Cựu Chủ tịch Vinatex kiến nghị sớm giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
SCIC đưa Vinatex vào danh sách thoái vốn từ 2020 nhưng đến nay chưa có thông tin thực hiện.
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex (UPCoM: VGT) chia sẻ theo Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, mọi vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐQT, người đại diện vốn đều phải báo cáo trước khi biểu quyết dẫn đến mất nhiều thời gian để xin ý kiến cơ quan quản lý vốn Nhà nước. Việc này làm mất đi sự chủ động và cả nắm bắt kịp thời các cơ hội đầu tư, cơ hội kinh doanh trên thị trường đầy biến động và diễn biến nhanh như hiện nay.
Luật số 69 đang được Cơ quan quản lý Nhà nước chỉnh sửa bổ sung. Do vậy, trong thời gian Luật được sửa đổi ban hành, Vinatex mong muốn Ủy ban quản lý vốn Nhà nước và SCIC xem xét, thay đổi phân cấp ủy quyền, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đầu tư. Ông Trường cũng cho rằng việc áp dụng 1 khung quản trị chung cho Vinatex cũng như các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn là không hợp lý.
Những vấn đề liên quan đất đai tại Vinatex sau 7 năm IPO vẫn chưa được giải quyết. |
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, cựu Chủ tịch Vinatex đánh giá nếu so sánh về quy mô hay năng lực với các doanh nghiệp dệt may có vốn FDI như Texhong thì Vinatex rất nhỏ. Vốn góp chủ sở hữu Vinatex trong 8 năm qua giữ nguyên con số 5.000 tỷ đồng. Phần vốn từ tiền chuyển mục đích sử dụng đất 7 năm qua chưa giải quyết xong làm cho doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc.
Do vậy, cựu Chủ tịch Vinatex kiến nghị Ủy ban quản lý vốn và SCIC cần tạo chơ chế linh hoạt, đặc thù cho ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng 1 dự án đầu tư xin trình chủ trương mất nhiều thời gian, đánh mất cơ hội. Đồng thời, ông Giang cũng cho rằng để doanh nghiệp phát triển có sự chủ động linh hoạt thì cần thực hiện giảm vốn Nhà nước càng sớm càng tốt.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh dệt may là ngành quan trọng của nền kinh tế. Do vậy, các cơ quan quản lý vốn đều có sự ủng hộ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Về vấn đề tăng vốn từ tiền chuyển mục đích sử dụng đất, Ủy ban cho rằng đây là vấn đề liên quan đến bàn giao giữ Bộ Công Thương và SCIC, 2 bên sẽ có giải pháp, xử lý kỹ thuật để giải quyết vấn đề sớm nhất.
SCIC nhận chuyển nhượng 53,49% vốn Vinatex từ Bộ Công Thương từ 2018. Tập đoàn vào danh sách bán vốn của SCIC từ 2020 đến nay nhưng chưa có thông tin thực hiện.
Tại thời điểm IPO vào 2014, Vinatex được đánh giá cao ở quỹ đất lớn. Theo BSC, Vinatex sở hữu nhiều quyền sử dụng đất có giá trị cao tại các thành phố lớn. Quỹ đất này được hình thành từ nhà máy, nhà xưởng và văn phòng làm việc cũ. Trước đây, các nhà máy, nhà xưởng và văn phòng của các đơn vị thành viên tập đoàn nằm ở vùng ven, nhưng khi các đô thị mở rộng, đã trở thành các miếng đất nội đô có giá trị. Theo quy hoạch di dời các máy khỏi khu vực nội đô, các miếng đất này có tiềm năng chuyển thành các dự án bất động sản có giá trị cao.
Chính quỹ đất này đã thu hút các doanh nghiệp bất động sản lớn như Vingroup (HoSE: VIC), Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam (VID) trở thành cổ đông chiến lược. Song, chỉ sau 3 năm đầu tư, VID đã thoái vốn trước hạn (quy định cổ đông chiến lược phải sở hữu 5 năm, muốn thoái phải được ĐHĐCĐ thông qua). Vingroup đến giữa 2021 bắt đầu thoái vốn và không còn cổ đông lớn từ ngày 29/4.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận