Cổ phiếu “kinh doanh tiền” liệu có “đẻ ra tiền”?
Với đặc thù là ngành “kinh doanh tiền”, ngân hàng được kỳ vọng sẽ có triển vọng “sáng màu” hơn trong năm 2024 khi nhu cầu tín dụng được cải thiện tương ứng theo đà hồi phục của kinh tế vĩ mô.
Trong “nguy” có “cơ”
Sau 2 năm chống chịu với đại dịch, nền kinh tế thế giới lẫn trong nước lộ rõ sự “kiệt sức” trong năm 2023. Tổng cầu thế giới suy yếu cộng thêm sự đổ vỡ ngành ngân hàng ở Mỹ (Silicon Valley Bank, Signature Bank,.. phá sản) đã khiến chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đi đến hồi kết.
Việc giảm cường độ tăng lãi suất của Fed khiến vị thế đồng USD suy yếu trên thị trường quốc tế, làm giảm sức ép lên tỷ giá USD/VND. Từ đó tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất điều hành từ ngày 14/03/2023 nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Đây cũng là lần đầu tiên nhà điều hành giảm lãi suất sau hơn 2 năm từ cuối quý 3/2020.
Nguồn: Agriseco
Việc NHNN giảm lãi suất điều hành phát đi thông điệp quan trọng giúp ổn định tâm lý thị trường, từ đó có thể tác động tích cực đến tâm lý của nhà đầu tư trong ngắn hạn. Nếu nhìn lại các lần NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trước đó, thị trường thường đón nhận những đợt tăng trong ngắn hạn.
Việc giảm lãi suất điều hành cũng giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn nên các NHTM có nhiều dư địa và chủ động hơn trong việc giảm lãi suất cho vay và lãi huy động, phần nào giúp giảm bớt gánh nặng cho người đi vay cũng như giảm áp lực trích lập dự phòng cho các ngân hàng.
Nhìn chung, chính sách nới lỏng tiền tệ của nhà điều hành được xem là yếu tố tích cực hậu thuẫn cho thị trường chung và các nhóm ngành cổ phiếu tăng điểm so với mức nền thấp của năm 2022.
Sau 4 lần giảm lãi suất điều hành, thị trường chứng khoán trở nên sôi động hơn khi ghi nhận xu hướng tăng điểm với sự gia tăng trở lại về mặt thanh khoản, “chắp cánh” cho cổ phiếu ngân hàng bừng sáng bất chấp bức tranh kinh doanh “tối màu” trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ở mức thấp và áp lực nợ xấu gia tăng.
“Trái ngọt” từ cổ phiếu vua
Diễn biến chỉ số VN-Index trong 5 năm qua
Nguồn: VietstockFinance
Phiên cuối cùng của năm 2023, VN-Index leo lên mức 1,129.93 điểm, tăng hơn 12% so với năm 2022, tương đương tăng gần 123 điểm. Chỉ số ngành ngân hàng cũng hòa mình tăng 19% so với năm 2022, lên mức 605 điểm.
Nguồn: VietstockFinance
Do đó có thể nói, năm 2023 là năm mang “trái ngọt” cho nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam và nắm giữ cổ phiếu ngân hàng.
Diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng trong 4 năm qua
Nguồn: VietstockFinance
Trải qua chặng đường 1 năm, đa phần thị giá cổ phiếu ngân hàng đều tăng trong biên độ 4-127%, chỉ có 7 cổ phiếu ngân hàng giảm giá là NVB (-46%), VAB (-16%), SSB (-13%), EIB (-7%), KLB (-6%), BAB (-4%) và SGB (-2%)…
Nguồn: VietstockFinance
Bên cạnh thị giá, khối lượng cổ phiếu ngân hàng cũng gia tăng trong năm qua khi các nhà băng tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức hay chào bán cho cổ đông hiện hữu giúp vốn hóa toàn ngành ngân hàng tăng 38% so với năm trước, lên 1.79 triệu tỷ đồng, tương đương tăng gần 495,000 tỷ đồng so với mức 1.3 triệu tỷ đồng hồi cuối năm 2022.
Nguồn: VietstockFinance
Đáng chú ý, NAB là cổ phiếu có vốn hóa tăng mạnh trong năm qua với mức tăng 184% - từ 5,709 tỷ đồng lên 16,188 tỷ đồng. Cổ phiếu NAB thể hiện đà tăng nổi trội có thể đến từ câu chuyện chuyển sàn từ UPCoM lên niêm yết trên sàn HOSE.
Cụ thể, ngày 21/12/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) có quyết định chấp thuận niêm yết hơn 1 tỷ cp NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á.
Dòng tiền “ưu ái”
Thanh khoản cổ phiếu ngân hàng trong năm qua gia tăng gần 24 triệu cp/ngày, lên gần 160 triệu cp được chuyển giao mỗi ngày, tăng 17% so với năm 2022. Tuy nhiên giá trị giao dịch giảm nhẹ 6% so với năm trước, còn 3,274 tỷ đồng/ngày.
Nguồn: VietstockFinance
SHB đứng đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch bình quân gần 24 triệu cp, tăng 49% so với năm 2022, tương đương giá trị gần hơn 276 tỷ đồng/ngày, tăng 15% so với năm ngoái.
Đóng góp cho thanh khoản cổ phiếu vua dồi dào trong năm qua phải kể đến sự bùng nổ của nhóm nhà băng nhỏ như PGB (gấp 11.9 lần), SGB (gấp 3.8 lần), NAB (gấp 3.1 lần), VBB (gấp gần 3 lần), EIB (gấp 2.3 lần), MSB (gấp hơn 2 lần).
Đáng buồn là vẫn có một số ngân hàng thu hẹp thanh khoản trong năm như BAB (giảm 89%), BVB (giảm 61%), KLB (giảm 51%), BID (giảm 41%)…
Nguồn: VietstockFinance
Khối ngoại bán ròng gần 13 ngàn tỷ đồng
Với diễn biến tích cực của cổ phiếu năm qua, khối ngoại đã tranh thủ chốt lời khi bán ròng hơn 557 triệu cp ngành ngân hàng sau khi mua ròng gần 305 triệu cp hồi năm 2022. Giá trị bán ròng đạt 12,927 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance
SGB là nhà băng được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với khối lượng gần 46 triệu cp, giá trị tương đương 1,133 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu EIB trong năm qua, giá trị bán ròng đạt 5,427 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng vẫn còn “rẻ”?
Chiếm khoảng 30% vốn hoá toàn thị trường, cổ phiếu ngân hàng được ví như “vua” tạo hiệu ứng lan tỏa kéo VN-Index tăng trưởng dài hơi. Ngoài ra, so với nhiều ngành khác, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn ở vùng giá khá hấp dẫn để đầu tư do chưa tăng trưởng nhiều trong năm vừa qua.
Tại báo cáo đánh giá triển vọng ngành ngân hàng năm 2024 phát hành ngày 06/12/2023, CTCK KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng các lĩnh vực của nền kinh tế sẽ ấm dần lên, những khó khăn trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục được tháo gỡ. Mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 được kỳ vọng đạt 13-14%.
Theo KBSV, giá cổ phiếu ngân hàng đã và đang phản ánh những yếu tố tiêu cực. Hiện tại P/B ngành ngân hàng đang ở mức 1.4x – gần mức đáy 2020 và 2022. KBSV nhận định đây là mức định giá hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy một vài cổ phiếu ngân hàng có nền tảng cơ bản tốt.
Định giá P/E của VN-Index và một số thị trường
Nguồn: BVSC
Đồng quan điểm trên, CTCK Bao Viet (BVSC) cũng cho rằng định giá thị trường vẫn ở mức hấp dẫn khi so với các thị trường trong khu vực và quá khứ, nhưng ngân hàng là nhóm ít còn có định giá thấp, trong khi nhóm phi tài chính đã ở mức khá cao.
Nguồn: BVSC
Báo cáo triển vọng năm 2024 của CTCK Vietcombank (VCBS) phát hành giữa tháng 12/2023 nêu: “Mặt bằng lãi suất tiếp tục ở mức thấp và vẫn có thể giảm thêm (dư địa giảm thêm là không nhiều) sẽ là yếu tố hỗ trợ về đầu vào đối với ngành ngân hàng cũng như về mức định giá đối với cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Do đó, chúng tôi vẫn đánh giá cổ phiếu ngân hàng sẽ có nhiều triển vọng trong năm 2024 bởi các cổ phiếu này vẫn là nhóm ngành chiếm trọng lớn nhất về thanh khoản cũng như vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp và thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào như hiện tại là yếu tố hỗ trợ tích cực về chi phí vốn cho hoạt động tín dụng của ngân hàng, phần còn lại là vấn đề tìm kiếm đầu ra.”
VCBS cũng cho hay, những ngân hàng duy trì được chất lượng dư nợ tín dụng tốt, bất chấp bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn chung, sẽ là những lựa chọn đầu tư có rủi ro thấp với mức lợi nhuận chấp nhận được trong năm 2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận