Công ty chứng khoán đặt mục tiêu kinh doanh thận trọng
Doanh thu và lợi nhuận của các công ty chứng khoán dự báo sẽ không tăng trưởng bứt phá trong năm 2022 đặc biệt khi so với nền cao của năm 2021. Năm 2021 thanh khoản kỷ lục thúc đẩy hoạt động môi giới tuy nhiên thanh khoản có khả năng không tăng trưởng thêm trong năm 2022 sẽ gây áp lực lên doanh thu mảng môi giới.
Sau một năm 2021 thăng hoa với những con số lợi nhuận kỷ lục, các công ty chứng khoán Việt Nam đang xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2022 với một cách thận trọng hơn.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đặc mục tiêu lợi nhuận trước thuế giảm 6% về 504 tỷ đồng. Mặc dù công ty kỳ vọng tổng doanh thu tăng 13% đạt hơn 1.193 tỷ đồng; song chi phí hoạt động dự kiến tăng mạnh hơn, khoảng 33% lên mức 690 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng môi giới tăng 11%, dịch vụ chứng khoán tăng 40% và ngân hàng đầu tư kỳ vọng tăng 59%.
Kế hoạch kinh doanh của Rồng Việt được đề ra dựa trên nhận định VN-Index năm nay sẽ dao động quanh 1.340 đến 1.750 điểm và thanh khoản bình quân khoảng 25.000 đến 30.000 tỷ đồng mỗi phiên. Năm ngoái, VDSC ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh so với 2020. Doanh thu 1.054 tỷ đồng, tăng 126%; lợi nhuận sau thuế 427 tỷ đồng, tăng 184%.
Tương tự, Chứng khoán FPT (FPTS) cũng đề ra kế hoạch kinh doanh đi lùi cho năm 2022. Theo đó, CTCK này trình Đại hội cổ đông thông qua mục tiêu doanh thu đạt 1.090 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 680 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,7% và 6,3% so với thực hiện năm 2021.
Báo cáo của Ban Tổng Giám đốc FPTS dự báo rằng thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay sẽ giảm sức nóng so với năm ngoái. Tuy nhiên, thị trường vẫn sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng tỏ ra thận trọng khi lên kế hoạch kinh doanh cho 2022. Doanh thu dự kiến 3.240 tỷ đồng, giảm 13% và lãi trước thuế tăng nhẹ 2,7% lên 1.900 tỷ đồng. HĐQT đề xuất kế hoạch kinh doanh năm 2022 dựa trên cơ sở VN-Index đạt 1.550 điểm vào cuối năm.
Chứng khoán Thành Công cũng thận trọng trong năm 2022 với mức tăng lợi nhuận dự kiến chỉ vỏn vẹn 2,3% lên 222 tỷ đồng. Năm ngoái, Chứng khoán Thành Công ghi nhận sự tăng trưởng với doanh thu đạt 317 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 217 tỷ đồng, tăng lần lượt 120% và 448% so với năm 2020, đây cũng là kết quả kinh doanh cao nhất kể từ khi thành lập.
Dễ thấy, các công ty chứng khoán kể trên là đều có một năm 2021 kinh doanh bùng nổ với lợi nhuận tăng bằng lần và vượt xa kế hoạch đề ra. Mặc dù đánh giá thị trường chứng khoán năm 2022 vẫn còn nhiều thuận lợi tuy nhiên kết quả kinh doanh khó bứt phá mạnh là điều dễ hiểu khi nền so sánh đã cao hơn rất nhiều.
Trong khi đó, một số công ty mới gia nhập thị trường trở lại sau khi đổi chủ đang chuẩn bị các kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhiều.
VPBank Securities sau khi được VPBank thâu tóm đã đưa ra kế hoạch tăng vốn gấp 30- lần từ gần 269 tỷ đồng lên mức 8.920 tỷ đồng để chen chân vào top 3 công ty có vốn điều lệ lớn nhất. Cùng với đó, VPBank Securities này đặt mục tiêu kinh doanh năm 2022 đầy táo bạo với doanh thu 1.509 tỷ đồng và lợi nhuận 632 tỷ đồng, lần lượt gấp 131 lần và 105 lần so với thực hiện năm 2021.
Chứng khoán Tiên Phong (mã: ORS) cũng không ngần ngại đặt kế hoạch doanh thu 1.981 tỷ đồng và lợi nhuận 500 tỷ đồng, tương ứng tăng 46% và 85% so với thực hiện năm ngoái. Theo như kế hoạch, công ty chứng khoán này dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng lên mức 5.000 tỷ đồng.
Các công ty chứng khoán thận trọng trong các kế hoạch kinh doanh hoàn toàn có cơ sở khi nhiều dự báo cho thấy thị trường chứng khoán năm 2022 khó bùng nổ như năm ngoái mà sẽ phân hóa rõ nét hơn.
Chứng khoán KIS cho rằng, doanh thu và lợi nhuận của công ty chứng khoán dự báo sẽ không tăng trưởng bứt phá trong năm 2022 đặc biệt khi so với nền cao của năm 2021. Năm 2021 thanh khoản kỷ lục thúc đẩy hoạt động môi giới tuy nhiên thanh khoản có khả năng không tăng trưởng thêm trong năm 2022 sẽ gây áp lực lên doanh thu mảng môi giới.
Bên cạnh đó, dư nợ cho vay margin tăng trưởng đều đặn theo quý nhưng tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chững lại trong quý 4/2021. Hoạt động tự doanh vốn dĩ là mảng mang lại lợi nhuận lớn nhất cho các công ty chứng khoán cũng được đánh giá sẽ khó khăn hơn trong năm 2022 do chứng khoán không còn quá "êm đềm" như năm 2021.
Phân tích của KIS cho rằng cũng không quá đáng lo ngại so với các công ty chứng khoán trong nửa đầu năm 2022 và kết quả kinh doanh trong quý 1/2022 vẫn được bảo đảm. Tuy nhiên, với nửa sau của năm 2022, sẽ cần theo dõi diễn biến của thị trường để có thể ước tính hiệu quả kinh doanh.
Đồng quan điểm, SSI Research cũng nhận định, năm 2022 sẽ không còn quá dễ dàng với các công ty chứng khoán. Giá cổ phiếu các công ty chứng khoán cũng khó có cơ hội tăng mạnh như năm ngoái, khi các chỉ tiêu kinh doanh không còn đột biến.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận