Cổ phiếu ngân hàng: Chìa khóa vượt qua suy thoái?
Nếu tham gia cung ứng vốn vào ngành ngân hàng thông qua TTCK, nhà đầu tư không phải đối diện với những nghịch lý, bởi thị trường luôn vận động theo cơ chế rủi ro cao được bù đắp bởi lợi nhuận cao.
Khi đầu tư trên TTCK không ai ngạc nhiên trước những biến động của giá hay thanh khoản. Một tin tức về ai đó không rút được tiền mặt từ ngân hàng khiến nhiều người rúng động, nhưng một cổ phiếu tăng trần trắng bên bán hay giảm sàn trắng bên mua là chuyện bình thường. Rủi ro là điều mà NĐT chứng khoán muốn quản lý như một kỵ sĩ cưỡi trên một con tuấn mã đang phi nước đại, không giống như sự ổn định theo thời gian mà người gửi tiền tiết kiệm kỳ vọng, cho dù cả 2 đều cùng đang cung vốn vào hệ thống ngân hàng.
Tin cũng được, không tin thì thôi?
Niềm tin của hộ gia đình, doanh nghiệp vào sự ổn định của hệ thống tài chính nói chung và ngành ngân hàng nói riêng là vô cùng thiết yếu, là sức mạnh thúc đẩy tăng trưởng và là sức bật khi kinh tế rơi vào suy thoái. Không có sự tồn tại của các định chế tài chính như ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm... thì một nền kinh tế văn minh hội nhập toàn cầu bỗng chốc không khác mấy với một bộ lạc. Nền kinh tế bộ lạc này không tương thích với hệ thống tài chính toàn cầu đó không những chỉ thụ động trong kết nối cung cầu vốn vay, và phải trả giá nhiều thập kỷ vực dậy sau mỗi cuộc suy thoái, mà nó còn yếu ớt dễ vỡ như một cuộc hôn nhân, một tình yêu không có chút niềm tin. Và dĩ nhiên dòng vốn ngoại sẽ chẳng màng cân nhắc tới, và buôn bán xuất nhập hàng hoá đều muôn trùng khó khăn.
Ở những đất nước phát triển như Mỹ, châu Âu, bất chấp nhiều cuộc suy thoái hay khủng hoảng đã từng xảy ra, bất chấp nhiều điểm yếu trong hệ thống tài chính, ngân hàng khi đối phó với khủng hoảng đã được khoa học và thực tiễn vạch rõ, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt, và lưu trữ tài sản dạng vàng vẫn cực kỳ thấp.
Cho nên việc giữ vững sự ổn định của hệ thống ngân hàng, nhất là ổn định thanh khoản, dù có nhiều thách thức trong những giai đoạn suy thoái nhưng lại là chìa khoá cần được xây đắp của cả nhà lập pháp lẫn các thành phần kinh tế.
Ngân hàng ở mọi quốc gia đều hoạt động theo cơ chế dự trữ một phần. Mặt phải của cơ chế này là làm tăng lượng cung tiền lưu thông trong nền kinh tế theo cấp số nhân, trong đó mức độ nhân lên của số lượng tiền lưu thông liên quan trực tiếp đến tỷ lệ dự trữ bắt buộc do NHNN quy định, cũng như tỷ lệ dự trữ dư mà cục bộ từng ngân hàng tùy chiến lược mà dự trữ. Như vậy, việc bên cung vốn vay cho hệ thống ngân hàng nếu đồng loạt rút tiền thì ngân hàng lớn nhất thế giới cũng sẽ gặp vấn đề. Và khi mất đi niềm tin vào hệ thống, không phải chỉ riêng ngành ngân hàng bị ảnh hưởng, mà cuối cùng thì mọi người dân, doanh nghiệp dù ở ngành nghề nào cũng sẽ tự chuốc thêm khó khăn cho mình.
TTCK và ngân hàng tại Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam phát triển bùng nổ những năm gần đây, không những ở số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường, mà quan trọng nguồn vốn và giá trị giao dịch tăng lên vượt bậc. Bên cạnh những phiên đột biến giá trị giao dịch trên 40 ngàn tỷ, thì mỗi ngày thị trường cũng ít nhất loanh quanh 10 ngàn tỷ đồng giá trị cổ phiếu được trao tay.
Cần lưu ý là trên TTCK, ngành ngân hàng có một đóng góp quan trọng đối với không những ở chỉ số VN30 mà cả đối với VN-Index. Cho nên việc các mã cổ phiếu ngành ngân hàng có xu hướng tăng hay giảm ảnh hưởng lớn đến primary trend (xu hướng chính dài hạn) của TTCK Việt Nam. Điều chiếm tỷ trọng rất cao trong quyết định của dòng vốn ngoại trong việc lựa chọn điểm đến là TTCK Việt Nam hay những thị trường đồng hạng khác để rót vốn đầu tư.
Từ đó, ở một góc nhìn tích cực thì mối quan hệ chặt chẽ của TTCK và ngành ngân hàng này mở ra cho người có vốn sự lựa chọn linh hoạt. Hoặc là cung vốn vào ngân hàng (ví dụ gửi tiết kiệm có kỳ hạn hưởng lãi suất cố định), hay là rót vốn vào ngân hàng thông qua việc nắm giữ cổ phiếu của các ngân hàng trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Nếu tham gia cung ứng vốn vào hệ thống qua kênh gửi tiết kiệm trong thời gian gần đây, nghịch lý rủi ro cao nhưng lợi nhuận nhận được thấp đi sau những nỗ lực hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp của NHNN sẽ khiến cho dòng vốn rót vào ngân hàng thêm dè dặt ngay khi mà hệ thống đang rất cần thêm vốn. Nhưng nói cho cùng thì không đơn vị nào tinh thông quản lý vốn hơn ngân hàng. Bên cạnh việc giao vốn cho ngân hàng giải ngân cho vay, việc đánh giá rủi ro thu hồi vốn là chuyên nghiệp hơn so với từng cá nhân từ hộ gia đình, thì ngành ngân hàng còn có thể đảm bảo vốn rót về đúng theo định hướng chính sách, điều được kỳ vọng sẽ dồn nguồn lực vốn đánh tới đâu gỡ nghẽn được đến đó, từng bước đưa nền kinh tế vượt qua suy thoái.
Nếu tham gia cung ứng vốn vào ngành ngân hàng thông qua TTCK, nhà đầu tư không phải đối diện với những nghịch lý, bởi thị trường luôn vận động theo cơ chế rủi ro cao được bù đắp bởi lợi nhuận cao. Khi đầu tư trên TTCK không ai ngạc nhiên trước những biến động của giá hay thanh khoản. Một tin tức về ai đó không rút được tiền mặt từ ngân hàng khiến nhiều người rúng động, nhưng một cổ phiếu tăng trần trắng bên bán hay giảm sàn trắng bên mua là chuyện bình thường. Rủi ro là điều mà NĐT chứng khoán muốn quản lý như một kỵ sĩ cưỡi trên một con tuấn mã đang phi nước đại, không giống như sự ổn định theo thời gian mà người gửi tiền tiết kiệm kỳ vọng, cho dù cả 2 đều cùng đang cung vốn vào hệ thống ngân hàng.
Niềm tin có cơ sở hướng về giải pháp
Nhiều ý kiến thích điểm mặt mãi về những điều khó khăn trong lớp đệm của hệ thống ngân hàng trong suy thoái. Giống như cứ than vãn mãi về một vết thương mà toàn cầu đang đối diện rõ ràng không khiến cho nó tốt hơn. Mà trái lại tư tưởng bi quan trong mọi hoàn cảnh đều có tác hại và có sức lây lan tiêu cực nhất định.
Giải pháp để vừa giữ được lãi suất thấp hỗ trợ vốn rẻ cho doanh nghiệp, vừa công bằng cho người cung vốn vào hệ thống trong những lúc rủi ro cao có thể nằm ở TTCK, nhất là cổ phiếu của ngành tài chính, và các ngân hàng niêm yết trên thị trường.
Xét chung ngành tài chính, nếu so sánh 2 đáy được tạo ra trong 2 đồ thị trong hình dưới đây sẽ thấy rõ hơn mức chiết khấu của ngành đã hợp lý chưa. Đường màu vàng là chỉ số VNFIN nguyên gốc theo mức giá danh nghĩa. Đồ thị màu xanh là chỉ số VNFIN bóc tách lạm phát lõi bằng cách chia cho chỉ số lạm phát lõi của Việt Nam VNCIR. 2 đáy tạo ra bởi chỉ số VNFIN (đồ thị màu vàng) phân kỳ rõ so với VNFIN điều chỉnh theo lạm phát (đồ thị xanh). Điều này cho thấy mức chiết khấu hiện tại sau khi bóc tách lạm phát lõi đã về đến mức tương đương như hồi đại dịch mới bùng phát. Kết hợp với yếu tố thanh khoản những phiên gần đây cải thiện trong những nhịp tăng của thị trường, so với suốt hơn 180 phiên giao dịch đi ngang thanh khoản yếu tìm điểm cân bằng của quý 4 năm 2022 và quý 1, đầu quý 2 năm 2023 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực của dòng tiền ủng hộ xu hướng mới sắp hình thành có thể là hướng tăng.
Và nếu xét riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng, kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng niêm yết trên TTCK Việt Nam vừa qua cũng có nhiều điểm sáng, nhất là những ngân hàng thuộc nhóm VN30 và VN Diamond. Một số ngân hàng đã được cơ quan quản lý cho phép phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Và hàng loạt ngân hàng trong tháng 6 này chốt danh sách chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu phát hành thêm (như HDB, ACB, TPB...).
Giữ vững niềm tin đối với hệ thống tài chính tiền tệ trong nước và chọn một kênh phù hợp rót vốn phù hợp với mức chịu đựng rủi ro và kỳ vọng lợi nhuận của mình. Có như vậy suy thoái mới nhanh chóng qua đi. Bởi cùng một khó khăn, có người vượt qua được, người khác thì không. Lý do rất nhiều liên quan tới thái độ mà người đó lựa chọn khi đối diện với khó khăn đó. Suy thoái sinh tế hay dịch bệnh toàn cầu không phải là lần đầu xuất hiện đối với nhân loại. Vì thế, đại dịch nó sẽ tự trôi vào quên lãng khi kinh tế phát triển trở lại như cái cách mà nước Mỹ và khu vực châu Âu đã vượt qua được những cuộc khủng hoảng năm 1930 và 2008...
Đinh Hạ Vân
FILI
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường