Có nên rót tiền vào cổ phiếu ngân hàng giữa dịch Covid-19?
So với những ngành khác, ngân hàng có thể chưa bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều bởi đại dịch COVID-19 nhưng dự đoán vẫn chịu tác động trong tương lai.
Theo thống kê, nửa đầu tháng 8/2002, có 14/19 cổ phiếu ngân hàng tăng giá, với khối lượng giao dịch đạt hơn 260,8 triệu cổ phiếu. Giá trị vốn hóa của 19 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đạt hơn 917.177 tỷ đồng, tăng 13.931 tỷ đồng so với mức đóng cửa tuần trước, tương ứng tăng 1,5%.
Trong tuần giao dịch giữa tháng 8, ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu là cổ phiếu tăng mạnh nhất ngành ngân hàng với 6,8%, tiếp theo đó là BVB của VietCapital Bank với mức tăng 5,9%; HDB của HDBank và MBB của MB cũng tăng 5,2%; LPB của LienVietPostBank tăng gần 5%...
Không chỉ ghi nhận mức tăng của cổ phiếu, thanh khoản của nhóm cổphiếu ngân hàng cũng tăng mạnh, trong đó chứng kiến nhiều mã có khối lượng giao dịch “khủng”. Có thể kể đến như EIB của Eximbank với 8,4 triệu cổ phiếu được mua bán, gấp 3,4 lần tuần trước.
Nhìn vào những diễn biến này có thể thấy, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang dần lấy lại sức nóng sau thời gian bị khối ngoại bán ròng cách đây 3 tháng trước những quan ngại về tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với ngành ngân hàng.
Thực tế, sự bùng phát của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế kéo theo sự sụt giảm về nhu cầu tín dụng, kéo biên lợi nhuận của ngành ngân hàng đi xuống. Tuy nhiên, để đảm bảo được kết quả ổn định như vừa qua đòi hỏi sự chủ động của ngành ngân hàng như trích lập dự phòng, kiểm soát chi phí, đẩy mạnh số hóa...
Hơn nữa, hệ số P/B (thị giá cổ phiếu so với giá trị sổ sách) của các cổ phiếu ngành ngân hàng đang có xu hướng giảm về quanh mức 1 lần (ngoại trừ VCB của Vietcombank đang ở mức 3,2 lần và BID của BIDV đang ở mức 1,9 lần) đang mang lại cơ hội đầu tư mới tại nhóm cổ phiếu “vua” này.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục là lực đỡ cho thị trường chứng khoán. Ngoài ra, việc các ngân hàng sẽ thực hiện nới room ngoại theo cam kết tại Hiệp định EVFTA sẽ là một chất xúc tác cổ phiếu trên sàn “thăng hoa”.
Tuy nhiên, một bộ phận lớn các nhà đầu tư vẫn giữ quan điểm khá thận trọng về nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, về những khoản nợ xấu được “giấu” dưới “lớp vỏ” cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Theo một khảo sát mới đây của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng cũng thừa nhận, hoạt động kinh doanh của ngành đang bước vào giai đoạn khó khăn bởi thanh khoản của nhiều khách hàng rơi vào tình trạng báo động, nợ xấu của các ngân hàng có thể gia tăng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận