VCCI góp ý về đề xuất sửa quy định khống chế trần chi phí lãi vay 30%
Theo VCCI, cuối năm 2022 và đầu 2023, do những biến động kinh tế vĩ mô, lãi suất trên thị trường tăng mạnh làm chi phí lãi vay nhiều doanh nghiệp tăng vượt mức 30%.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản trả lời Công văn của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Quan hệ liên kết và chi phí lãi vay giữa ngân hàng và khách hàng
Điều 5.2.d của Nghị định 132 quy định các bên liên kết bao gồm cả trường hợp ngân hàng cho doanh nghiệp vay nếu khoản vay từ 25% vốn góp và trên 50% nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực hạ tầng, sản xuất công nghiệp, rơi vào trường hợp này do tỷ trọng vốn vay ngân hàng trung và dài hạn cao. Khi đó, các doanh nghiệp này và ngân hàng được coi là các bên liên kết và phải áp dụng Nghị định 132.
Điều 16.3.a của Nghị định 132 quy định chi phí lãi vay của các bên liên kết không được vượt quá 30% EBITDA của doanh nghiệp. Điều luật này áp mức cố định 30% mà không cho phép doanh nghiệp được chứng minh chi phí này theo nguyên tắc giao dịch độc lập (arm’s length) như với các loại giao dịch khác. Nói cách khác, kể cả trong trường hợp doanh nghiệp có chi phí lãi vay hoàn toàn bình thường so với mặt bằng chung của thị trường và các bên không hề có dấu hiệu đẩy lãi suất lên hoặc xuống nhằm chuyển lợi nhuận, thì cũng không được ghi nhận chi phí hợp lý khi tính thuế.
Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, do những biến động kinh tế vĩ mô, lãi suất trên thị trường tăng mạnh. Điều này khiến chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp tăng vượt mức 30%. Phần chi phí lãi vay vượt mức 30% này, doanh nghiệp vẫn phải trả cho ngân hàng nhưng không được coi là chi phí được trừ khi tính thuế. Nhiều doanh nghiệp phản ánh với VCCI tình trạng họ thua lỗ lớn do chi phí lãi vay phải trả cho ngân hàng tăng mạnh, nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Nhà nước.
Trong Tờ trình, Bộ Tài chính đã đề nghị sẽ sửa đổi Điều 5.2.d theo hướng loại trừ việc xác định quan hệ liên kết khi tổ chức tín dụng không tham gia điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào doanh nghiệp đi vay hoặc không cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn của một bên khác). Sửa đổi này phù hợp với Điều 5.1 nhằm xác định rõ hơn bản chất của quan hệ liên kết và sẽ giúp tháo gỡ được bất cập như trên phản ánh.
Tuy nhiên, cách làm này sẽ không giải quyết được hết các trường hợp. Trong trường hợp hai bên ngân hàng và doanh nghiệp đi vay có quan hệ điều hành, kiểm soát, góp vốn nhưng giao dịch cho vay với lãi suất phù hợp với mặt bằng chung của thị trường vẫn sẽ bị khống chế bởi ngưỡng 30%. Điều này chưa thực sự phù hợp với mục tiêu cơ bản của Nghị định 132 là chống hành vi chuyển giá. Trong trường hợp trên, hai bên không hề có hành vi thay đổi “bóp méo” lãi suất (giá của giao dịch cho vay) nhằm mục đích chuyển giá mà giao dịch này vẫn tuân theo nguyên tắc giao dịch độc lập (arm’s length). Việc không cho tính phần chi phí lãi vay vượt quá 30% trong một giao dịch thoả mãn nguyên tắc giao dịch độc lập là bất hợp lý.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi Điều 16.3 của Nghị định 132 theo hướng cho phép các doanh nghiệp chứng minh giao dịch cho vay theo nguyên tắc giao dịch độc lập bằng cách kê khai và lập hồ sơ so sánh với các giao dịch cho vay khác và/hoặc với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Trong trường hợp giao dịch này đúng nguyên tắc giao dịch độc lập thì doanh nghiệp được trừ toàn bộ chi phí tính thuế, kể cả trường hợp chi phí đó vượt 30% EBITDA. Theo tìm hiểu của VCCI, một số quốc gia trên thế giới cũng áp dụng nguyên tắc này.
Thời điểm có hiệu lực
Như trên đã phân tích, tình trạng mặt bằng lãi suất trên thị trường tăng mạnh vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 khiến nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc trong các kỳ tính thuế năm 2022 và 2023. Do đó, nếu các quy định sửa đổi có hiệu lực sau khi Nghị định được ký sẽ khiến các doanh nghiệp trên vẫn phải chịu nghĩa vụ thuế bất hợp lý.
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu việc quy định hiệu lực trở về trước của văn bản và cho phép áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2022. Quy định hiệu lực trở về trước này không vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vì không làm phát sinh nghĩa vụ mới hay nghĩa vụ nặng hơn đối với doanh nghiệp, người dân.
Áp dụng quy định về trần chi phí lãi vay đối với giao dịch trong nước, không có chênh lệch thuế suất
Điều 19.1 của Nghị định 132 miễn trừ nghĩa vụ kê khai và lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết cho trường hợp các bên liên kết chỉ nộp thuế thu nhập tại Việt Nam và không có chênh lệch thuế suất. Quy định này hợp lý vì giữa hai doanh nghiệp nội địa không có chênh lệch thuế suất thì không có nhiều động cơ để chuyển giá. Mặc dù vậy, Điều 19.1 này lại không áp dụng cho việc giới hạn chi phí lãi vay được quy định tại Điều 16.3.a của Nghị định. Nói cách khác, trường hợp hai doanh nghiệp liên kết nội địa, không có chênh lệch thuế suất làm ăn với nhau thì các giao dịch khác không bị ràng buộc bởi Nghị định 132, nhưng riêng giao dịch cho vay lại bị giới hạn chi phí lãi vay.
Việc bị giới hạn chi phí vốn vay tại Điều 16.3 đối với cả giao dịch thuần tuý nội địa được suy đoán là nhằm chống lại tình trạng “vốn mỏng” của các doanh nghiệp. Hạn chế vốn mỏng giúp bảo đảm an ninh an toàn tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp lớn vay nợ quá nhiều, không bảo đảm các tỷ lệ an toàn và dễ dẫn đến mất thanh khoản khi có biến động ngoài kỳ vọng. Tuy nhiên, quy định này chưa bảo đảm tính hợp lý, gây nhiều tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, cụ thể như sau.
Thứ nhất, tình trạng “vốn mỏng” tại Việt Nam đúng là đang diễn ra, nhưng đây là điều phổ biến và cần thiết trong giai đoạn mới công nghiệp hoá tại các nước đang phát triển.
Tại những nước công nghiệp hoá sớm, động lực tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào sự phát triển công nghệ. Mô hình tăng trưởng này có rủi ro cao nên các doanh nghiệp thường tìm cách chia sẻ rủi ro thông qua việc phát hành cổ phần (tạo thành vốn chủ sở hữu). Sự minh bạch của thị trường tài chính các nước này cũng khiến cho nhà đầu tư sẵn sàng mua cổ phần, cùng chịu rủi ro với doanh nghiệp. Chính vì thế, kết cấu vốn của doanh nghiệp tại các nước phát triển, công nghiệp hoá sớm thường có tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao, vốn vay ít. Ngược lại, tại các nước đang phát triển, công nghiệp hoá muộn, động lực tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào khả năng giảm giá thành sản phẩm dựa trên tích luỹ vốn và quản trị linh hoạt hơn. Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải phụ thuộc nhiều vào vốn vay và sự trợ giúp của bên cho vay để tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp, giúp tiết giảm chi phí. Cùng với việc thị trường tài chính chưa thực sự minh bạch, doanh nghiệp tại các nước công nghiệp hoá muộn phụ thuộc nhiều vào vốn vay hơn so với doanh nghiệp tại các nước công nghiệp hoá sớm.
Việt Nam là một nước đang trong quá trình công nghiệp hoá. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng và sản xuất công nghiệp của Việt Nam đang cố gắng để giảm chi phí nhằm có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Việc các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào vốn vay từ các ngân hàng trong nước là tất yếu và cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá đất nước. Do đó, việc áp dụng các quy tắc chống vốn mỏng của các nước phát triển cần được cân nhắc kỹ hơn trong bối cảnh của Việt Nam.
Thứ hai, quy định hạn chế chi phí vốn vay tác động tiêu cực đến việc hình thành các tập đoàn kinh tế trong nước. Tác động này đi ngược lại chủ trương của Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết nêu rõ quan điểm chỉ đạo là “Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.”
Quy định như vậy sẽ tác động bất lợi đến việc hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân cũng như việc khuyến khích các tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực nhiều rủi ro. Thông thường, khi một tập đoàn muốn đầu tư vào lĩnh vực nhiều rủi ro như dự án sản xuất quy mô lớn, công ty mẹ tập đoàn sẽ đứng ra vay ngân hàng rồi cho công ty con vay lại. Đây là một giao dịch liên kết và chịu tác động của quy định trần chi phí lãi vay.
Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định tại Điều 16.3 và Điều 19.1 theo hướng miễn nghĩa vụ đáp ứng quy định về hạn chế chi phí lãi vay đối với các giao dịch liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước có chung thuế suất.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã kiến nghị lên Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ sửa Nghị định 132 theo hướng bỏ trần 30% vì cho rằng quy định này không hợp tình, hợp lý và đã làm cho bức tranh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không được phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời.
Cùng với đó có thể làm thiệt hại lợi ích hợp pháp, chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, trung thực, tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật, HoREA cho hay.
Ngoài ra, Hiệp hội này cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 16 Nghị định 132 theo hướng chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết và chưa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, không áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận