Độ ổn định của thị trường chứng khoán chưa cải thiện, rủi ro còn tiềm ẩn
Chứng khoán ngày 20/11, thị trường thận trọng ở phiên sáng khi VN-Index chìm trong sắc đỏ và tâm lý tích cực trong phiên chiều khi dòng tiền bắt đáy vào nhanh. Chỉ số VN-Index mở cửa dưới tham chiếu, liên tục đi xuống sau ATO. Áp lực bán chiếm ưu thế trong khi lực đỡ yếu khiến chỉ số chính lùi về dưới ngưỡng 1.200 điểm.
Tuy nhiên, đà giảm liên tục trong hơn một tháng, với VN-Index mất hơn 7%, cũng đưa giá nhiều cổ phiếu về vùng hỗ trợ cứng. Lực cầu bắt đáy vì thế cũng tăng nhanh sau khi VN-Index bị ép về dưới ngưỡng tâm lý.
Thị trường bắt đầu hồi trở lại từ cuối phiên sáng khi lực mua vào mạnh hơn. Giá nhiều cổ phiếu thu hẹp đà giảm, vượt trở lại tham chiếu trước giờ nghỉ trưa. Sang phiên chiều, lực mua tiếp tục tăng giúp VN-Index có thời điểm bật lên trên 1.220 điểm, trước khi thu hẹp một phần lúc đóng cửa.
VN-Index chốt phiên tại 1.216,54 điểm, tăng 11,39 điểm (0,95%) so với phiên trước. VN30-Index tăng 12,6 điểm (1%), lên 1.271,73 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng chốt phiên trong sắc xanh.
Thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh, đạt hơn 19.600 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HOSE chiếm hơn 17.800 tỷ, tăng gần 5.000 tỷ đồng so với phiên trước. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài hôm nay tiếp tục bán ròng hơn 1.200 tỷ đồng, phiên thứ 20 liên tiếp.
Cuối phiên, sàn HOSE có 250 cổ phiếu tăng giá, so với 148 mã giảm giá. Dòng tiền của nhà đầu tư tập trung vào ba nhóm ngành chính là bất động sản, ngân hàng và dịch vụ tài chính.
VHM là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 1,17 điểm khi mã này tăng lên 43.300 đồng. Ngược lại, MWG là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi đóng cửa giảm 1,22%, xuống 56.800 đồng.
Trong VN30, sắc xanh chiếm áp đảo với 24/30 mã đóng cửa trên tham chiếu. BCM, VHM, TCB chốt phiên cùng tăng hơn 2%, CTG, SSI, FPT, MBB, TPB, STB có thêm hơn 1%. Ngược lại, MWG, GAS đóng cửa trong sắc đỏ; HDB, SSB, VIC và VRE đứng tham chiếu.
Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua
Có thể tận dụng các nhịp rung lắc trong phiên để giải ngân
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Với việc VN-Index đã ghi nhận chuỗi giảm điểm khá mạnh trong những phiên gần đây, nhà đầu tư hoàn toàn có thể cân nhắc tận dụng các nhịp rung lắc trong phiên để giải ngân từng phần cho mục tiêu đầu tư trung - dài hạn.
Trọng tâm giải ngân trong giai đoạn này nên là những cổ phiếu đã duy trì được xu hướng và bật tăng mạnh mẽ từ vùng hỗ trợ hoặc đáy chiết khấu sâu với dư địa hồi phục còn nhiều.
Đồng thời, cũng nên hạn chế gia tăng tỷ trọng ở những mã đang kiểm định vùng đỉnh hay chưa thu hút được lực cầu tích cực. Cùng với đó, nhà đầu tư vẫn cần tuân thủ chặt chẽ các ngưỡng chốt lời/cắt lỗ đã đặt ra, trong bối cảnh thị trường chưa vẫn chưa phát đi tín hiệu xác nhận tạo đáy dài hạn.
Không nên vội vàng mua đuổi trong các phiên tiếp theo
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Lực cầu bắt đáy có tín hiệu gia tăng khi VN-Index về quanh vùng tâm lý 1.200 điểm qua đó giúp VN-Index có phiên đảo chiều tăng điểm, chấm dứt mạch 4 phiên giảm điểm trước đó.
Trên biểu đồ kỹ thuật xuất hiện mẫu hình nến đảo chiều Piercing Pattern cho thấy áp lực bán có dấu hiệu chững lại, nhường sân cho lực cầu tham gia.
Mẫu hình đảo chiều trên có thể giúp VN-Index tăng điểm trong các phiên tới để test lại khoảng GAP (1.229-1.231) giảm điểm trước đó. Tuy vậy, tín hiệu tạo đáy của VN-Index vẫn chưa được xác nhận và còn cần nhiều tín hiệu tích cực và cần thời gian thêm nữa.
Vì vậy, chúng ta không nên quá vội vàng mua đuổi trong các phiên tiếp theo, đặc biệt khi VN-Index tiến lên vùng điểm GAP trước đó. Thay vào đó, chúng ta ưu tiên tăng dần tỷ trọng các mã đã có lợi nhuận trong đợt mua thăm dò ở vùng 1.208 điểm trước đó.
Tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt
Chứng khoán Asean
Nhà đầu tư nên theo sát diễn biến dòng vốn từ khối ngoại và xu hướng vận động của chỉ số DXY, cũng như tỷ giá USD/VND trong nước để tiếp tục đánh giá mức độ rủi ro của áp lực tỷ giá và thanh khoản thị trường, tập trung vào các cổ phiếu đầu tư dài hạn có nền tảng cơ bản tốt và triển vọng kinh doanh tích cực, giải ngân khi thị trường có các dấu hiệu hồi phục rõ ràng và định giá cổ phiếu về mức hấp dẫn.
Độ ổn định của thị trường chưa cải thiện nhiều và rủi ro còn tiềm ẩn
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Thị trường nhận được hỗ trợ tại vùng 1.200 điểm và hồi phục trở lại. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy dòng tiền có nỗ lực và chủ động hỗ trợ thị trường, tuy nhiên nguồn cung vẫn duy trì áp lực khi thị trường hồi phục nhanh.
Diễn biến hồi phục có thể sẽ tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo nhưng dự kiến thị trường sẽ có trạng thái tranh chấp mạnh khi tăng điểm, đặc biệt là vùng cản 1.225 – 1.230 điểm. Tạm thời vẫn cần đề phòng rủi ro lùi bước từ vùng cản này.
Do vậy, nhà đầu tư có thể cân nhắc nhịp hồi phục để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro, đồng thời quan sát nỗ lực của dòng tiền trong thời gian tới.
Hiện tại, độ ổn định của thị trường chưa cải thiện nhiều và rủi ro còn tiềm ẩn nên nhà đầu tư cũng cần cân nhắc quản trị danh mục hợp lý, tránh rơi vào trạng thái quá mua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường