Thị trường chứng khoán chưa có tín hiệu tích cực, áp lực bán vẫn đang chiếm ưu thế
Chứng khoán ngày 14/11, thị trường mở cửa trong sắc đỏ dưới áp lực bán mạnh tiếp tục đến từ nhóm chứng khoán và ngân hàng. Tuy nhiên, điểm tích cực trong phiên là lực cầu vẫn giữ cho nhóm bất động sản (VHM, VIC) hay bất động sản khu công nghiệp (BCM) xanh nhẹ trong phiên. Ngoài một vài nhịp bật lên yếu ớt, diễn biến chủ đạo trong phiên sáng tiếp tục là những nhịp điều chỉnh dưới mức tham chiếu, thanh khoản thấp.
Bước sang phiên chiều, sắc đỏ tiếp tục duy trì ở nhóm ngân hàng, bên cạnh áp lực bán gia tăng ở cổ phiếu ngành thép (HPG) và chứng khoán (SSI) khiến chỉ số chung tiếp tục giảm sâu. Từ giữa phiên chiều, áp lực bán lan rộng sang cổ phiếu bán lẻ và dầu khí, thanh khoản bán tăng khiến chỉ số giảm sâu hơn và lùi về sát mốc 1.230.
Trong bối cảnh sắc đỏ chiếm ưu thế, sắc xanh vẫn xuất hiện ở một số nhóm ngành/cổ phiếu riêng lẻ nhờ sự phân hóa của dòng tiền. Cụ thể, điểm sáng trong phiên thuộc về nhóm vận tải - cảng biển với HAH tăng 4,12%, VSC tăng 4,37% hay GMD tăng 1,22% và một số mã có lực cầu ổn định như BCM tăng 1,03%, GIL tăng 4,48%.
"Gánh nặng" chính của thị trường thuộc về HPG, GVR và CTG khi bộ ba này lấy đi của chỉ số chung hơn 3 điểm. Ở chiều ngược lại, BCM, HVN và HAG là những mã đóng góp tích cực nhất.
Thanh khoản tăng nhẹ, với giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt hơn 17.860 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 779 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung bán FPT, VPB, MSB.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 14,15 điểm (-1,15%), xuống với 82 mã tăng và 284 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 692,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 16.132 tỷ đồng, tăng 5% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 137,1 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.559 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 2,39 điểm (-1,06%), xuống 223,82 điểm với 56 mã tăng và 83 mã giảm. UPCoM-Index giảm nhẹ 0,48 điểm (-0,52%), xuống 91,87 điểm với 122 mã tăng và 119 mã giảm.
Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua
Thận trọng cho đến khi thanh khoản có sự cải thiện rõ nét hơn
Chứng khoán AIS
Chỉ số VN-Index hình thành nến Marubozu đỏ điểm cho thấy bên bán chủ động, áp đảo trong bối cảnh lực cầu còn khá thận trọng. Có thể sẽ xuất hiện một số rebound, hồi phục nhẹ trong những phiên tới. Tuy nhiên, với việc đã mất vùng hỗ trợ 1.240-1.250 điểm, thì VN-Index có thể sẽ còn giảm điểm tiếp với hỗ trợ gần nhất là khu vực 1.220-1.200 điểm. Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm thận trọng cho đến khi thanh khoản có sự cải thiện rõ nét hơn.
Bán những cổ phiếu vi phạm ngưỡng rủi ro
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
VN-Index tiếp tục có một phiên giảm điểm mạnh sau phiên rút chân hôm qua. Đặc biệt, mức giảm khá sâu với khối lượng tương đương mức trung bình 20 phiên, đẩy chỉ số về vùng sát ngưỡng hỗ trợ 1.230 điểm.
Tuy vậy, VN-Index vẫn đóng cửa ở mức thấp nhất ngày và phá vỡ tín hiệu của nến đảo chiều Hammer hôm qua cho thấy áp lực bán vẫn còn rất mạnh và khả năng còn tiếp diễn trong phiên tới.
Áp lực tỷ giá USD/VND đang đè nặng lên thị trường khiến VN-Index vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh. Trong phiên tiếp theo, nếu ngưỡng 1.230 điểm không thể giữ vững thì khả năng lớn là chỉ số sẽ giảm về vùng hỗ trợ 1.208 điểm.
Chúng tôi nhận thấy tín hiệu tích cực chưa có và áp lực bán vẫn đang chiếm ưu thế nên chúng ta thận trọng trong việc mua mới. Vị thế mua thăm dò trước đó chưa mang lại lợi thế nên hạn chế việc mua bình quân giá xuống, thậm chí cần kỷ luật căn bán những cổ phiếu vi phạm ngưỡng rủi ro.
Chốt lời những mã đã đạt mục tiêu ngắn hạn
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời những mã đã đạt mục tiêu ngắn hạn để đảm bảo lợi nhuận trong khi thị trường vẫn có diễn biến điều chỉnh.
Bên cạnh đó, đối với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, có thể tận dụng những nhịp rung lắc để giải ngân ở mức giá chiết khấu đối với những cổ phiếu có lực cầu mạnh và duy trì được xu hướng ngược với VN-Index hiện tại, tuy nhiên cần thực hiện quy tắc cắt lỗ-chốt lời để bảo toàn vốn và lợi nhuận.
Vẫn đang có rủi ro tiếp tục chịu chi phối bởi xu hướng giảm ngắn hạn
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Tín hiệu đảo chiều giảm mạnh về cuối phiên, ngay liền sau một phiên hồi phục và tạo mẫu nến rút chân tích cực trước đó, cho thấy sự mất kiên nhẫn của bên nắm giữ. Khi kỳ vọng không được đáp ứng, áp lực phân phối đang gia tăng trở lại ngay cả tại các vùng giá thấp.
Mặc dù nhịp hồi phục kỹ thuật có thể sẽ xuất hiện khi chỉ số đang về sâu trong vùng hỗ trợ gần và một số chỉ báo động lượng đã xuống đến vùng quá bán, VN-Index vẫn đang có rủi ro tiếp tục chịu chi phối bởi xu hướng giảm ngắn hạn và có thể hướng xuống vùng hỗ trợ sâu hơn.
Mặc dù xu hướng trung hạn đang là đi ngang, nhưng xu hướng ngắn hạn vẫn tiếp tục nghiêng về chiều giảm, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ duy trì một vị thế nắm giữ ở mức an toàn và tránh các quyết định mua đuổi giá trong các nhịp hồi phục.
Đánh giá tích cực về triển vọng trung và dài
Chứng khoán Asean
Chúng tôi đánh giá tích cực về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trung và dài hạn. Trước bối cảnh chính sách tiền tệ toàn cầu đang bước vào chu kỳ nới lỏng, việc USD giảm giá trị sẽ là việc chắc chắn xảy ra, đi cùng với sự hồi phục và tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán.
Đồng thời, các tài sản đầu tư thay thế như USD, vàng, bất động sản hạ dần sức hấp dẫn và dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường Việt Nam, VN-Index sẽ được sự chú ý mạnh mẽ của dòng tiền trong bối cảnh thời điểm nâng hạng sắp đến.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận