“Vượt khó” bằng tăng vốn
Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng ngân hàng chưa hết khó, nhiều doanh nghiệp đang phải tìm lại kênh huy động vốn cơ bản nhất của thị trường chứng khoán là phát hành cổ phiếu.
Nội dung chính:
- Khi các kênh huy động vốn trái phiếu, tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang phải trở về tìm vốn trên thị trường chứng khoán thông qua các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ
- Chỉ trong tháng 11, đã có trên 10 doanh nghiệp công bố thông tin liên quan việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ như HAGL; Novaland; Xây dựng Hòa Bình; Giao thông Đèo Cả…
- Phát hành cổ phiếu riêng lẻ mang lại nguồn tiền mới cho doanh nghiệp nhưng quyền lợi của các cổ đông có thể bị ảnh hưởng nhiều bởi phương án phát hành mà ban lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra
Chỉ trong tháng 11, thống kê trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã có không dưới 10 doanh nghiệp công bố thông tin liên quan kế hoạch huy động vốn thông qua kênh phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh nhiều kênh huy động vốn của doanh nghiệp vẫn đăng gặp khó, từ thị trường trái phiếu cho tới tín dụng ngân hàng.
Tìm vốn trên sàn chứng khoán
Theo báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến cuối tháng 11 của Công ty Chứng khoán MB (MBS), dù đã được gỡ khó một phần nhờ Nghị định số 08/2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường vẫn giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 233.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cũng theo MBS lãi suất phát hành bình quân của trái phiếu doanh nghiệp 11 tháng đầu năm nay cũng tăng lên mức 8,5%/năm, cao hơn mức bình quân 7,9%/năm của năm 2022. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phải đưa ra mức lãi suất trái phiếu lên tới 13-14%/năm để huy động được tiền từ nhà đầu tư.
Với kênh tín dụng ngân hàng, theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, sau tháng 10 gần như không ghi nhận tăng trưởng tín dụng trong hệ thống, đến ngày 22/11, chỉ tiêu này mới đạt 8,21%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm đưa ra là 14,5%. Các doanh nghiệp gặp khó khăn, trong khi ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng để cho vay, khiến tăng trưởng tín dụng năm nay vẫn ì ạch dù các ngân hàng vẫn được đánh giá là “thừa tiền”.
Trong tình hình nặng gánh nợ vay, mắc kẹt các khoản nợ chưa thể thu hồi, việc vay thêm tiền dù là qua kênh trái phiếu hay ngân hàng đều gặp nhiều khó khăn - phát hành cổ phiếu là một kênh các doanh nghiệp lựa chọn để huy động vốn.
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HoSE: HAG) đã công bố kế hoạch phát hành 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tỷ lệ phát hành 14,02%) với giá 10.000 đồng/cp, kỳ vọng huy động 1.300 tỷ đồng để trả nợ và bổ sung vốn lưu động.
Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Hòa Bình (HoSE: HBC) cũng đưa ra kế hoạch phát hành 252,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tỷ lệ phát hành hơn 92%) để huy động vốn và cấn trừ công nợ.
Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (HoSE: NVL) cũng mới thông báo ngày 30/11 sẽ chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến điều chỉnh phương án phát hành hơn 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ và 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 100%).
Ngoài ra, Công ty CP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (HoSE: TEG); Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Giao Thông Đèo Cả (HoSE: HHV); Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF)… đều đã công bố kế hoạch huy động hàng trăm tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ trong năm nay.
Chưa hẳn là tín hiệu tích cực
Việc được cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ là thông tin có lợi với doanh nghiệp khi huy động được nguồn tiền từ các nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, với các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ, có lợi hay chịu thiệt lại phụ thuộc nhiều vào phương án phát hành mà ban lãnh đạo doanh nghiệp đề xuất.
Như trong trường hợp Tập đoàn HAGL của bầu Đức, dù chịu tỷ lệ pha loãng 14,02% bởi kế hoạch phát hành, việc chốt được giá bán 10.000 đồng/cp cao hơn thị giá HAG giao dịch trên sàn chứng khoán tại thời điểm công bố (khoảng 8.500 đồng/cp) đã giúp cổ phiếu HAG tăng giá liên tục và chính thức vượt mệnh giá - đạt mức kỷ lục sau hơn 1 năm.
Tuy vậy, trong bối cảnh thị trường chứng khoán chung diễn biến kém tích cực 2 tháng gần đây, không phải doanh nghiệp nào cũng đưa ra được các phương án phát hành có lợi cho cổ đông.
Như trường hợp của Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR), doanh nghiệp mới hoàn thành đợt phát hành hơn 67 triệu cổ phiếu riêng lẻ, thu về 672 tỷ đồng. Trong đợt phát hành này, Phát Đạt đã đưa phương án chào bán cổ phiếu với giá chỉ 10.000 đồng/cp, chưa bằng một nửa thị giá hiện tại giao dịch trên sàn của PDR (quanh vùng 25.000-26.000 đồng/cp).
Điều này khiến các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ của Phát Đạt chịu nhiều thiệt thòi.
Trước đó, khi đưa ra kế hoạch phát hành cổ phiếu với giá rẻ hơn giá thị trường này, Phát Đạt đã bị nhiều cổ đông phản đối. Các cổ đông thậm chí sẵn sàng đề xuất doanh nghiệp thay đổi phương án phát hành từ riêng lẻ sang phát hành cho cổ đông hiện hữu để vừa huy động được vốn vừa ko bị pha loãng tỷ lệ sở hữu.
Với Xây dựng Hòa Bình, dù chốt được giá phát hành riêng lẻ lên tới 12.000-14.500 đồng/cp, cao hơn 50-80% giá thị trường của HBC trên sàn (quanh vùng 8.000 đồng/cp), việc tỷ lệ phát hành lên tới hơn 92%, đồng nghĩa tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện tại sẽ giảm gần một nửa.
Ngay cả với Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải - người đang sở hữu gần 47 triệu cp (tương đương 17,1% vốn) - sau phát hành, tỷ lệ sở hữu của ông Hải tại Hòa Bình sẽ giảm xuống chỉ còn 8,9%.
Như vậy, khi thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, các cổ đông Hòa Bình đã chấp nhận giảm quyền lực của mình tại doanh nghiệp để đổi lấy “tiền tươi” từ nhà đầu tư mới.
Bên cạnh đó, việc phát hành thêm với tỷ lệ phát hành cao khiến bộ máy quản trị của doanh nghiệp sẽ thay đổi khi đưa các đối tác chiến lược vào HĐQT. Sự thay đổi này, về lâu dài chưa thể biết trước là tích cực hay tiêu cực, đặc biệt đối với những cổ đông và ban lãnh đạo hiện hữu của doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận