Đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng nào nhận cổ tức cao?
Đầu tư vào cổ phiếu trả cổ tức, nhà đầu tư sẽ có thêm nguồn thu nhập ngoài kỳ vọng tăng giá cổ phiếu trong tương lai. Năm 2024, nhóm ngân hàng xuất hiện nhiều nhà băng mạnh tay chia cổ tức.
Diễn biến mùa đại hội cổ đông 2024 năm nay củng cố thêm thông tin về những doanh nghiệp và ngân hàng có lịch sử chi trả cổ tức đều đặn. Đó thường là những thương hiệu có lịch sử hoạt động lâu đời, mô hình kinh doanh ổn định và tình hình tài chính lành mạnh. Trong nhóm ngành tài chính, nhiều ngân hàng cũng duy trì việc trả cổ tức với tỷ lệ tương đối cao cho nhà đầu tư.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2024, nhiều ngân hàng đã thông qua kế hoạch tăng vốn. Đặc biệt, TCB và ba "ông lớn" VCB, CTG, BID đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 70.000 tỷ đồng.
Theo đó, ĐHĐCĐ TCB đã thông qua kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ từ 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu mới từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ cổ phiếu thưởng TCB lên tới 100%, là mức chia cao nhất được ghi nhận của ngành ngân hàng trong năm 2024. Bên cạnh đó, sau 10 năm giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, TCB chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%. Ngày 22/5/2024 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông nhận được tiền mặt. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 07/05, cổ phiếu ngân hàng TCB cán mốc 47.950 đồng/cp.
Mới đây, ĐHĐCĐ MSB cũng đã đồng thuận phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%, tăng vốn điều lệ lên 26.000 tỷ đồng. MSB là một trong những ngân hàng thực hiện trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ cao nhất từ lợi nhuận để lại đến cuối năm 2023 sau khi hoàn thiện các nghĩa vụ tài chính. MSB dự kiến triển khai việc này vào quý III/2024 sau khi có phê duyệt của cơ quan quản lý. Với sự khởi đầu năm kinh doanh 2024 khả quan, ngân hàng cũng đã được ĐHĐCĐ phê duyệt kế hoạch có thể thực hiện tạm ứng cổ tức từ nguồn lợi nhuận được tạo ra trong năm 2024 sau khi hoàn thiện tăng vốn điều lệ lên 26.000 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ tổ chức cuối tháng 4, Chủ tịch HĐQT VPB Ngô Chí Dũng cho biết năm 2024, ban lãnh đạo dự kiến sử dụng 7.934 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt, tương ứng tỷ lệ 10%. Thời gian thực hiện trả cổ tức dự kiến quý II và quý III năm tới. Đây là năm thứ hai liên tiếp VPB thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, sau khi ngân hàng đã hoàn tất các kế hoạch tăng vốn, củng cố nền tảng tài chính bảo đảm cho sự phát triển trong tương lai.
Còn với MBB, kết quả kinh doanh 2023 sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận sau thuế còn lại là gần 14.774 tỷ đồng. Cộng với lợi nhuận chưa chia các năm trước, các cổ đông đang trông cổ tức từ món tiền 18.952 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng quốc doanh cũng tiếp tục trình cổ đông kế hoạch giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ. ĐHĐCĐ năm 2024 của CTG đã thông qua phương án giữ lại 13.927 tỷ đồng lợi nhuận còn lại năm 2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trước đó, ĐHĐCĐ năm 2023 CTG cũng thông qua việc dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại năm 2022 (11.521 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tuy nhiên đến nay kế hoạch này chưa được triển khai. Hiện vốn điều lệ của CTG ở mức 53.700 tỷ đồng. Như vậy, nếu được giữ lại lợi nhuận năm 2022-2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên 79.148 tỷ đồng.
VCB cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu. Lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ của VCB năm 2023 là 24.987 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến dùng toàn bộ để chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. HĐQT ngân hàng cũng đã phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 theo nguyên tắc phê duyệt của NHNN, sẽ dùng 21.680 tỷ đồng lợi nhuận còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trước đó, nhà băng này cũng đã dùng nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019-2020 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Hiện vốn điều lệ VCB ở mức 55.891 tỷ đồng. Nếu thực hiện thành công các kế hoạch tăng vốn kể trên, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng lên 102.558 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất Việt Nam. Hiện nay VCB là ngân hàng có vốn chủ sở hữu cao nhất hệ thống hơn 173 nghìn tỷ đồng.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của BID cũng thông qua kế hoạch tăng vốn "khủng". Ngân hàng cho biết vốn điều lệ hiện tại là 57.004 tỷ đồng và dự kiến tăng lên 70.624 tỷ đồng. Cụ thể, BID sẽ dùng 11.970 tỷ đồng lợi nhuận còn lại năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 21%). Bên cạnh đó, ngân hàng phát hành thêm gần 165 triệu cổ phiếu bằng hình thức chào bán riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm 1.649 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2024 – 2025, sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, BID cũng đề xuất giữ lại một phần lợi nhuận còn lại năm 2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ năm 2023 là 15.491 tỷ đồng, ngân hàng muốn giữ lại 12.347 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đề xuất này cần được NHNN phê duyệt. Như vậy, trong vài năm tới, vốn điều lệ của BID có thể tăng lên hơn 86.000 tỷ đồng.
Nhận định về bức tranh ngành ngân hàng năm 2024, các chuyên gia cho rằng có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn còn tiềm ẩn. Yếu tố tích cực đến từ thanh khoản hệ thống duy trì ổn định với mặt bằng lãi suất thấp, nền kinh tế đang trên đà phục hồi từ quý IV-2023 và GDP năm 2024 kỳ vọng sẽ duy trì tích cực trên 6%.
Mặt khác, với chính sách nới lỏng tiền tệ thuận lợi hơn, lạm phát trong tầm kiểm soát và áp lực lên VND giảm và một số chính sách hỗ trợ như Thông tư 02 về cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ có thể được kéo dài, Thông tư 16 về việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng sẽ được sửa đổi.
Với các yếu tố thuận lợi trên, kỳ vọng cầu tín dụng hồi phục giúp tín dụng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024 sẽ là động lực tăng giá của cổ phiếu ngành tài chính - ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận