mất thanh khoản cổ phiếu. Đó là lý do tại sao họ lại mua cổ phiếu quỹ nhiều như vậy”, ông Thái Phạm, phân tích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận