Thị trường chứng khoán: Chỉ số bật tăng, gần 200 mã vẫn "lầm lũi ngược dòng"
Quý II/2020, VN-Index tăng 24,5%, ghi nhận mức tăng điểm theo quý tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh thì gần 200 mã khác giảm giá.
Sàn HOSE: 16,3% số cổ phiếu giảm giá
317 là số cổ phiếu tăng giá hoặc đi ngang trong quý II trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), tương đương 83,7% sổ cổ phiếu trên sàn tính đến cuối quý, không bao gồm các chứng chỉ quỹ trái phiếu và chứng quyền có bảo đảm, cổ phiếu niêm yết mới cũng như hủy niêm yết trong kỳ.
Chiều ngược lại, có 62 cổ phiếu giảm giá, tương đương tỷ lệ 16,3%. Cổ phiếu TNI của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Nam (TNI) giảm giá mạnh nhất, giảm 53,8%. Đà giảm của cổ phiếu này diễn ra khá bất ngờ trong tháng 6, với 17/22 phiên giảm sàn, sau gần 1 năm đi ngang quanh mệnh giá. Thanh khoản bình quân trong tháng tăng vọt lên trên 7 triệu đơn vị mỗi phiên, có phiên đột biến đến 14 triệu đơn vị được khớp lệnh, chiếm tỷ lệ đáng kể so với cdon số 52,5 triệu cổ phiếu đang niêm yết.
TNI niêm yết từ tháng 5/2017 với vốn điều lệ 210 tỷ đồng, chuyên mua bán các sản phẩm inox cán nóng, cán nguội, inox trang trí dạng tấm, cuộn, ống. Năm 2018, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính gặp nhiều khó khăn, Công ty đã đẩy mạnh đầu tư sang mảng kinh doanh bất động sản.
Sau khi lợi nhuận giảm 28% trong năm 2018 và không hoàn thành kế hoạch, năm 2019, kết quả kinh doanh của Công ty khả quan hơn với doanh thu tăng 20%, lợi nhuận sau thuế tăng 44%. Tuy vậy, quý đầu năm 2020, doanh thu giảm 17,6%, lợi nhuận sau thuế giảm 34,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức cuối tháng 6/2020, TNI đặt kế hoạch doanh thu 1.404 tỷ đồng, giảm 23,1%; lợi nhuận sau thuế 18 tỷ đồng, tương đương năm ngoái.
Trong điều kiện kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhất là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, việc hoàn thành mục tiêu của Công ty được đánh giá sẽ gặp nhiều thách thức.
Đáng chú ý, trong quý I/2020, ngoài lợi nhuận giảm, các khoản phải thu và tồn kho của TNI gia tăng.
Tính đến cuối quý I, 2 khoản mục này lần lượt chiếm 43,4% và 28,2% tổng tài sản. Trong khi đó, dòng tiền kinh doanh liên tục âm và cơ cấu nguồn vốn ngày càng phụ thuộc vào vay nợ, tương ứng sức ép chi phí lãi vay và dòng tiền trả nợ gia tăng.
Cổ phiếu giảm giá nhiều thứ hai là ABS của Công ty cổ phần Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận, niêm yết cuối tháng 3/2020. Sau chuỗi tăng giá ấn tượng với 16 phiên tăng trần liên tiếp, đưa thị giá lên hơn 35.000 đồng/cổ phiếu, gấp 3,5 lần mức giá chào sàn, giá cổ phiếu này có nhiều phiên giảm sàn, đến cuối quý II chỉ còn 11.250 đồng/cổ phiếu.
ABS có hoạt động kinh doanh khá đa dạng, từ phân phối vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu, lúa giống đến phân phối xăng dầu, nhớt và kinh doanh bất động sản. Trong đó, kinh doanh phân bón và xăng dầu là hoạt động chính, chiếm trên 90% doanh thu hàng năm.
Trước khi niêm yết, Công ty báo cáo kết quả hoạt động năm 2019 tăng trưởng tốt, với doanh thu tăng 67,6% so với năm 2018, đạt 790,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 11,9%, đạt 33 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quý đầu năm nay, doanh thu giảm 50%, lợi nhuận giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019, lần lượt chỉ đạt 112 tỷ đồng và 1,6 tỷ đồng, nguyên nhân được giải trình là do dịch bệnh Covid-19 và biện pháp cách ly xã hội khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng.
Tại Đại hội đồng cổ đông tháng 5/2020, ABS đặt mục tiêu doanh thu năm nay ở mức 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch này khi quý I kết thúc là 11% doanh thu và 3,2% lợi nhuận.
Cổ phiếu TVB của Công ty Chứng khoán Trí Việt có mức giảm giá mạnh thứ ba, đây là một trong số ít cổ phiếu chứng khoán ghi nhận mức giảm giá trong quý II, trái ngược với xu hướng tăng mạnh của các cổ phiếu đầu ngành như SSI, HCM, VCI.
Đáng chú ý, xu hướng giảm giá của TVB diễn ra trong bối cảnh Công ty báo lãi sau thuế quý I/2020 tăng 41,7% so với cùng kỳ năm 2019, trái ngược với xu hướng giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ của không ít công ty cùng ngành do ảnh hưởng của thị trường chứng khoán giảm cả về điểm số và thanh khoản trong quý đầu năm.
Sàn HNX: trên 30% số mã giảm giá
120 là con số cổ phiếu giảm giá trên sàn niêm yết thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong quý II/2020, tương đương 1/3 số cổ phiếu trên sàn tính đến cuối quý, không bao gồm 11 cổ phiếu đã bị hủy niêm yết trong kỳ và số cổ phiếu niêm yết mới.
Dẫn đầu danh sách giảm giá là mã TVC của Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt, với mức giảm 67,3%; tiếp theo là mã C92 của Công ty cổ phần Xây dựng và đầu tư 492, LM7 của Công ty cổ phần Lilama 7, V21 của Công ty cổ phần Vinaconex 21, với tỷ lệ giảm giá lần lượt là 60,9%, 60,5%, 50,5%.
Tại TVC, cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Tùng Trí Việt, tỷ lệ sở hữu hiện tại là 24,89%, đang bày tỏ mong muốn tăng tỷ lệ sở hữu bằng việc đề nghị Hội đồng quản trị TVC lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản cho phép nâng tỷ lệ sở hữu mà không cần chào mua công khai.
TVC có kế hoạch tăng vốn khi đưa phương án chào bán cho cổ đông theo tỷ lệ 2-1, tương đương 23 triệu cổ phiếu, với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được dự kiến sẽ đầu tư cho công ty con là TVB, đầu tư chứng khoán và bổ sung vốn lưu động.
Kết thúc quý I/2020, TVC đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9,5 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2019. Công ty đã nộp hồ sơ chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE.
Trong danh sách cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên HNX, ngoại trừ TVC, đa số cổ phiếu còn lại như V21, C92, LM7 đều có thanh khoản thấp, nhiều phiên không có giao dịch. Quy mô vốn hóa nhỏ, cơ cấu cổ đông cô đặc và kết quả kinh doanh kém khả quan có thể là những nguyên nhân khiến các cổ phiếu này giảm giá.
Tất nhiên, một số cổ phiếu giảm giá mạnh là do bị điều chỉnh kỹ thuật vì trả cổ tức, chứ không đến từ yếu tố thị trường. Trên sàn đại chúng chưa niêm yết UPCoM, các cổ phiếu trong tình trạng này là DCI, DNN, TND, HHR…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận