Thị trường tài chính 24h: Đợt chỉnh cần thiết của nhóm cổ phiếu bất động sản
VN-Index tăng hơn 8 điểm phiên cuối năm; “Điểm nóng” mùa đại hội ngân hàng 2022; Mùa vui của ngành mía đường; Cổ phiếu bất động sản vẫn giữ nhiệt; Quan điểm diều hâu của Fed có thể làm thay chính sách của các nền kinh tế châu Á… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 28/1 giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào nhưng tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 61,80 – 62,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 22,3 USD xuống 1.797,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về gần 1.780 USD, trước khi hồi dần về lên gần 1.790 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 97,36 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 28/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.099 đồng/USD, tăng 29 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.500 – 22.780 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,85 USD (+0,98%), lên 87,46 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,92 USD (+1,06%), lên 90,29 USD/thùng.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ lên trên 37.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã chững lại và giảm về gần 36.300 USD/BTC vào cuối ngày.
Chứng khoán trong nước
VN-Index tăng điểm phiên cuối năm
Thị trường có phiên giao dịch kết năm Tân Sửu khá hân hoan, khi sắc xanh tràn ngập bảng điện tử giúp các chỉ số tăng tốc cùng thanh khoản cải thiện đáng kể. Điểm nhấn là cổ phiếu họ FLC đua nhau tăng mạnh.
Dù cuối phiên có chút hạ nhiệt khiến VN-Index không thể giữ được mức cao nhất ngày, nhưng thị trường đã có phiên kết năm khá đẹp.
Chỉ số VN-Index quay trở lại cùng thanh khoản tăng khá mạnh, là tín hiệu giúp nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ có những phiên khởi sắc trong những ngày chào xuân mới tới đây.
Họ FLC được mua mạnh với FLC khớp lệnh 23,1 triệu đơn vị và dư mua trần gần 9,67 triệu đơn vị. Còn ROS, HAI, AMD cũng đồng loạt tăng mạnh.
Trong đó, ROS từ dư bán sàn hơn 4 triệu trong phiên sáng đã tăng 4,4%, với khối lượng khớp lệnh gần 27,72 triệu đơn vị; HAI tăng 4,7% và khớp 3,4 triệu đơn vị, AMD tăng 3,8% và khớp 3,68 triệu đơn vị.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall tiếp tục có thêm một phiên giảm điểm trong ngày thứ Năm (27/1), ngay cả khi tin tức về GDP quý IV tăng tốt hơn dự báo.
Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết tăng trưởng GDP quý IV/2021 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự báo tăng 5,5% từ các chuyên gia kinh tế.
Như vậy, tăng trưởng GDP nước này năm 2021 đạt 5,7%, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 1984. Điều này đánh dấu sự phục hồi ấn tượng vì chỉ một năm trước đó, kinh tế Mỹ suy giảm 3,4%, mức giảm sâu nhất trong 74 năm.
Về kết quả kinh doanh mới nhất, Intel và Tesla đều công bố kết quả tốt hơn mong đợi trong quý IV/2021. Tuy nhiên, cổ phiếu Intel và Tesla lần lượt giảm 7% và 11,6%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Netflix vọt 7,5%, sau khi có tin Bill Ackman của Pershing đã mua 3,1 triệu cổ phiếu này.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản hồi phục mạnh từ mức đáy 14 tuần, được thúc đẩy bởi kết quả kinh doanh mạnh mẽ từ Apple.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,09% lên 26.717,34 điểm. Dù vậy, trong tuần, chỉ số này giảm 2,93%. Chỉ số Topix tăng 1,87% lên 1.876,89 điểm, nhưng kết tuần này giảm 2,61%.
Koji Toda, một nhà quản lý quỹ tại Resona Asset Management cho biết: “Có cảm giác rằng việc bán tháo đã đi quá xa, vì vậy việc một số người mua lại cổ phiếu là điều đương nhiên”.
Apple, công ty lớn nhất thế giới tính theo giá trị thị trường đã công bố doanh số bán hàng kỷ lục, đánh bại ước tính của các nhà phân tích đã thúc đẩy cổ phiếu Nhật bản.
Theo đó, Sony Group tăng 3,95%, Toyota Motor tăng 3,42%, Fast Retailing tăng 3,42%, SoftBank Group tăng 2,2%.
Đáng chú ý, cổ phiếu Fuji Electric đã tăng 10,43% để trở thành cổ phiếu tăng tốt nhất trên Nikkei 225, sau khi công bố kết quả kinh doanh khả quan trong quý vừa qua.
Chứng khoán Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng, ngay cả sau khi các tờ báo và quỹ nhà nước cố gắng xoa dịu tâm lý của nhà đầu tư sau đợt bán tháo trước đó, do lo ngại về việc Mỹ thắt chặt chính sách.
Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,97% xuống 3.361,44 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,21% xuống 4.563,77 điểm.
Trong tuần, chỉ số CSI300 giảm 4,5%, giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2021, trong khi chỉ số Shanghai Composite mất 4,6%, mức giảm mạnh nhất trong 11 tháng.
Các tờ báo chứng khoán do nhà nước hậu thuẫn đã đăng liên tục đăng các bài xã luận, trích dẫn các chuyên gia, rằng rủi ro ở nước ngoài chỉ có thể có tác động hạn chế đến Trung Quốc, trong khi một loạt quỹ tương hỗ của Trung Quốc đã mua các sản phẩm quỹ của chính họ, trong nỗ lực xoa dịu sự lo lắng của nhà đầu tư sau khi thị trường xuống mức thấp nhất trong gần 16 tháng.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 8/2021, trong bối cảnh nhà đầu tư toàn cầu lo lắng do hành động thắt chặt tiền tệ của Fed.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,08% xuống 23.550,08 điểm. Chỉ số này đã mất 5,67% trong tuần, mức giảm cao nhất trong 23 tuần.
Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,98% xuống 8.210,29 điểm và giảm 6,57% trong tuần.
Cổ phiếu ngành tài chính là lĩnh vực gây ra lực cản lớn nhất, với chỉ số phụ theo dõi giảm 1,27%.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng khá mạnh, nhưng có tuần giảm mạnh kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 48,85 điểm, tương đương 1,87% lên 2.663,34 điểm. Trong tuần, chỉ số này giảm 6,03%, mức mạnh nhất từ giữa tháng 3/2020.
Trong tháng 1 này, chỉ số KOSPI giảm 10,56%, mức giảm chỉ thua mức giảm kỷ lục 11,69% vào tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành.
Các thông tin đáng chú ý khác
- “Điểm nóng” mùa đại hội ngân hàng 2022
Các ngân hàng bắt công bố chốt danh sách cổ đông để tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), theo đó, các thông tin về nhân sự cấp cao, chia cổ tức, tăng vốn, bán vốn ngoại, chỉ tiêu kinh doanh, xử lý nợ xấu... sẽ là những “điểm nóng” được quan tâm..>>
- Mùa vui của ngành mía đường
Giá đường duy trì xu hướng tăng, giá thu mua mía vì thế cũng được nâng lên, cả doanh nghiệp đường và người trồng mía bước vào vụ ép mía với tâm thế đầy hứng khởi..>>
- Cổ phiếu bất động sản vẫn giữ nhiệt
Nhóm cổ phiếu bất động sản vừa có một đợt điều chỉnh khá sốc, nhưng đó được xem là đợt chỉnh cần thiết để thị trường lấy lại cân bằng. Sóng cổ phiếu địa ốc được nhận định sẽ kéo dài..>>
- Quan điểm diều hâu của Fed có thể làm thay đổi lộ trình chính sách của các nền kinh tế châu Á
Những bình luận mang tính diều hâu từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell sẽ gây áp lực buộc các nền kinh tế châu Á phải tăng tốc thắt chặt chính sách tiền tệ ngay cả trong bối cảnh lạm phát được kiềm chế và triển vọng phục hồi sau đại dịch vẫn chưa quá rõ ràng..>>
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận