menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Gia Bách

Đại gia thép bứt phá lãi nghìn tỷ, doanh nghiệp nhỏ hụt hơi

Một số doanh nghiệp lớn trong ngành thép báo lãi lớn nhưng doanh nghiệp nhỏ vẫn đuối sức, thua lỗ.

Ngành thép đứng trước khả năng phục hồi bùng nổ vào năm 2024 nhưng kết quả kinh doanh phân hóa mạnh trong quý III/2023. Một số doanh nghiệp lãi lớn nghìn tỷ nhưng đa số các doanh nghiệp nhỏ đuối sức và thua lỗ.

Ông lớn lãi nghìn tỷ

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 với lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng, tăng 38% so với quý II và vượt trội so với mức lỗ 1.786 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt 3.830 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 48% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, hoạt động bán hàng vẫn gặp khó khi sức cầu của nền kinh tế thấp, tăng trưởng tín dụng không cao, thị trường bất động sản chưa sôi động trở lại, đầu tư công cần thêm thời gian để tiền chảy mạnh vào hạ tầng.

Sản lượng trong 9 tháng của HPG hầu hết giảm so với cùng kỳ. Trong quý III/2023, HPG ghi nhận doanh thu giảm 16% so với cùng kỳ xuống 28.766 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 85.430 tỷ đồng, giảm 27%.

Đại gia thép bứt phá lãi nghìn tỷ, doanh nghiệp nhỏ hụt hơi

Dù doanh thu thấp nhưng mức lãi của Hòa Phát được xem là ấn tượng khi mà các doanh nghiệp ngành thép nói chung gặp khó khăn. Hòa Phát được biết là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần thép xây dựng, ống thép tại Việt Nam, lần lượt là 33,3% và 27,3%.

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng vừa công bố lợi nhuận sau thuế quý IV niên độ 2022-2023 (từ 1/7-30/9/2023) lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 438 tỷ đồng, phục hồi so với mức lỗ 887 tỷ đồng cùng kỳ. Doanh thu của doanh nghiệp trong quý đạt 8.107 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm tài chính 2022-2023 (từ ngày 1/7/2022 đến 30/9/2023), doanh thu hợp nhất của Hoa Sen đạt 31.651 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 28 tỷ đồng.

Trái ngược với các tập đoàn đầu ngành, hầu hết doanh nghiệp thép ghi nhận rất nhiều khó khăn. Bức tranh chung vẫn là thua lỗ, nợ nần nhiều, chi phí tài chính lớn, giá bán ra ở mức thấp.

Tính đến nay, một loạt doanh nghiệp ngành thép báo lỗ, trong đó có ông lớn Gang thép Thái Nguyên (TIS), Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP VNSteel (TVN), Gang thép Cao Bằng (CBI), Thép Nhà Bè - VNSteel (TNB), CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (KVC)…

Tổng Công ty Thép Việt Nam - VNSteel (TVN) báo lỗ 172 tỷ đồng trong quý III/2023 và đây là quý lỗ thứ 2 liên tiếp của doanh nghiệp này. Dù vậy, mức lỗ đã giảm so với khoản lỗ 567 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, khoản lỗ trước thuế lên tới hơn 431 tỷ đồng.

VNSteel hiện có hơn 6.500 tỷ đồng, dưới dạng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

Trong quý III/2023, “ông lớn một thời” CTCP Gang thép Thái Nguyên - Tisco (TIS) lỗ trước thuế 57 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng lỗ 193 tỷ đồng.

Đại gia thép bứt phá lãi nghìn tỷ, doanh nghiệp nhỏ hụt hơi

Giá thép cây xây dựng cũng ở mức thấp.

Ngành thép còn nhiều khó khăn nhưng sẽ bứt phá năm sau

Mặc dù được dự báo sẽ hồi phục bứt phá trong năm 2024 nhưng cho tới thời điểm hiện tại đa số doanh nghiệp ngành thép vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nhóm gặp khó nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chi phí đầu vào còn lớn, chi phí tài chính cao, tỷ giá biến động, trong khi giá bán ra ở mức thấp… là áp lực đối với các doanh nghiệp trong ngành.

Sức cầu tiêu thụ thấp cũng ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh thép và vật tư.

Trong quý III/2023, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) báo lỗ sau thế hơn 178 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp này đã lường được sự khó khăn và đặt mục tiêu "không lỗ" trong 6 tháng cuối năm 2023. Trong nửa đầu năm, doanh nghiệp này đã lỗ khoảng 400 tỷ đồng.

Sự trầm lắng của thị trường bất động sản cùng với những khó khăn chưa từng có của nhóm doanh nghiệp địa ốc đã ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp ngành thép và kinh doanh buôn bán thép.

SMC phải trích lập dự phòng nhiều khoản thu liên quan tới các công ty bất động sản như: Delta - Valley Bình Thuận, Bất động sản Đà Lạt Valley, Bất động sản Đà Lạt Valley, Thành phố AQUA…

Hồi tháng 9, giá thép thế giới hồi phục nhẹ và sức cầu thép trong nước tích cực hơn đã giúp nhiều cổ phiếu ngành thép tăng nhanh. Cổ phiếu HPG của tỷ phú Trần Đình Long và HSG của ông Lê Phước Vũ bứt phá mạnh. Tuy nhiên, sức cầu tiêu thụ vẫn khá thấp so với năm 2022 và hồi đầu năm 2023, doanh thu của các doanh nghiệp vẫn chưa cải thiện. Dù vậy, giá than cốc ở mức thấp đã giúp một số doanh nghiệp đầu ngành ghi nhận lợi nhuận tăng cao.

Một số dự báo cho rằng, thị trường thép xây dựng có thể hồi phục bùng nổ vào năm 2024.

Đại gia thép bứt phá lãi nghìn tỷ, doanh nghiệp nhỏ hụt hơi

Giá than cốc, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép, vẫn ở mức thấp.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thị trường thép sẽ tiếp tục khó khăn trong nửa cuối năm 2023 và có thể phục hồi mạnh vào năm 2024. Trong nửa cuối năm 2023, doanh thu và biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép có cải thiện nhờ các yếu tố như nhu cầu của thị trường nước, giá nguyên vật liệu giảm mạnh và các doanh nghiệp đã hạ thấp số ngày tồn kho bình quân nhằm giảm thiểu rủi ro do biến động giá nguyên vật liệu.

Thị trường bất động sản có tín hiệu tích cực hơn, với tín dụng chảy vào lĩnh vực này tăng mạnh, vấn đề pháp lý của nhiều dự án đang được tháo gỡ… dựa trên những nỗ lực vực dậy một ngành trụ cột trong nền kinh tế của Chính phủ.

Tình hình tiêu thụ thép trong tháng 9 cũng đã có dấu hiệu khởi sắc. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tháng 9 là tháng đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng về bán hàng thép thành phẩm so với cùng kỳ năm ngoái khi tăng gần 5% lên gần 2,2 triệu tấn. Tiêu thụ thép cuộn cán nóng tăng mạnh nhất gần 34%. Xuất khẩu thép thành phẩm cũng tăng mạnh, gấp đôi so với cùng kỳ lên gần 658.000 tấn.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư công cũng dồn dập được đẩy mạnh trong vài tháng qua (đã đạt 49% kế hoạch trong 9 tháng), nhiều khả năng sẽ thúc đẩy cầu đối với các loại vật liệu xây dựng, trong đó có thép. Các dự án như cao tốc Bắc - Nam, sân bay mới được triển khai… sẽ thúc đẩy tiêu thụ thép xây dựng.

Tuy nhiên, trong một báo cáo trước đó, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, tới cuối năm 2023 và trong năm 2024, nhu cầu tiêu thụ thép mới hồi phục đáng kể, qua đó giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành cải thiện. Nhưng mức hồi phục này sẽ không quá lớn và chưa quay lại mức biên lợi nhuận trung bình.

Trên thực tế, nền kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn rập rình rơi vào tình trạng suy thoái. Giá thép nói chung và giá thép cuộn cán nóng (HRC) vẫn ở mức ở mức thấp hơn nhiều so với đỉnh cao ghi nhận trong năm 2022 và hồi đầu năm 2023. Đây là lực cản lớn đối với các doanh nghiệp ngành thép trong nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
5 Yêu thích
8 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại