Cạnh tranh CASA ngày càng khốc liệt
Cùng với xu hướng tăng chung của lãi suất huy động, các TCTD sẽ khó có được giá vốn rẻ như trước kia mà ngay cả lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cũng tăng. Lợi thế từ tỷ lệ CASA cao giảm dần nhưng cuộc đua này không giảm nhiệt mà sẽ còn khốc liệt hơn trong
Những năm gần đây tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng vốn huy động (CASA) của các TCTD tăng nhanh, góp phần giảm chi phí vốn đầu vào của ngân hàng, giúp họ có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng. Cũng vì CASA mang lại nhiều lợi ích nên thu hút tiền gửi không kỳ hạn đã, đang trở thành cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các NHTM. Tỷ lệ CASA cao được coi như một thành tích đáng nể của ngân hàng.
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo tài chính quý III/2022, nhiều NHTM vẫn duy trì được tỷ lệ này cao như: Techcombank có tỷ lệ CASA duy trì ở mức 46,5%, cao nhất toàn ngành, dù có giảm nhẹ so với mức 47,5% cuối quý II/2022; MSB có tỷ lệ CASA đạt 38,25%, tiếp tục trong nhóm dẫn đầu thị trường; con số này của MB là 37,1%. Một số NHTM khác cũng có tỷ lệ CASA cao như Vietcombank, ACB, Sacombank, VPBank, VietinBank, BIDV…
Tiền gửi không kỳ hạn tại các NHTM chủ yếu là từ tiền gửi thanh toán của khách hàng. Xu hướng phát triển của công nghệ, thói quen người tiêu dùng, cộng với tác động từ dịch Covid-19 nên nhu cầu mua sắm, thanh toán hóa đơn các dịch vụ online tăng nhanh cũng đã khiến tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng tăng mạnh. Bên cạnh đó, trước đây do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng thấp nên nhiều khách hàng cũng không quan tâm nhiều đến việc chuyển tiền tạm chưa dùng đến về tiết kiệm có kỳ hạn. Song, cũng phải thừa nhận một điều, chính những dịch vụ ngân hàng số ngày càng đa dạng, tiện ích là yếu tố thu hút khách hàng duy trì lượng tiền không nhỏ trên tài khoản thanh toán để sử dụng các dịch vụ này. Theo thống kê của NHNN, tại thời điểm tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021…
Khi để tiền trên tài khoản thanh toán, tùy số dư, khách hàng sẽ được ngân hàng định kỳ trả lãi hàng tháng. Lãi tiền gửi không kỳ hạn cũng được áp dụng cho các khoản tiền rút trước hạn một phần. Trước tháng 9/2022, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của đa số NHTM là 0,02 - 0,2%, tùy từng ngân hàng. Theo Quyết định số 1812/QĐ -NHNN ngày 24/10/2022 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư 07/2014/TT-NHNN: lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Từ ngày 5/11, Techcombank tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên mức 1%/năm – chạm trần theo quy định của NHNN. Đáng chú ý, trước đó dù là ngân hàng có tỷ lệ CASA rất cao trong những năm gần đây, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở Techcombank chỉ 0,03%/năm. Việc tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của Techcombank không phải là cá biệt. Lãnh đạo một NHTM cho biết, lãi suất huy động gần đây tăng nhanh đã khiến không ít khách hàng liên tục rút ra, gửi lại để hưởng lãi suất cao hơn. Khi khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi, sẽ chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn. Việc ngân hàng tăng lãi suất không kỳ hạn cũng là cách giữ chân khách hàng. Hơn nữa, hiện tại trần lãi suất không kỳ hạn ở mức 1%/năm, sẽ tạo ra nhiều “không gian” khiến chênh lệch lãi suất không kỳ hạn giữa các ngân hàng khá nhiều. Do đó không ít khách hàng sẽ xem xét đến việc để tiền trên tài khoản thanh toán của ngân hàng nào có lợi hơn, từ đó sẽ tác động đến tệp khách hàng của ngân hàng trong nhiều sản phẩm, dịch vụ khác chứ không chỉ mảng tiết kiệm hay thanh toán. Như vậy, cùng với xu hướng tăng chung của lãi suất huy động, các TCTD sẽ khó có được giá vốn rẻ như trước kia mà ngay cả lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cũng tăng. Lợi thế từ tỷ lệ CASA cao giảm dần nhưng cuộc đua này không giảm nhiệt mà sẽ còn khốc liệt hơn trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận