Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Sự phục hồi tích cực của xuất khẩu Việt Nam là động lực chính giúp đẩy giá và gia tăng vị thế cổ phiếu của cả các công ty logistics lẫn các công ty quản lý khu công nghiệp.
Nhiều cổ phiếu ngành Logistics vượt xa mức tăng của VN-Index
Từ cuối năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận sự phục hồi đáng kể, khi quá trình giảm tồn kho của các doanh nghiệp Mỹ và các nước phát triển khác kết thúc.
Sang đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam (cả xuất khẩu và nhập khẩu) tăng trưởng với tốc độ 15%. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ - thị trường lớn nhất của Việt Nam, đã phục hồi từ mức giảm 21% trong quý I/2023 lên mức tăng 24% trong quý I/2024.
Xuất khẩu của Việt Nam hồi phục kéo theo sự tăng trưởng trở lại của hoạt động sản xuất từ mức giảm 2% trong 4 tháng đầu năm 2023 lên mức tăng 6% trong 4 tháng đầu năm 2024, và sản xuất chiếm khoảng 25% nền kinh tế.
Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ làm cho khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển của Việt Nam trong quý I/2024 tăng lên (ước tính) lần lượt 40% và 30% so với cùng kỳ năm trước.
Hưởng lợi từ mức tăng trưởng này, giá cổ phiếu của các công ty logistics hàng đầu trong nước như Gemadept (GMD), Cảng Sài Gòn (SGP) và CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn tập trung vào thương mại quốc tế đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức tăng 20% của chỉ số VN-Index.
Theo ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường (VinaCapital), khoảng 33% doanh thu của các công ty logistics tập trung vào thương mại quốc tế (trái ngược với các doanh nghiệp tập trung vào vận chuyển nội địa) có nguồn gốc từ việc vận chuyển hàng hóa. Các hợp đồng được ký trong giai đoạn 2020-2021 hiện sắp kết thúc, vì vậy VinaCapital kỳ vọng, mức tăng trưởng doanh thu chung của các công ty đó gần như không đổi trong năm nay, bất chấp hoạt động vận chuyển tăng trưởng mạnh mẽ và phí xử lý cảng cao hơn.
“Các nhà đầu tư đang nhìn xa hơn sự tăng giảm bất thường của giá cước vận chuyển hàng hóa và có niềm tin nhờ các yếu tố khác bao gồm triển vọng tăng phí cảng do Chính phủ quy định và việc tăng công suất, nâng cao hy vọng rằng Việt Nam có thể trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế như Singapore”, ông Kokalari nhận định.
Các chuyên gia đầu tư vốn cổ phần tư nhân của VinaCapital đã hợp tác với A.P. Moller Capital để ra mắt quỹ PE Logistics, sẽ đầu tư vào các công ty tư nhân Việt Nam tham gia vào các hoạt động Logistics đầy triển vọng trong tương lai như vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không – lĩnh vực đang phát triển rất nhanh – và kho vận thông minh, một lĩnh vực ngách đã thu hút được sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư quốc tế.
Xác định Logistics là một trong những ngành có cơ hội đầu tư triển vọng nhất, các nhà quản lý danh mục cổ phiếu niêm yết của VinaCapital đã tăng tỷ trọng vào cổ phiếu ngành Logistics trong danh mục của các quỹ mở VinaCapital vào năm ngoái. Điều này đã góp phần giúp cho các quỹ mở VinaCapital tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với thị trường chung.
Cổ phiếu Khu công nghiệp bứt tốc
Giá cổ phiếu của các công ty vận hành khu công nghiệp (KCN) cũng đã tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2023, mặc dù mối liên hệ giữa việc phục hồi xuất khẩu của Việt Nam không ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng giá của cổ phiếu ngành KCN như với các công ty logistics.
Theo ông Kokalari, xuất khẩu cao hơn đang khuyến khích dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều hơn. Cụ thể, FDI đăng ký mới đã tăng hơn 50% trong 5 tháng đầu năm 2024 lên gần 8 tỷ USD, tương đương 4% GDP và hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đa quốc gia đều xây dựng nhà máy trong các KCN.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đa quốc gia sản xuất các sản phẩm công nghệ cao đang đẩy giá thuê khu công nghiệp lên cao, vì họ thường ít bị ảnh hưởng bởi giá thuê khu công nghiệp hơn so với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng thấp như hàng may mặc hay nội thất.
Thêm vào đó, việc phục hồi xuất khẩu của Việt Nam được thúc đẩy bởi việc gia tăng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao thường được vận chuyển bằng đường hàng không. Xuất khẩu máy tính xách tay và các sản phẩm điện tử gia dụng khác đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước trong 5 tháng đầu năm 2024, gấp đôi mức tăng trưởng xuất khẩu tổng thể 15% của cả nước, đang hỗ trợ dòng vốn FDI hiện tại từ các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Cuối cùng, nguồn cung đất KCN sẵn có còn hạn chế. Tỷ lệ lấp đầy tại các KCN ở phía Bắc, nơi thu hút phần lớn dòng vốn đầu tư FDI công nghệ cao mới, hiện đang ở mức trung bình trên 80% và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN ở khu vực TP. Hồ Chí Minh là trên 90%.
Sự kết hợp giữa việc ít bị ảnh hưởng bởi giá của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao và tỷ lệ lấp đầy cao đã đẩy giá thuê khu công nghiệp ở phía Bắc và phía Nam tăng lần lượt 35% và 15% vào năm ngoái. VinaCapital dự kiến mức giá này sẽ tăng thêm 7-10% trên toàn quốc trong năm nay.
“Các nhà quản lý quỹ mở của VinaCapital đã hiểu rõ hướng tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai và các công ty có khả năng được hưởng lợi, nên đã tăng cường tiếp xúc và gia tăng vị thế cổ phiếu của cả các công ty Logistics lẫn các công ty quản lý KCN vào danh mục”, ông Kokalari cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường