24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bích Lê
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

5 đề xuất cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

"Chất lượng của thị trường sẽ được nâng lên một bước đối với cả các tổ chức phát hành, các doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ"

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng đang phục hồi, trong bối cảnh các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động kiểm soát, phát triển thị trường không ngừng được bổ sung, hoàn thiện theo hướng ngày càng an toàn, lành mạnh và minh bạch.

Từ đầu năm 2022, sau vụ việc Tân Hoàng Minh và hàng loạt sai phạm từ những tập đoàn khác bị phanh phui, các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành nhiều giải pháp mạnh mẽ để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Các tổ chức phát hành, nhà đầu tư bắt đầu tỏ ra thận trọng hơn với hình thức huy động vốn này.

Trái phiếu, vốn dĩ là một kênh huy động vốn tốt, khi đó bỗng nhiên trở thành một từ khóa nhạy cảm trong các báo cáo tài chính doanh nghiệp và trong các bản tin kinh tế. Phải cho đến cuối năm 2023, khi các quyết sách kịp thời và linh hoạt của Chính phủ đã thấm hiệu lực, thị trường TPDN dần phục hồi.

TRẦM LẮNG

Hoạt động phát hành TPDN mới đã bắt đầu rơi vào tình trạng trầm lắng kể từ tháng 4/2022 và kéo dài sang tận đầu năm 2023. Một hình ảnh điển hình để so sánh, trong 2 tháng đầu năm 2023, cả thị trường chỉ có 2 đợt phát hành thành công trị giá 611 tỷ đồng, tương đương chưa tới 1% so với cùng kỳ 2022.

Tới ngày 5/3/2023, Chính phủ ra Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại Nghị định 65, trong đó có quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Đó là thời điểm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu ấm dần lên.

Trong tháng 3/2023, một số doanh nghiệp bất động sản bắt đầu phát hành thành công trái phiếu. Ví dụ như, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An phát hành mã NANCB2324001 trị giá 4.700 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Hưng Yên phát hành 2 mã HIDCH2324001 và HIDCH2324002 với tổng giá trị 7.200 tỷ đồng.

Dù vậy, sang tháng 4/2023, chỉ có duy nhất 1 lô trái phiếu được phát hành trị giá 671 tỷ đồng của CTCP North Star Holdings. Tới tháng 5, tình hình khả quan hơn đôi chút, tuy nhiên cũng chỉ có 4 doanh nghiệp phát hành 7 lô trái phiếu, trị giá 3.360 tỷ đồng.

Đến giữa tháng 6/2023, cả thị trường có chưa tới 30 đợt phát hành thành công. Phải tới cuối tháng 6, với sự tham gia trở lại của các ngân hàng thương mại, thị trường TPDN mới có vẻ phục hồi rõ nét hơn.

Theo thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VMBA), trong tháng 12/2023 có 55 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với tổng giá trị 42.806 tỷ đồng. Các đợt phát hành có lãi suất trung bình 7%/năm, kỳ hạn trung bình 6%/năm.

Các đợt phát hành lớn nhất của tháng 12 được ghi nhận là của Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã OCBL2325017) với giá trị đạt 3.000 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (mã HDBL2331008) với giá trị phát hành đạt 2.534 tỷ đồng.

5 đề xuất cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Lũy kế cả năm 2023, tổng giá trị phát hành được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2022, gồm 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.071 tỷ đồng và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỷ đồng. Ngân hàng tiếp tục là nhóm ngành phát hành nhiều nhất với 176.006 tỷ đồng (tương đương 56.5% tổng giá trị phát hành), theo sau là nhóm bất động sản với 73.202 tỷ đồng (chiếm 23.5%).

Trong đó, TPBank và BIDV tích cực hơn cả khi cùng có 26 đợt phát hành, huy động tương ứng 15.360 tỷ đồng và 12.473 tỷ đồng. Xét về giá trị, Techcombank dẫn đầu toàn thị trường với 25.300 tỷ đồng, theo sau là OCB và ACB với 21.850 tỷ đồng và 18.900 tỷ đồng.

Sau khi chững lại trong năm 2022, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phục hồi đáng kể trong năm 2023 và tăng 40,8% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 21.200 tỷ đồng.

Một số công ty điển hình như Công ty TNHH Capitaland Tower với 4 mã trái phiếu có cùng kỳ hạn 5 năm với tổng giá trị 12.239 tỷ đồng. Sau năm 2022 không có đợt phát hành trong nước nào, CTCP Vinhomes năm 2023 cũng có cho mình 5 lô trái phiếu trị giá 9.000 tỷ đồng, chỉ xếp sau Capitaland Tower ở mảng bất động sản.

Tín hiệu tích cực của thị trường trái phiếu không chỉ dừng lại ở việc phục hồi hoạt động phát hành.

Ở thời điểm hiện tại, số trái phiếu chậm trả lãi đã giảm so với đầu năm, chỉ có 6 mã trái phiếu mới công bố chậm trả lãi/gốc trong tháng 12 với tổng giá trị 545.7 tỷ đồng. Trong tháng cũng có 8 mã trái phiếu được gia hạn với thời gian đáo hạn được kéo dài chủ yếu từ 1 đến 2 năm.

Năm 2023, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại trước hạn 241.950 tỷ đồng trái phiếu, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm ngân hàng dẫn đầu với 122.433 tỷ đồng, chiếm 50,6% tổng giá trị mua lại trước hạn.

5 đề xuất cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

NIỀM TIN ĐANG TRỞ LẠI

Phát biểu tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 đã có sự thay đổi lớn về cơ cấu nhà đầu tư khi có tới 92,4% nhà đầu tư tổ chức tham gia vào thị trường sơ cấp. Nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm khoảng 7,6%.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dần quay trở lại. Với những giải pháp cụ thể và sự phục hồi của nền kinh tế, ông Chi cho rằng thị trường trái phiếu năm 2024 sẽ có tăng trưởng bền vững và thực chất.

"Chất lượng của thị trường sẽ được nâng lên một bước đối với cả các tổ chức phát hành, các doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ", Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định.

Cũng dự báo cho năm 2024, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới bền vững hơn nhờ lãi suất của Mỹ, châu Âu… có thể sẽ giảm, kéo theo dòng vốn chảy về các nước đang phát triển có khả năng phục hồi như Việt Nam.

Lãi suất trong nước năm 2024 cũng dự báo tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp, điều này sẽ hỗ trợ tốt cho kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ kinh tế phục hồi, thị trường minh bạch hơn, các quy định chặt chẽ hơn, tâm lý nhà đầu tư cải thiện.

Mặc dù số lượng doanh nghiệp phát hành TPDN chậm nghĩa vụ thanh toán, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn còn nhiều. Song có nhiều doanh nghiệp phát hành vẫn thanh toán đúng hạn, tạo được uy tín với thị trường. Nói cách khác, thông tin thị trường đang minh bạch, rõ ràng hơn, niềm tin với nhà đầu tư cũng đang dần quay lại. Đây là yếu tố quyết định với sự hồi phục của thị trường.

Nói riêng về trái phiếu bất động sản, TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận, bất chấp bối cảnh kinh tế năm 2023 còn chất chồng khó khăn, chất lượng trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản có xu hướng sẽ ngày càng được cải thiện, nâng cao. Nói cách khác, sau khủng hoảng, sân chơi này sẽ chỉ dành cho những doanh nghiệp uy tín, có sức khỏe tài chính vững vàng, minh bạch thông tin.

Chưa kể, bước sang năm 2024, bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản đã có thêm nhiều điểm sáng mới, mang đến nhiều kỳ vọng. Quốc hội vừa thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) đảm được tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi, sát với thực tế, từ đó tháo gỡ vướng mắc cho thị trường.

Cùng với đó là các chính sách tháo gỡ khó khăn của Nhà nước thời gian vừa qua có điểm rơi vào năm nay, từ đó chắc chắn sẽ tác động tích cực đến diễn biến thị trường trái phiếu bất động sản.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, khả năng phục hồi được dự báo hình chữ U, song phải cố gắng để sự phục hồi theo hình chữ V. Hy vọng doanh nghiệp địa ốc năm 2024 tiếp tục đứng vững, thị trường sẽ sớm phục hồi nhanh hơn.

5 đề xuất cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

5 ĐỀ XUẤT NÂNG CHẤT THỊ TRƯỜNG TPDN

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, thị trường TPDN đang phục hồi. Các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động kiểm soát, phát triển thị trường không ngừng được bổ sung, hoàn thiện theo hướng ngày càng an toàn, lành mạnh và minh bạch.

Theo ông Lực, Nghị định 08/NĐ-CP là quyết sách chưa từng có trong tiền lệ, cho phép giãn, hoãn nợ trái phiếu và cho hoán đổi tiền - hàng, tức là cho phép hoán đổi trái phiếu lấy sản phẩm là bất động sản hoặc các tài sản khác. Đây là chính sách chưa từng có, không những gỡ khó cho thị trường TPDN mà còn là mấu chốt rất quan trọng tháo gỡ nút thắt cho thị trường bất động sản.

Song song với Nghị định 08/NĐ-CP thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương còn có các chính sách tháo gỡ cả kênh tín dụng, bất động sản với một loạt quyết sách của hai thị trường này. Điều này đảm bảo tính đồng bộ giữa các thị trường tài chính, khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế.

Nhấn mạnh thị trường TPDN là kênh huy động vốn hiệu quả trong trung và dài hạn của doanh nghiệp, đồng thời góp phần đa dạng hóa thị trường tài chính, giảm sự phụ thuộc vốn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đề xuất 5 nhóm giải pháp để phát triển hơn nữa thị trường TPDN:

Thứ nhất, cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách. Theo ông Lực, hiện nay Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ chuẩn bị hết hiệu lực. Ông Lực gợi ý cần quay trở lại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nhưng có lộ trình, có cân đối để tiếp tục kiến tạo cho thị trường phát triển.

Chẳng hạn, muốn thị trường lành mạnh, đúng đối tượng là người mua có kiến thức, có kinh nghiệm, có hiểu biết, cần áp dụng tiếp điều kiện, điều khoản của nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Nên cân nhắc lộ trình và phân nhóm xếp hạng tín nhiệm. Liệu nhóm nào cần xếp hạng tín nhiệm, nhóm nào không cần xếp hạng tín nhiệm? Ví dụ, ngân hàng thương mại không cần xếp hạng tín nhiệm vì phát hành mục đích rất rõ là để tăng vốn cấp hai và được quản lý chặt chẽ các hệ số an toàn bởi Nhà nước.

Thứ hai, cần đa dạng hoá sản phẩm trên thị trường TPDN. Hiện nay cơ bản chỉ có mỗi TPDN, còn thiếu vắng trái phiếu xanh, trái phiếu công trình, trái phiếu bền vững.
Thứ ba, đa dạng hóa nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Cần thúc đẩy để có nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn, đặc biệt là quỹ đầu tư.
Thứ tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu nhằm tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch. Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng đây là yếu tố “cốt lõi” để phát triển thị trường này.
Cuối cùng, giải pháp về tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát có trọng tâm để nâng cao chất lượng phát hành của doanh nghiệp phát hành, chất lượng cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN, củng cố niềm tin nhà đầu tư.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
23.55 +0.05 (+0.21%)
16.15 (0.00%)
42.40 -0.30 (-0.70%)
46.25 +0.70 (+1.54%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả