'Đại gia' ngành vàng bị thanh tra, quy định chuyển tiền từ 1/7
Thanh tra 4 'đại gia' ngành vàng, 2 ngân hàng; Thông tin về chuyển tiền phải xác thực bằng khuôn mặt từ 1/7; 2 tỉnh không có trung tâm đăng kiểm, 36 địa phương nguy cơ ùn tắc; Buộc tháo dỡ công trình vi phạm ở Đồi Cù - Đà Lạt trong 15 ngày; Hủy phong tỏa tài sản các công ty liên quan đến vợ chồng Vũ 'nhôm'... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Người ta làm như vũ bão, chúng ta cái gì cũng xin - cho'
Sáng 23/5, trong phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - cho rằng, những kết quả mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua là một nỗ lực rất lớn, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. |
Tuy vậy, ông cũng thừa nhận “tình hình là rất khó khăn” thể hiện qua số lượng doanh nghiệp giải thể trong 4 tháng đầu năm cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường (hơn 86.000 doanh nghiệp giải thể trong khi chỉ có hơn 81.000 doanh nghiệp thành lập mới).
“Chưa bao giờ có những con số đó. Đi trên đường các cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa rất nhiều. Doanh nghiệp khó khăn đồng nghĩa là lao động và người dân cũng khó khăn và nợ xấu cũng bắt đầu tăng cao”, ông Dũng nói.
Chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn trên, song Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, có 3 nguyên nhân chính là: Niềm tin của thị trường, tâm lý xã hội và tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ công chức. “Đây là ba rào cản, thách thức chính của nền kinh tế chúng ta”, ông Dũng nói.
Để giải quyết 3 rào cản, thách thức trên, ông Dũng cho rằng phải tập trung xây dựng thể chế để giải quyết các ách tắc; cải cách hành chính mạnh mẽ, quyết liệt hơn và có giải pháp để cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Đề cập tới thực tiễn từ Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, nhà máy ô tô Tesla ở Thượng Hải từ khi khởi công đến khi khánh thành, đi vào hoạt động chỉ đúng 11 tháng; một trung tâm thương mại lớn từ khi xây dựng và đi vào hoạt động cũng chỉ mất có 6 tháng.
Thanh tra 4 'đại gia' ngành vàng, 2 ngân hàng
Sáng 23/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng.
Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương. Thời gian thanh tra 45 ngày.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng đọc quyết định thanh tra sáng 23/5 (ảnh: SBV). |
Đối tượng thanh tra bao gồm: Ngân hàng thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng thương mại Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank), Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài gòn (SJC), Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu.
Nội dung thanh tra gồm: Việc chấp hành pháp luật kinh doanh vàng; phòng, chống rửa tiền; chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ, cùng việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2020 đến 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng cho biết, trong quá trình thanh tra, có thể bổ sung thêm đối tượng thanh tra và nội dung thanh tra nếu cần thiết.
Giá vàng trong nước và thế giới giảm mạnh nhất kể từ đầu năm
Giá vàng thế giới đang trên đà trượt dốc, hướng đến tuần tồi tệ nhất từ đầu năm do ảnh hưởng chính sách cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Chốt phiên giao dịch cuối ngày 24/5 (giờ Mỹ), giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.332,77 USD/ounce khi chỉ số USD giảm 0,4%. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,1% xuống 2.334,50 USD/ounce.
Mức tăng trên không đáng kể so với giá kỷ lục 2.449,89 USD/ounce ngày 20/5. Hiện, giá vàng giảm hơn 100 USD/ounce so với lúc đạt mức cao nhất mọi thời đại. Trong tuần qua, giá vàng giảm đến 3%, mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 tháng qua, theo Reuters.
Giá vàng trong nước tiếp tục giảm. Theo đó, giá vàng miếng SJC lùi sâu về mốc 89 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn về mốc 76 triệu đồng/lượng.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 87,5 - 89,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm khoảng 300.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán so với sáng qua.
Vàng nhẫn được niêm yết ở mức 74,8 - 76,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 400.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với sáng qua.
Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC 87,5 - 89,3 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng so với sáng qua. Trong khi đó, giá nhẫn tròn cũng được điều chỉnh giảm tới 400.000 đồng, xuống còn 75,25 - 76,7 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Thông tin mới về việc chuyển tiền từ 1/7
Theo quy định mới, từ ngày 1/7 tới những trường hợp chuyển nhầm sang tài khoản người khác có thể yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản bên nhận.
Nghị định số 52/2024 vừa ban hành quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán cũng như nêu rõ các trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán. Nghị định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Chuyển tiền nhầm có thể yêu cầu phong tỏa tài khoản bên nhận. |
Theo nghị định trên, tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản.
Thứ hai, khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;.
Thứ ba, khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
Thứ tư, khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết, để ngăn chặn tình trạng lừa đảo hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại chỉ mở và sử dụng tài khoản từ xa bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip, nếu không có CCCD gắn chip thì chỉ có thể thực hiện mở thẻ tại quầy.
Buộc tháo dỡ công trình vi phạm ở Đồi Cù - Đà Lạt trong 15 ngày
UBND TP Đà Lạt, Lâm Đồng ra thông báo buộc chủ đầu tư tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm trong quá trình thi công tòa nhà câu lạc bộ golf trên Đồi Cù - Đà Lạt.
Công trình tòa nhà câu lạc bộ golf có nhiều vi phạm. |
Nội dung thông báo nêu rõ, đến nay đã quá hạn 90 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính mà Công ty CP Hoàng Gia ĐL, chủ đầu tư tòa nhà câu lạc bộ golf không xuất trình giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền.
UBND TP Đà Lạt thông báo Công ty CP Hoàng Gia ĐL phải thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm trong thời gian tối đa 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo (theo dấu bưu điện).
Cũng theo UBND TP Đà Lạt, hết thời hạn này mà Công ty CP Hoàng Gia ĐL không thực hiện thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Hủy phong tỏa tài sản các công ty liên quan đến vợ chồng Vũ 'nhôm'
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản liên quan đến việc hủy bỏ việc tạm dừng giao dịch tài sản của các công ty liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (còn được gọi là Vũ "nhôm") và vợ là bà Nguyễn Thị Thu Hiền.
UBND TP. Đà Nẵng cho biết, ngày 7/11/2023 Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an có văn bản về việc hủy bỏ việc tạm dừng giao dịch tài sản của bà Nguyễn Thị Thu Hiền và các công ty liên quan đến Phan Văn Anh Vũ.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo chấm dứt việc phong tỏa, tạm dừng giao dịch tài sản của bà Nguyễn Thị Thu Hiền và các công ty liên quan đến Phan Văn Anh Vũ theo 3 văn bản được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ký trước đó.
Phan Văn Anh Vũ tại một phiên tòa. |
Cụ thể, văn bản ban hành vào các ngày 26/12/2017 về việc tạm dừng giao dịch, chuyển đổi chủ sở hữu; văn bản ngày 2/1/2018 về việc phong tỏa tài sản, tài khoản liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và Công ty xây dựng Bắc Nam 79; văn bản ban hành ngày 27/6/2018 thực hiện đề nghị phong tỏa, không cho mua bán, chuyển nhượng, cho tặng, ủy quyền tài sản.
Quốc Cường Gia Lai muốn bán 2 nhà máy thủy điện để trả tiền vụ Trương Mỹ Lan
Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) đã ban hành nghị quyết thông qua việc chuyển nhượng dự án nhà máy thủy điện Ia Grai 2 và nhà máy thủy điện Ayun Trung nhằm tái cơ cấu đầu tư.
Hai nhà máy nêu trên đều do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thủy điện Quốc Cường - một công ty con của QCG làm chủ đầu tư.Trong đó, nhà máy thủy điện Ia Grai 2 nằm tại các xã la Tô, la Krái, la Grăng, la Khai (huyện la Grai, tỉnh Gia Lai) với công suất lắp máy 7,5 MW (gồm 2 tổ máy, công suất 3,75 MW/tổ máy).
Giá trị chuyển nhượng nhà máy thủy điện Ia Grai 2 khoảng 235 tỷ đồng. Điều kiện đi kèm là bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm sử dụng nguyên trạng lực lượng lao động của nhà máy tại thời điểm chuyển nhượng và đảm bảo quy định quyền lợi của người lao động.
Quốc Cường Gia Lai có tổng nợ ở mức 5.161 tỷ đồng. |
Quốc Cường Gia Lai có tổng nợ ở mức 5.161 tỷ đồng, trong đó có khoản phải trả ngắn hạn lên đến 4.304 tỷ đồng, gồm cả số tiền 2.883 tỷ đồng nhận từ Sunny Island cho ở dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển. Đây là số tiền liên quan trong vụ án Vạn Thịnh Phát vừa được HĐXX đề nghị Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại cho Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả.
Quốc Cường Gia Lai đã kháng cáo phán quyết của TAND TPHCM buộc hoàn trả lại hơn 2.800 tỷ đồng đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan. Quốc Cường Gia Lai cho rằng, công ty chỉ phải trả hơn 1.441 tỷ đồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan, số tiền còn lại xin được cấn trừ vào những khoản tiền trước đó đã đưa cho công ty của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường