Cắt lỗ có phải cách xử lý duy nhất khi "kẹp hàng" không?
Tình trạng "kẹp hàng" là phổ biến trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là những giai đoạn thị trường downtrend, giảm điểm mạnh, cổ phiếu rớt giá thảm hại khiến nhà đầu tư hoảng loạn, hoang mang. Cắt lỗ là cách làm đã quá quen thuộc với nhà đầu tư, vậy ngoài cách này ra, nhà đầu tư còn có thể làm gì khi "kẹp hàng" không?
"Đau một lần rồi thôi", tiến hành cắt lỗ - một phương pháp phổ biến để giảm thiểu thiệt hại
Việc chấp nhận cắt lỗ khi đang "kẹp" là điều không hề dễ dàng bởi những quan điểm "chưa bán là chưa lỗ" hoặc "cổ phiếu rồi sẽ mau chóng hồi phục". Tuy nhiên, chính những quan điểm này đã đưa bạn đến những sai lầm nghiêm trọng. Không phải việc bán ra sẽ làm bạn thua lỗ vì sự thật là bạn đã lỗ rồi. Cổ phiếu rơi vào downtrend hay phân phối đỉnh phải mất rất nhiều thời gian mới có thể phục hồi, vậy nên khi bạn nghĩ "cổ phiếu rồi sẽ mau chóng hồi phục" cũng chính là đang ôm một quả bom nổ chậm mà bỏ qua rất nhiều cổ phiếu khác đem lại cơ hội tăng trưởng lợi nhuận bù đắp khoản thua lỗ cho bạn.
Với thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân chiếm đa số. Do đó, họ có lợi thế "thoát hàng" hơn các tổ chức, việc chấp nhận cắt lỗ càng nhanh sẽ giúp họ bảo toàn được nguồn vốn. Nguyên tắc cắt lỗ vẫn thường được áp dụng là lỗ 5%, bán ½; lỗ 10% bán hết.
Bên cạnh cách cắt lỗ, còn có những cách sau:
Cách 1: "Chị ngã em nâng"
Bán một phần/toàn bộ cổ phiếu đang lãi để bù lỗ cho những cổ phiếu đang bị “kẹp”.
Thực hiện theo cách này sẽ khiến cảm giác “đau thương” khi cắt lỗ giảm đi nhiều hơn, nhưng ngược lại cũng khiến những cổ phiếu khỏe bớt đi một phần sức mạnh. Tuy nhiên, rủi ro chỉ số tiếp tục giảm điểm vẫn còn hiện hữu, cổ phiếu dù tốt thế nào cũng khó tránh khỏi xu hướng chung của thị trường nên việc nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận là một cách để tài khoản dư sức mua và chúng ta có thể mua lại những cổ phiếu khỏe khi chúng đã giảm tới vùng giá hấp dẫn.
Cách 2: Đảo hàng từ cổ phiếu A sang cổ phiếu B
Ưu điểm của phương pháp này là nhà đầu tư có thể chọn được cổ phiếu tốt hơn, nhưng nhược điểm đó là chỉ áp dụng được với "cổ phiếu ngược dòng" vì rủi ro thị trường vẫn còn nên nếu mua sai cổ phiếu cũng sẽ không tránh khỏi tình trạng giá giảm, những "cổ phiếu ngược dòng" khi thị trường downtrend sẽ là những cổ phiếu tăng mạnh nhất, khi đó nhà đầu tư có thể lấy lại những phần đã mất.
Cách 3: Trung bình giá cổ phiếu xuống
Phương pháp này đã quá nổi tiếng, vì không chỉ khi thị trường downtrend chúng ta mới mua bình quân giá mà ngay cả khi thị trường trong trạng thái uptrend chúng ta vẫn có thể thực hiện. Với những nhà đầu tư còn dư nhiều tiền mặt, có thể thực hiện cách bình quân giá cổ phiếu để giảm thiểu rủi ro.
Warren Buffett từng nói: "Nguy cơ lớn nhất là nhà đầu tư nhút nhát hoặc mới bắt đầu sẽ nhảy vào thị trường vào thời điểm thị trường cực kỳ hưng phấn và sau đó vỡ mộng khi xảy ra thua lỗ trên giấy tờ". Mua rẻ bán đắt có lẽ là châm ngôn nổi tiếng nhất của thị trường chứng khoán nhưng rất hiếm người làm được việc này. Vậy nên, bình quân giá theo thời gian loại trừ khả năng mua đắt bán rẻ.
Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này đó là giá cổ phiếu có thể giảm sâu hơn. Lúc này chẳng khác nào bạn đang cố bắt lấy một con dao đang rơi xuống, kết quả là bạn sẽ bị đứt tay. Vì vậy, chỉ nên bình quân giá khi những rủi ro từ thị trường đã giảm và những cổ phiếu bình quân là những cổ phiếu tốt.
Cách 4 Trading T+ trên nền hàng sẵn có
Cách này cũng tương tự như cách 3, vẫn là bình quân giá nhưng nâng cao hơn đó là lấy hàng gốc làm kho hàng để trading, tức là mua xong lấy hàng sẵn có bán luôn. Cách này có ưu điểm đó là giá vốn cổ phiếu sẽ giảm nhưng sức mua tài khoản không bị quá căng, tỷ lệ tài khoản được giữ nguyên ở mức an toàn.
Cách 5: Gồng lỗ
Nhiều nhà đầu tư thường có suy nghĩ cổ phiếu sẽ không thể giảm sâu hơn được nữa nên quyết định sẽ "cố thủ" với cổ phiếu đó đến khi nào giá trị cổ phiếu quay về giá vốn lúc mua. Tuy nhiên, như đã nói ở cách 1, những suy nghĩ như vậy sẽ đẩy bạn đến bờ vực thẳm, thậm chí là rơi xuống vực sâu vì thời gian để cổ phiếu quay về giá cũ sẽ thường từ vài tháng, hoặc có khi tới cả năm.
Với cách này, nhà đầu tư chỉ nên làm khi sử dụng vốn cá nhân 100%, tài khoản không margin và những cổ phiếu nắm giữ phải là những cổ phiếu cơ bản tốt: vốn hóa doanh nghiệp lớn, kết quả kinh doanh ổn định, tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, giá vốn ban đầu ở mức thấp... Còn những cổ phiếu yếu: vốn hóa thấp, thanh khoản thấp,... nhà đầu tư tốt nhất nên dọn chúng ra khỏi danh mục!
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận