Cơ hội nào cho cổ phiếu ngành tiêu dùng bán lẻ?
Thời điểm mua sắm cuối năm, tác động của các chính sách cùng chiến lược kích cầu được kỳ vọng tạo sóng cho nhóm ngành tiêu dùng.
Trong báo cáo phân tích mới đây của VinaCapital, nhóm chuyên gia nói từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10, chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức giảm 16% và bị bán tháo do sự kết hợp các yếu tố trong và ngoài nước. Cổ phiếu ngành tiêu dùng bán lẻ không nằm ngoài quy luật chung của thị trường. Nửa đầu năm 2023 được đánh giá là vùng trũng của nhóm này khi chỉ số tiêu dùng sụt giảm, xu hướng kém tích cực.
Tuy nhiên, tất cả yếu tố tiêu cực nhất lúc này đã hoặc đang giảm bớt và triển vọng hồi phục của chứng khoán Việt Nam trong những tháng tới được hỗ trợ bởi tăng trưởng lợi nhuận và nền kinh tế phục hồi, kết hợp với định giá rẻ của thị trường.
Nhận định riêng ngành bán lẻ, chứng khoán VNDirect đánh giá, thời điểm ảm đạm đã qua trong nửa đầu năm nay, đang hướng tới giai đoạn phục hồi với nhiều dấu hiệu tích cực. Sau khi chạm đáy từ giai đoạn tiêu thụ yếu, VNDirect cho rằng các công ty phân phối và bán lẻ điện tử tiêu dùng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh nhất kể từ quý IV trở đi nhờ triển vọng phục hồi vẫn tương đối lạc quan. Lạm phát ổn định và mặt bằng lãi suất thấp đủ lâu có thể sẽ kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng vào mùa cao điểm cuối năm.
Cơ sở để VNDirect đưa ra nhận định trên là những chuyển biến tích cực tại Mỹ khi CPI dần hạ nhiệt, gánh nặng tiêu dùng sẽ được giải tỏa không chỉ tại thị trường này mà tác động lan tỏa toàn cầu. Các đơn hàng mới từ thị trường xuất khẩu chính được kỳ vọng sẽ tăng tốc từ nửa cuối năm sẽ giúp giảm bớt lo ngại về lạm phát, thất nghiệp và kinh tế suy thoái, từng bước ổn định thu nhập và đưa Việt Nam bước vào chu kỳ tiêu dùng mới.
Trong một báo cáo mới đây, chứng khoán DSC cho rằng, những yếu tố xấu nhất của ngành bán lẻ đã qua đi, dự báo thời điểm cuối quý III sẽ là điểm rơi thích hợp cho các doanh nghiệp bán lẻ bứt phá sau khi có đủ thời gian thẩm thấu các chính sách. Bên cạnh đó, giai đoạn nhiều người mạnh tay chi tiêu hơn vào cuối năm được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động mua sắm, bán lẻ ấm dần trở lại.
Với FRT, bất chấp diễn biến thị trường trồi sụt, mã này vẫn tăng với mức ổn định gần 67%. Thậm chí phiên 15/11, cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) tiếp tục duy trì sắc xanh, tăng 0,7% lên mức giá 104.900 đồng/cp. Đây cũng là mức giá cao nhất của mã này kể từ khi niêm yết trên sàn HoSE năm 2018. Từ đầu tháng 10 đến nay, FRT liên tục vượt đỉnh. So với nhiều cổ phiếu khác trong lĩnh vực bán lẻ FRT được đánh giá có bứt phá nổi bật.
Còn với MSN, từ đầu tháng 8 đến nay, cổ phiếu MSN đã giảm hơn 30%, lùi về mức 57.000 đồng, vùng giá thấp nhất kể từ cuối năm 2020. Đến đầu tháng 11 giảm về đáy 3 năm ở mức giá 56.000 đồng /cp sau đó tăng dần và hồi phục quanh ngưỡng 66.000 đồng/cp, tăng 20% so với đáy tạo vào phiên 30/10.
Trong một báo cáo công bố hồi tháng 7, JP Morgan cho rằng thị trường tiêu dùng khó khăn nửa đầu năm là cơ hội mua tốt cho tăng trưởng hấp dẫn trong nhiều năm tới của cổ phiếu Masan (MSN). JP Morgan đưa giá mục tiêu tháng 12/2024 cho cổ phiếu MSN là 102.000 đồng, mức tăng tiềm năng khoảng 38% so với mức giá 73.800 đồng của ngày 11/10. P/E mục tiêu cho năm 2024 là 34 lần và EV/EBITDA là 12 lần.
Điều này có được do doanh nghiệp nhận được một số tín hiệu khả quan như Bain Capital - quỹ đầu tư tư nhân của Mỹ quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD - đồng ý đầu tư ít nhất 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào doanh nghiệp này. Với số tiền từ thương vụ giao dịch cùng Bain Capital và các nhà đầu tư tiềm năng khác, Masan sẽ đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ một công ty sản xuất hàng tiêu dùng có thương hiệu trở thành một tập đoàn sở hữu nền tảng tiêu dùng bán lẻ, hướng đến tăng trưởng xuyên suốt chuỗi giá trị tiêu dùng.
Trong vòng 12 tháng qua, Masan cũng thu hút thành công khoản vốn 1,25 tỷ USD thông qua gói tín dụng hợp vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế bao gồm ngân hàng BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC, Standard Chartered và United Overseas với thời hạn 5 năm, giúp Masan gia tăng nguồn vốn dài hạn và củng cố thanh khoản.
Trong báo cáo quý III, mảng kinh doanh tiêu dùng bao gồm WinCommerce (WCM), Masan Consumer Holdings (MCH), Masan MEATLife (MML) và Phúc Long Heritage (PLH) ghi nhận lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT) tăng trưởng 45,5% trong 9 tháng đầu năm 2023 và 47,3% trong quý III/2023 so với cùng kỳ. Theo báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán, với mức giá hiện tại, cổ phiếu MSN của Masan có thể tăng cao hơn. Thậm chí, theo đánh giá của Chứng khoán KB Việt Nam, giá cổ phiếu MSN có thể hồi phục lên mức 97.100 đồng.
Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.105 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ.
Tại diễn đàn "Theo dấu dòng tiền", chiều 9/11, các chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ khả quan hơn vì "những điều tồi tệ nhất đã xuất hiện trong năm nay". Theo đó, các tổ chức theo dõi vĩ mô đều đưa ra kịch bản GDP tăng trưởng 6-6,5%. HSBC đánh giá Việt Nam đang phục hồi ổn định từ suy thoái thương mại toàn cầu và xuất khẩu có khả năng tiếp tục tăng tốc khi đơn hàng cải thiện. Yếu tố tích cực tiếp theo là giải ngân vốn đầu tư công với cao điểm cuối năm nay đến đầu năm 2024.
Nhờ những điểm sáng cuối năm, các chuyên gia VNDirect còn cho rằng đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư trung và dài hạn bắt đầu tích lũy cổ phiếu cho năm sau. Mặc dù rủi ro ngắn hạn của thị trường còn hiện hữu, mức chiết khấu định giá hiện tại đang tương đương đáy trung hạn thời điểm tháng 11/2022 và đáy Covid.
Trong đó, cổ phiếu bán lẻ đã góp mặt trong các nhóm ngành tiềm năng tại những báo cáo mới cập nhật của loạt công ty chứng khoán. Hiện tại được đánh giá là khoảng thời gian lý tưởng để giải ngân với những cổ phiếu định giá thấp cũng như các mã thuộc nhóm bán lẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận