VN-Index lọt top tăng mạnh nhất thế giới tháng 2/2024, cá nhân mua ròng lũy kế 12 tháng kỷ lục gần 35.000 tỷ
Các nhà đầu tư cá nhân quay trở ngược mua ròng đáng kể với 6.495 tỷ đồng trong tháng 2/2024. Lũy kế mua ròng 12 tháng của nhóm nhà đầu tư cá nhân cũng nâng lên con số kỷ lục 34.867 nghìn tỷ đồng...
VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong giai đoạn vừa qua. Theo đó, kết thúc tháng 2, VN-Index dừng chân ở mức 1.253, tăng 7,04% so với tháng trước. Trong đó, nhóm VN30 (+8,52%) dẫn dắt đà tăng, tiếp theo là VNDSMALL (5,13%) và VNMID (5,04%).
Với mức tăng này, VN-Index thuộc top dẫn đầu lợi nhuận chỉ đứng sau mức tăng trưởng của chỉ số Shanghai Comp; Hang Seng tăng 6,63%; KOSPI Index tăng 5,82%; TOPIX Index tăng 4,89%; S&P 500 Index tăng 4,62%...
Trong số các nhóm ngành dựa trên chuẩn GICS, tất cả nhóm ngành đều tăng điểm. Trong đó, nhóm công nghệ (+12,99%) dẫn đầu cho đà tăng, chủ yếu nhờ vào ông lớn của ngành, FPT (+13,9%). Theo sau là nhóm ngành vật liệu (+12,24%), câu chuyện giá cao su phục hồi và triển vọng nhà máy Dung Quất 2 giúp cho GVR (+27,68%), HPG (+11,71%) dẫn dắt đà tăng của nhóm. Tuy nhiên, nhóm tài chính (+7,66%) mời là nhân tố chính đóng góp nhiều vào mức tăng điểm của thị trường với VCB (+9,94%), và BID (+11,11%) là hai cái tên nổi bật.
Các nhà đầu tư cá nhân quay trở ngược mua ròng đáng kể với 6.495 tỷ đồng trong tháng 2. Lũy kế mua ròng 12 tháng của nhóm nhà đầu tư cá nhân cũng nâng lên con số kỷ lục 34.867 nghìn tỷ đồng.
Theo VDSC, tính tới thời điểm hiện tại, thị trường gần như đã phán ánh tương đối đầy đủ kết quả kinh doanh quý 4/2023. Trong khi đó, các thông tin nổi bật về kết quả kinh doanh quý đầu tiên của năm 2024 sẽ bắt đầu được quan tâm từ cuối tháng. Do đó, trong phần lớn thời gian giao dịch của tháng 3, thông tin về kết quả kinh doanh quý 1/2024 sẽ chưa phải là yếu tố chủ đạo chi phối tâm lý giao dịch thị trường.
Dù vậy, các dữ liệu vĩ mô đến cuối tháng 2 cho thấy xu hướng phục hồi của sản xuất và đầu tư của nền kinh tế Việt Nam trong hai tháng đầu năm. Do đó, đây có thể là yếu tố mang tính nền tảng và sẽ hỗ trợ cho kỳ vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yiết.
Tháng 3 sẽ có những sự kiện và yếu tố cần quan tâm bao gồm: Thông tin định hướng chính sách tiền tệ trong kỳ họp tháng 3 của các ngân hàng trung ương lớn sẽ được giới đầu tư tập trung chú ý. Kịch bản cơ sở của chúng tôi là các NHTW bao gồm Mỹ và phương Tây sẽ chỉ đảo chiều CSTT từ nửa sau của năm 2024, trong khi NHTW Nhật Bản có thể sẽ chấm dứt thời kỳ siêu nới lỏng sớm hơn.
Trong ngắn hạn, việc chỉ số P/E VNIndex đang tiến lên mức tiệm cận 15 lần có thể gây áp lực nhất định lên thị trường khi nhà đầu tư nước ngoài thường có xu hướng bán ròng ở vùng định giá cao hơn ngưỡng này. Dù vậy, VDSC kỳ vọng trạng thái giao dịch ròng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tích cực trở lại khi dòng vốn từ các tài sản niêm yết bằng đồng USD bắt đầu tái phân bổ lại sau chính sách tiền tệ của các nước phương Tây đảo chiều và triển vọng nâng hạng thịtrường của Việt Nam rõ ràng hơn sau khi các điểm nghẽn được tháo gỡ.
Việc nâng hạng thị trường theo phân loại của tổ chức FTSE khả năng cao phải lùi đến tháng 9 thay vì đợt xem xét tháng 3 tới đây do các tiêu chí liên quan tới “Thanh toán và bù trừ” vẫn chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, kết quả vận hành thử hệ thống KRX (điểm nghẽn kỹ thuật để tiến hành cơ chế thanh toán bù trừ) tích cực sẽ cũng cố niềm tin cho thị trường về một kịch bản vận hành chính thức trong tháng 5.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận