Doanh nghiệp dược chứng kiến sự giảm tốc sau năm "ăn nên làm ra"
Quý I/2024, đà tăng của doanh nghiệp ngành dược đã gặp nhiều hạn chế do biến động tăng giá nguồn nguyên liệu đầu vào, tình hình cạnh tranh trên thị trường.
Dược phẩm là một ngành thiết yếu, ít chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sức cầu thấp trên diện rộng cũng đã gây khó khăn cho một ngành có tốc độ tăng trưởng mạnh tại Việt Nam.
Sau năm 2023 thắng lợi khi nhiều doanh nghiệp báo lãi kỷ lục, tăng trưởng bằng lần so với cùng kỳ; bước sang năm 2024, đà tăng của ngành này đã gặp nhiều hạn chế do biến động tăng giá nguồn nguyên liệu đầu vào, tình hình cạnh tranh trên thị trường.
Theo báo cáo của Chứng khoán SSI, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế toàn ngành dược dự báo đạt 8,4%, thấp hơn mức tăng trưởng dự báo của VN-Index là 15,5%. SSI ước tính tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng các công ty là 8% và 6% cho năm 2024.
Mức tăng trưởng lợi nhuận ròng dự kiến thấp hơn do chi phí nguyên liệu chính (API) tăng lên, thị trường bệnh viện/ETC có biên lợi nhuận gộp thấp hơn kênh bán lẻ/OTC. Trong khi đó năm 2023 là một năm tăng trưởng cao đối với các công ty trong ngành. SSI cho rằng sự tăng trưởng trong 2023 dự kiến khó lặp lại trong năm 2024.
Báo cáo này đã ứng nghiệm khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dược hầu như đi ngang hoặc chỉ nhích nhẹ so với cùng kỳ.
Nghịch lý doanh thu tăng, lợi nhuận giảm
Theo thống kê từ Người Đưa Tin, trong quý I/2024, dù là quán quân lợi nhuận ngành dược nhưng “ông lớn” Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) báo lợi nhuận sau thuế giảm 38% so với cùng kỳ xuống 222 tỷ đồng.
Trong quý đầu năm, doanh thu thuần công ty đạt 1.300 tỷ đồng, nới nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng tới hơn 21% khiến biên lợi nhuận gộp thu hẹp còn gần 41%. Lãi suất tiền gửi giảm mạnh cũng khiến doanh thu hoạt động tài chính (phần lớn là lãi tiền gửi ngân hàng) của doanh nghiệp giảm 26% xuống 39 tỷ đồng.
Dược Hậu Giang cho biết, đây là kết quả đã được dự báo trước và nằm trong kế hoạch. Bên cạnh đó, nhà máy Betalactam mới chuẩn bị đi vào hoạt động đã làm tăng các chi phí ghi nhận ngay. Ngoài ra, tỉ trọng doanh thu khác có biên lợi nhuận thấp gia tăng cũng kéo lợi nhuận sau thuế giảm.
Cùng cảnh ngộ, Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) ghi nhận doanh thu thuần quý I/2024 tăng 2,5% so với cùng kỳ lên 439,7 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi cấn trừ đi các chi phí, Imexpharm ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 20,4% so với cùng kỳ xuống 61,9 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Imexpharm, nguyên nhân chính khiến doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm là do biến động tăng giá nguồn nguyên liệu đầu vào, tình hình cạnh tranh trên thị trường, nhà máy IMP4 chính thức đi vào hoạt động (quý III/2023) kéo theo chi phí khấu hao và vận hành tăng.
Trong quý I/2024, Công ty Cổ phần Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar, HoSE: DBD) ghi nhận doanh thu thuần nhích nhẹ so với cùng kỳ lên 383,8 tỷ đồng. Thế nhưng giá vốn lại tăng nhanh hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp giảm hơn 2 tỷ về còn 188,5 tỷ đồng.
Trừ đi các chi phí, Bidiphar lãi sau thuế 67,1 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch đi ngang đem về 320 tỷ đồng trong năm nay, sau 3 tháng công ty đã hoàn thành 25% mục tiêu.
Cả doanh thu và lợi nhuận đều “bốc hơi”
Trong khi các doanh nghiệp cùng ngành ghi nhận doanh thu tăng lợi nhuận giảm, vẫn còn một số doanh nghiệp “buồn” hơn khi cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm.
Đơn cử Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP (Vinapharm, UPCoM: DVN) ghi nhận doanh thu 1.194 tỷ đồng, lãi sau thuế 94,4 tỷ đồng, lần lượt 3% và 15% so với kết quả đạt được cùng kỳ. Nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch là do công ty mẹ, một số công ty con và công ty liên kết ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi trong quý đầu năm.
Tương tự, Công ty Cổ phần Traphaco (HoSE: TRA) ghi nhận doanh thu thuần giảm 12% xuống 547 tỷ đồng. Mặc dù công ty đã tiết giảm các chi phí cùng việc tăng doanh thu hoạt động tài chính, nhưng mức giảm lớn từ doanh thu khiến Traphaco chỉ lãi sau thuế 54 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ.
Dù kết quả kinh doanh quý I/2024 đi lùi nhưng cũng cần lưu ý rằng Traphaco đã trải qua 3 năm lãi đậm. Trong đó năm 2022 lãi kỷ lục và 2023 lãi cao thứ 2 lịch sử. Mức lợi nhuận quý 1/2024 cũng cao hơn cùng kỳ 2021 - thời điểm bắt đầu chuỗi lãi đậm. Tuy vậy, việc giảm lợi nhuận khá mạnh có thể là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đã bước qua đỉnh lợi nhuận.
Triển vọng nào cho những quý cuối năm
Theo SSI, các chính sách sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp dược phẩm sản xuất trong nước trong năm 2024. Một chính sách quan trọng dự kiến được thông qua trong năm 2024 là việc sửa đổi Luật Dược, nhằm giúp giảm bớt thách thức và tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp trong nước theo đuổi các tiêu chuẩn cao (như EU-GMP hoặc tương đương).
SSI kỳ vọng những chính sách này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước cải thiện thị phần so với sản phẩm nhập khẩu ở kênh bệnh viện. Tuy nhiên, tác động của những chính sách này sẽ được thấy rõ hơn vào những năm tiếp theo (2025 - 2026).
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cũng cho rằng việc khơi thông pháp lý sẽ thúc đẩy tăng trưởng ngành dược phẩm. Theo đó, từ đầu năm 2023, nhiều văn bản pháp lý mới giúp khơi thông những khó khăn của ngành dược đã được ban hành như Nghị quyết 80, Nghị định 07, Nghị quyết số 30, Thông tư 06. Trong đó, Quyết định số 1165 ban hành hồi tháng 10/2023 đặt mục tiêu tự chủ các dòng thuốc generics nội địa, hạn chế nhập khẩu thuốc từ nước ngoài.
Mirae Asset dự báo, giá trị ngành dược phẩm năm 2024 dự báo sẽ đạt 7,89 tỷ USD (tăng 9,1% so với cùng kỳ). Trong đó, kênh ETC tăng trưởng mạnh hơn OTC nhờ sự bao phủ bảo hiểm toàn dân đã đạt 93%. Dự phóng giá trị mảng ETC năm 2024 sẽ đạt 6 tỷ USD, tăng 9,4%.
Đồng thời, nếu hoàn tất cơ chế về tự chủ tài chính, bệnh viện công lập sẽ tăng cường chọn các dòng thuốc ưu tiên nội địa có chất lượng cao, thúc đẩy nhu cầu kênh thuốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường