Dầu khí quý 2: Nguội lạnh?
Giá dầu lao dốc, đa phần doanh nghiệp dầu khí chứng kiến một quý 2 kinh doanh ảm đạm. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh và nguồn cung xăng dầu ổn định lại kéo lợi nhuận của một số cái tên đi lên.
Quý 2/2022 là thời điểm đặc biệt với nhóm dầu khí, khi thế giới chứng kiến giá dầu thô tăng lên cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, với nguyên nhân là nguồn cung hạn hẹp dưới tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine và những căng thẳng kinh tế, địa - chính trị khác.
Câu chuyện của quý 2/2023 thì khác. Giá dầu thô đã giảm từ 85.51 USD/thùng thời điểm đầu tháng 4 về mức 74.97 USD vào cuối tháng 6/2023, trong khi giá cùng kỳ lên tới hơn 123 USD/thùng. Chênh lệch thành phẩm (cracking spread) cùng kỳ cũng tốt hơn rất nhiều so với năm nay.
Quý 2/2022, giá dầu tăng cao thổi bùng lợi nhuận của nhóm dầu khí. Còn năm nay, kết quả ảm đạm hơn rất nhiều. Thống kê từ Vietstock Finance trên 31 doanh nghiệp dầu khí công bố kết quả quý 2, có 12 doanh nghiệp báo lãi tăng với 7 cái tên chuyển từ lỗ thành lãi, 18 doanh nghiệp giảm lãi, và 1 doanh nghiệp thua lỗ.
4 ông lớn, chỉ mình Petrolimex lãi đậm
Kết quả kinh doanh quý 2/2023 của 4 ông lớn ngành dầu khí
4 ông lớn ngành dầu khí, có đến 3 cái tên ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh. Nặng nhất là BSR (Lọc hóa Dầu Bình Sơn) rơi tới 87% lãi ròng quý 2, còn hơn 1.3 ngàn tỷ đồng. PV OIL ghi nhận giảm 56% lãi ròng, còn 179 tỷ đồng. GAS giảm 38%, còn hơn 3.1 ngàn tỷ đồng.
Lý do 3 ông lớn này đưa ra đều giống nhau: vì giá dầu cùng kỳ tăng cao ở mức chưa từng thấy trong nhiều năm. Riêng PV GAS còn liệt kê nguyên nhân giá CP (contract price) quý 2/2023 sụt giảm. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng mức lợi nhuận ghi nhận trong quý 2/2022 đều là kỷ lục đối với cả 3 ông lớn trong ngành. Xét trên mức nền quá cao như vậy, việc kết quả năm nay sụt giảm là điều không quá khó hiểu.
Ngoài ra, việc giảm lãi là câu chuyện đã được dự báo trước. Tại ĐHĐCĐ 2023, cả 3 ông lớn đều đặt mục tiêu lợi nhuận giảm sâu so với năm 2022. Vậy nên chỉ qua nửa đầu năm nay, OIL đã đạt 95% mục tiêu lãi sau thuế, trong khi BSR và GAS đều vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm.
Trong khi đó, Petrolimex (HOSE: PLX) tăng lãi mạnh với khoản lợi nhuận ròng 774 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 196 tỷ đồng). Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân của mức tăng này chủ yếu nhờ hoạt động kinh doanh xăng dầu đã trở lại bình thường, trong khi cùng kỳ chịu nhiều bất ổn vì xung đột vũ trang Nga - Ukraine tác động đến giá và nguồn cung xăng dầu (cùng kỳ phải trích lập dự phòng hơn 1.1 ngàn tỷ đồng vì biến động giá xăng dầu).
Hơn nữa, nguồn cung xăng dầu từ các nhà máy trong nước khá ổn định, trong khi thương nhân thực hiện nhập mua xăng dầu theo đúng kế hoạch, đảm bảo hiệu quả.
Đa phần nguội lạnh
Giá dầu khí sụt giảm mạnh là nguyên nhân kéo sập lợi nhuận của đa số doanh nghiệp báo lãi giảm trong quý 2. Nhiều doanh nghiệp rơi gần hết lợi nhuận, như PVC giảm 99%, lãi ròng còn gần 30 triệu đồng; PEG mất 97%, còn hơn 50 triệu đồng; hay COMECO (COM) giảm 95% lợi nhuận ròng, còn 600 triệu đồng…
Nhiều doanh nghiệp nhóm dầu khí giảm mạnh lợi nhuận quý 2
Giá dầu, khí giảm không phải nguyên nhân duy nhất của câu chuyện giảm lãi. Như TDG chỉ đạt hơn 700 triệu đồng lợi nhuận trong quý 2, giảm 86%, do chi phí quản lý doanh nghiệp gấp 9 lần cùng kỳ, tăng lên 8.2 tỷ đồng.
PMG là cái tên duy nhất trong nhóm dầu khí thua lỗ trong quý 2, với khoản lỗ ròng 19.5 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 900 triệu đồng). Nguyên nhân một phần vì giá khí giảm, phần khác do một chuyến hàng LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) có chất lượng vượt mức tiêu chuẩn tại Việt Nam, khiến Doanh nghiệp phải làm thủ tục tái xuất, gây thiệt hại từ chi phí logistics và giảm giá hàng tái xuất.
Những cái tên rực sáng
Nhiều doanh nghiệp nhóm xăng dầu và dịch vụ dầu khí tăng lãi
Giá dầu sụt giảm nhưng nhìn chung, tình hình nguồn cung và biến động giá đang dần ổn định, không còn chịu tác động quá lớn từ các bất ổn địa - chính trị. Do vậy, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và dịch vụ dầu khí đã tỏa sáng.
PVS nằm trong số những cái tên ấn tượng nhất trong quý 2 với mức lãi ròng 225 tỷ đồng, gấp gần 33 lần cùng kỳ. Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân do chi phí nhân viên và các khoản dự phòng thấp hơn cùng kỳ, trong khi có thêm khoản thu nhập khác nhờ hoàn nhập dự phòng bảo hành các dự án theo nghĩa vụ hợp đồng lớn hơn.
Một cái tên gây ấn tượng khác là “đại gia xăng dầu miền Tây” PSH, với khoản lợi nhuận 200 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 264 tỷ đồng). Nguyên nhân chính cho mức tăng này đến từ cơ chế ổn định giá xăng dầu trong nước, đồng thời giảm được chi phí bán hàng, qua đó kéo lợi nhuận tăng mạnh. Nhờ quý 2 bùng nổ, Doanh nghiệp cũng thực hiện được gần 75% mục tiêu lợi nhuận của cả năm chỉ sau 6 tháng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận