menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Phi Điệp

Vì sao khối ngoại 'miệt mài' mua ròng cổ phiếu Việt Nam?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại một tuần gần như đi ngang trong bối cảnh có nhiều sự kiện tác động kể cả trong và ngoài nước. Tuần này, thị trường trong nước diễn biến tích cực hơn chứng khoán thế giới một phần nhờ khối ngoại tiếp tục mua ròng sang tuần thứ 6 liên tiếp.

Khối ngoại đặt niềm tin

Mặc dù so với 2 tuần trước, khối ngoại đã giảm mua ròng, nhưng tuần qua khối này vẫn mua ròng gần 2.000 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu chứng khoán.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, quỹ ETF (Quỹ hoán đổi danh mục) khu vực mới nổi và cận biên mua ròng hơn 1.700 tỷ cổ phiếu Việt Nam chỉ trong một tháng. Khoảng giữa tháng 11 trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một nhịp hồi mạnh từ đáy dài hạn với động lực lớn đến từ khối ngoại.

Bên cạnh động thái giải ngân trở lại của các quỹ chủ động lớn như Dragon Capital, VinaCapital…, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường qua kênh ETF cũng ghi nhận những động thái tích cực.

Ngoài những quỹ như Fubon ETF, FTSE Vietnam ETF, V.N.M ETF, đáng chú ý khi iShares MSCI Frontier and Select EM ETF cũng đang liên tục hút ròng. IShares MSCI Frontier and Select EM ETF là quỹ ETF chuyên đầu tư vào khu vực cận biên và mới nổi. Tính từ 15/11 tới nay, iShares MSCI Frontier and Select EM ETF đã bất ngờ hút ròng xấp xỉ 234 triệu USD, tương ứng 5.850 tỷ đồng.

Tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục xấp xỉ 30% với 44 mã. Như vậy, ước tính với 234 triệu USD iShares MSCI Frontier and Select EM ETF hút ròng trong 1 tháng qua, khoảng 70 triệu USD (xấp xỉ 1.750 tỷ đồng) đã được giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam.

Có thể thấy, dòng vốn ETF ồ ạt đổ vào thị trường, trong bối cảnh định giá của chứng khoán Việt Nam xuống thấp lịch sử sau giai đoạn liên tục giảm sâu. Thị giá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn cũng giảm xuống mức thấp, qua đó kích thích dòng tiền bắt đáy của khối ngoại.

Đồng thời, việc dòng vốn có dấu hiệu quay lại sau giai đoạn 2020-2021 liên tục bị rút mạnh cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về khu vực cận biên và mới nổi đang trở lại. Với động lực này, Việt Nam được cho sẽ có nhiều triển vọng nhất khi đang đứng đầu rổ thị trường cận biên với tỷ trọng khoảng 30%, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT thông tin.

Thực tế, khối ngoại thực hiện mua ròng trên thị trường chứng khoán trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn diễn biến rất tích cực. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, Việt Nam sẽ là nền kinh tế dẫn đầu khu vực Đông Á-Thái Bình Dương với mức tăng trưởng 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023.

Ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, kết quả kinh tế tích cực của Việt Nam trong năm 2022 được thúc đẩy bởi 4 yếu tố chính.

Đầu tiên là động lực xuất khẩu, vốn đã rất mạnh trong quá khứ, đã cho thấy khả năng phục hồi ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng vì đại dịch COVID-19, với xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính.

Động lực tăng trưởng thứ hai là nhu cầu trong nước. Tiêu dùng trong nước và doanh số bán lẻ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2022. Điều này được thể hiện qua việc doanh số bán lẻ tháng 10/2022 ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2021.

“Chúng tôi đánh giá nhu cầu trong nước của Việt Nam dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng bởi lạm phát trong nước gia tăng thời gian tới, nhưng vẫn sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2023”, ông Andrea Coppola nhận định.

Theo ông Andrea Coppola điều thức ba đó là đầu tư đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Trong giai đoạn tháng 1-11/2022, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021.

Cuối cùng, có một thực tế là đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam trong năm ngoái, đặc biệt là trong quý III của năm. Do đó, hiệu quả kinh tế mạnh mẽ được ghi nhận trong năm 2022 cũng là kết quả của hiệu ứng xuất phát điểm thấp.

Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch từ 12 - 16/12, VN-Index tăng chỉ 0,67 điểm lên 1.052,48 điểm, HNX-Index giảm 4,01 điểm xuống 212,99 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 18,1% so với tuần trước đó xuống 71.179 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 22,4% xuống 3.956 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 26,5% xuống 6.904 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 24,2% xuống 497 triệu cổ phiếu.

Tâm lý nhà đầu tư vẫn đang thận trọng khiến thị trường đi ngang trong tuần qua và dòng tiền có sự phân hóa và luân phiên giữa các ngành trong tuần.

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất với 5,9% giá trị vốn hóa. Tiếp theo là nhóm ngành dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 5,1% giá trị vốn hóa; trong đó, cổ phiếu thuộc ngành dịch vụ hàng không “dậy sóng” với thông tin đường bay với Trung Quốc được mở lại, giúp HVN tăng tới 28,5%. Các mã ngành phân phối, bán lẻ là MWG tăng 3,6%, DGW tăng 3,28%, FRT tăng 1,5%.

Cổ phiếu ngân hàng mạnh thứ ba với 4 % giá trị vốn hóa. Mặc dù có sự phân hóa nhưng một số cổ phiếu đã thu hút được dòng tiền khá tốt như EIB tăng 22,9%, VPB tăng 9,47%, MBB tăng 3,3%, TCB tăng 3,2%, VCB tăng 3,1%...

Thực tế, nếu tính cả tuần thì nhóm ngân hàng tăng trưởng mạnh, nhưng cổ phiếu ngành này đã giảm trở lại vào 2 phiên cuối tuần.

Trước đó, ngày 15/12, tại Hội nghị bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, đã có 16 ngân hàng thương mại cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5 - 3%/năm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo Chứng khoán VNDIRECT, việc áp trần lãi suất cho vay có thể giúp giải tỏa đáng kể áp lực cho doanh nghiệp và người dân về chi phí tài chính phục vụ cho hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Mặt khác, điều này ảnh hưởng đến NIM (biên lãi ròng) của các ngân hàng, kết quả kinh doanh trong 2023 sẽ không thể ghi nhận tăng trưởng tích cực như 2022 (khi cộng hưởng với một số khó khăn khác như chi phí tín dụng tăng, tăng trưởng tín dụng chậm lại).

“Chúng tôi dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ đạt 10-12% so với cùng kỳ trong năm 2023-2024 (từ mức 32% so với cùng kỳ của năm 2022)”, Chứng khoán VNDIRECT nhận định.

Trở lại diễn biến thị trường, ngành đất động sản giảm mạnh nhất tuần qua, do VIC giảm 13,9% và VHM giảm 8,9%. Ngành hàng tiêu dùng tuần qua cũng mất 0,8% giá trị vốn hóa.

Chứng khoán thế giới đi xuống

Thị trường chứng khoán Việt Nam dù tăng không đáng kể nhưng so với các thị trường chứng khoán trên thế giới thì vẫn tích cực hơn.

Xu hướng đi xuống trên các sàn chứng khoán thế giới diễn ra sau khi hàng loạt ngân hàng trung ương tăng lãi suất và báo hiệu rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc.

Thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống, cụ thể, tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones mất 1,66%, chỉ số S&P giảm 2,09% và chỉ số Nasdaq giảm 2,72%.

Các thị trường chứng khoán châu Âu cũng ghi nhận mức giảm điểm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 9/2022, với chỉ số STOXX 600 kết thúc phiên 16/23 mất 1,2% và giảm gần 3,3% so với cuối tuần trước. Chỉ số chứng khoán thế giới MSCI cũng mất 1,1% và giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 tháng.

Tại châu Á, kết thúc phiên 16/12 chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,9% xuống 27.527,12 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,4% lên 19.450,67 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải đi ngang ở mức 3.167,86 điểm.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) trong tuần này đã đồng loạt tăng lãi suất và cảnh báo về những “đau đớn” mà nền kinh tế sẽ phải đối mặt trong cuộc chiến chống lạm phát sắp tới. Mặc dù lạm phát ở nhiều nền kinh tế hàng đầu đã bắt đầu đi xuống - nhờ chi phí năng lượng giảm - thì chỉ số này vẫn duy trì ở gần mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Christoph Rieger, trưởng bộ phận nghiên cứu lãi suất và tín dụng tại ngân hàng đầu tư Commerzbank (Đức) dự đoán, ECB sẽ tăng lãi suất lên 3,25% (bao gồm 50 điểm cơ bản vào tháng 3/2023) và Fed sẽ tăng lãi suất lên 5,25%. Điều này cho thấy áp lực dai dẳng đối với đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
4 Yêu thích
4 Bình luận 5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại