Trái chiều kết quả kinh doanh quý I của nhóm cấp thoát nước
Kết quả hoạt động các công ty phân phối nước được dự báo tiếp tục cải thiện trong trung hạn.
Cùng với ngành điện, cổ phiếu ngành nước được coi là nhóm "phòng thủ" trên thị trường chứng khoán vì nước sạch là mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt và sản xuất. Kinh tế càng phát triển, tốc độ đô thị hóa càng cao, thì nhu cầu sử dụng nước sạch sẽ ngày càng tăng.
Tuy nhiên, kết thúc quý I/2022 các doanh nghiệp ngành nước báo cáo kết quả kinh doanh có phần trái ngược nhau.
Bốn doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đi ngang so với cùng kỳ là Cấp nước Bà Rịa – Vũng Tàu (Bwaco - UPCoM:BWS), Cấp thoát nước Long An (UPCoM:LAW), Cấp nước Nghệ An (UPCoM:NAW) và Nước sạch Quảng Trị (Qtwaco – UPCoM:NQT). Lợi nhuận sau thuế (LNST) của Bwaco tăng 7,1% lên 59,6 tỷ đồng, của Cấp thoát nước Long An tăng 9,4% lên 3,3 tỷ đồng; trong khi Qtwaco thu về 3,9 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 3,4%; còn Cấp nước Nghệ An lãi 260 triệu đồng.
Đầu tư nước sạch Sông Đà (UPCoM:VCW) ghi nhận tăng trưởng khả quan nhất với doanh thu tăng 4,2%, đạt 115,6 tỷ đồng; lãi sau thuế tăng 18,6% lên 38,6 tỷ đồng do trong kỳ một số tài sản cố định đã hết thời gian khấu hao, tổng chi phí hoạt động được tiết giảm.
Đứng thứ hai về mức tăng trưởng doanh thu là Cấp nước Thủ Đức (HoSE:TDW) với 3,7%, lên 272,3 tỷ đồng do doanh thu cung cấp nước sạch tăng 4,5% từ 259,8 tỷ đồng lên 271,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây cũng là đơn vị ghi nhận LNST với mức giảm nhiều nhất 28,8%, còn 8,4 tỷ đồng do giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn doanh thu. Theo BCTC quý I của đơn vị, giá vốn theo đơn giá mua sỉ nước sạch tăng từ 6.389,4 đồng/m3 lên 6.685,9 đồng/m3.
Ngược lại, Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco - UPCoM:DNN) và Nước sạch Thái Nguyên (UPCoM:TNW) báo doanh thu giảm nhẹ nhưng LNST tăng mạnh. Cụ thể, Dawaco thu về 105,9 tỷ đồng doanh thu, giảm 2,3%; nhưng LNST tăng 29,2% lên 24,8 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải, mức tăng trưởng lợi nhuận này là do cơ cấu giá kinh doanh dịch vụ giảm nhiều làm cho giá bán bình quân giảm 186 đồng/m3, bên cạnh sản lượng nước tăng, các chi phí cố định và thuế thu nhập từ các hoạt động kinh doanh được cắt giảm.
Về Nước sạch Thái Nguyên, doanh thu giảm về 38,8 tỷ đồng, nhưng lãi sau thuế đạt 2,7 tỷ đồng, tăng 29,5%. Công ty cho biết, sản lượng 3 tháng đầu năm nay đi xuống dẫn đến doanh thu giảm, nhưng tỷ lệ giảm chi phí còn lớn hơn, dẫn đến lãi cao hơn cùng kỳ 611 triệu đồng.
Cấp nước Vĩnh Long (Vwaco – UPCoM:VLW) ghi nhận đà giảm ở cả hai chỉ tiêu, với doanh thu giảm 6,6% còn 42,5 tỷ đồng, LNST còn 14,7 tỷ đồng.
Riêng Cấp nước Chợ lớn (HoSE:CLW) là doanh nghiệp duy nhất trong danh sách báo lỗ 5,6 tỷ đồng sau thuế, trong khi cùng kỳ lãi gần 7 tỷ đồng; doanh thu giảm gần 4% còn 282,6 tỷ đồng.
Theo báo cáo cập nhật ngành nước của Trung tâm phân tích Chứng khoán (SSI Research), đơn vị phân loại các công ty nước thành hai nhóm: công ty có mạng lưới phân phối nước và công ty có nhà máy xử lý nước sạch.
Đối với các công ty có mạng lưới phân phối nước, SSI Research ước tính doanh thu tăng 9% so với cùng kỳ. Cụ thể, tiêu thụ nước sạch trung bình tăng 6%, trong khi giá bán lẻ nước sạch trung bình tăng 3%. Kết quả hoạt động các công ty phân phối nước được dự báo tiếp tục cải thiện và tiếp diễn trong trung hạn. Tỷ lệ thất thoát nước trung bình ước tính giảm từ 19,5% còn 18,7%, do doanh nghiệp đã nâng cấp hệ thống giảm thất thoát nước, nhằm cải thiện mạng lưới đường ống nước sạch cho người tiêu dùng.
Đối với các công ty có nhà máy nước, SSI Research cho biết nhu cầu cho nhà máy xử lý nước tăng cao, với ít nhất hơn 4 nhà máy nước sạch sẽ đi vào hoạt động trong năm nay – đạt tổng công suất 800.000 m3/ngày, tăng 33% so với năm ngoái. Công suất đầu tư nhà máy xử lý nước sạch tăng theo thời gian. Cụ thể, theo trao đổi với các công ty nước niêm yết, công suất đầu tư nhà máy xử lý nước tại các công ty nước niêm yết giai đoạn 2021-2022 sẽ đạt 4.700 đồng/m3 - cao hơn giai đoạn 2019-2020 là 3.700 đồng/m3.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận