24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trung Nguyên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tại sao ngân hàng miễn phí giao dịch nhưng tăng phí SMS Banking?

Một ngân hàng thuộc "big 4" cho biết năm qua chi trả gần 1.000 tỷ đồng phí gửi tin nhắn SMS và phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng cho dịch vụ thông báo thay đổi số dư.

Các ngân hàng đang có sự cạnh tranh quyết liệt để mở rộng thị phần trong mảng hoạt động thanh toán online, đặc biệt là thanh toán trên thiết bị di động. Chính sách miễn phí chuyển tiền online của các ngân hàng lớn trong thời gian qua thúc đẩy xu hướng này tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, đi cùng sự tăng trưởng bùng nổ của thanh toán online, ngân hàng lại đang phải đối mặt với một bài toán hóc búa khác, đó là bài toán về chi phí gửi tin nhắn SMS.

Miễn phí giao dịch online nhưng tăng phí tin nhắn SMS

Làn sóng miễn phí dịch vụ cuối năm 2021 sôi động hơn bao giờ hết với sự gia nhập của "big 4" ngân hàng quốc doanh. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Công Thương - Vietinbank vừa ngừng thu phí chuyển tiền online và duy trì dịch vụ ngân hàng số từ đầu 2022.

Trước đó, giữa tháng 5/2021, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã miễn phí chuyển tiền trực tuyến cho tất cả khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số mà không yêu cầu điều kiện kèm theo.

"Zero fee" - miễn phí giao dịch - thực tế đã có từ nhiều năm trước. Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) được xem là nhà băng dẫn dắt xu hướng này, bắt đầu từ năm 2016. Một vài nhà băng tư nhân khác gia nhập câu lạc bộ "zero fee" này gồm MB, TPBank, VPBank, VietCapitalBank, MSB... "Zero fee" đã khiến nhiều ngân hàng chấp nhận hy sinh khoản doanh thu khổng lồ hàng trăm tỷ đồng từ tiền phí chuyển tiền online.

Tuy nhiên, đối với dịch vụ SMB Banking - một trong những dịch vụ cần thiết nhất khi sử dụng một tài khoản ngân hàng, lại không được miễn phí. Không chỉ không miễn phí mà một số ngân hàng còn tăng phí dịch vụ SMS Banking. Các ngân hàng đã thực hiện thu phí thông báo thay đổi số dư qua SMS theo bậc thang.

Tại sao ngân hàng miễn phí giao dịch nhưng tăng phí SMS Banking?
Dịch vụ SMB Banking - một trong những dịch vụ cần thiết nhất khi sử dụng một tài khoản ngân hàng, không được miễn phí. (Ảnh minh họa)

Nhiều khách hàng cho biết nhận được thông báo Vietcombank từ năm 2022 tăng phí SMS Banking từ 11.000 đồng/tháng lên 11.000-70.000 đồng/tháng. Như vậy, mỗi năm, người dùng có thể phải đóng phí tin nhắn SMS cao nhất lên tới 840.000 đồng - con số lớn với người dùng cá nhân. Cụ thể, nếu số lượng tin nhắn trong tháng dưới 20 tin, Vietcombank thu phí 11.000 đồng/tháng. Từ 20 - dưới 50 tin nhắn là 27.500 đồng/tháng, từ 50 - dưới 100 tin là 55.000 đồng/tháng, từ 100 tin nhắn trở lên là 70.000 đồng/tháng.

Một "ông lớn" khác là BIDV, mức phí dịch vụ SMS Banking cũng căn cứ theo số lượng tin nhắn, dao động từ 9.900 - 77.000 đồng/tháng. Cụ thể, nếu số lượng tin nhắn trong tháng từ 0 - dưới 15 tin, BIDV thu phí 9.900 đồng/tháng. Từ 10 - dưới 50 tin, BIDV thu 33.000 đồng/tháng. Từ 51 - dưới 100 tin, thu 60.500 đồng/ tháng. Từ 100 tin nhắn trở lên là 77.000 đồng/ tháng. Mỗi năm, người dùng có thể phải đóng phí tin nhắn SMS cao nhất lên tới 924.000 đồng.

Tại Techcombank - ngân hàng tiên phong trong miễn phí dịch vụ chuyển tiền nhưng hiện tại cũng đang thu phí SMS Banking đáng kể. Cụ thể, nếu số lượng tin nhắn trong tháng từ 0 - dưới 15 tin, thu phí 13.200 đồng/ tháng. Từ 16 - dưới 30 tin, thu 19.800 đồng/tháng. Từ 31 - dưới 60 tin, BIDV thu 44.000 đồng/tháng. Trên 61 tin nhắn, Techcombank sẽ thu 75.000 đồng/tháng.

Khoản chi phí hàng nghìn tỷ mỗi năm

Theo chia sẻ từ một ngân hàng lớn trong nhóm "big 4", trong năm 2021, ngân hàng này chi trả gần 1.000 tỷ đồng chi phí gửi SMS, khoảng hơn 70% là chi phí cho các tin nhắn thông báo số dư, còn lại là chi phí gửi mã OTP. Chỉ tính riêng với dịch vụ thông báo thay đổi số dư, ngân hàng này phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Ngân hàng này cho biết, hiện khách hàng vẫn sử dụng phổ biến hình thức nhận thông báo thay đổi số dư và nhận OTP (one time password - mật khẩu giao dịch một lần) qua tin nhắn SMS. Ngân hàng thường chỉ thu phí đối với dịch vụ thông báo thay đổi số dư và không thu phí đối với tin nhắn gửi OTP.

Để gửi tin nhắn đến cho khách hàng, ngân hàng phải mua dịch vụ gửi SMS và trả phí cho các nhà mạng viễn thông. Mặc dù là các khách hàng lớn nhất, nhưng có một nghịch lý, đó là mức phí gửi tin nhắn SMS đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng cao hơn nhiều so với mức phí tin nhắn thông thường của khách hàng cá nhân hoặc tin nhắn áp dụng cho các lĩnh vực khác.

Tại sao ngân hàng miễn phí giao dịch nhưng tăng phí SMS Banking?
Đi cùng sự tăng trưởng bùng nổ của thanh toán online, ngân hàng lại đang phải đối mặt với một bài toán hóc búa khác, đó là bài toán về chi phí gửi tin nhắn SMS. (Ảnh minh họa)

Khi lượng giao dịch online tăng trưởng, các ngân hàng cũng phải gửi tin nhắn OTP và tin nhắn thay đổi số dư nhiều hơn, đồng nghĩa với mức chi phí tin nhắn cũng tăng theo. Hiệp hội Ngân hàng đã nhiều lần kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chỉ đạo quyết liệt nhà mạng thực hiện nghiêm túc việc giảm phí cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp viễn thông vẫn chưa có phản hồi về đề xuất giảm phí SMS cho nhóm khách hàng này.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam dẫn chứng, đối với khách hàng doanh nghiệp (bao gồm các tổ chức tín dụng), nhà mạng MobiFone và VinaPhone thu 820 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính và 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng; Viettel thu 500 đồng/tin nhắn (không phân biệt loại tin nhắn) và từ năm 2019, Viettel đã nâng mức giá cước lên 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính.

Còn Vietnamobile, Beeline thu 280-400 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng, truyền thông không yêu cầu bảo mật, gửi tức thì. Riêng với khách hàng cá nhân, Viettel thu 100-300 đồng/tin nhắn, Vinaphone thu 99-350 đồng/tin nhắn, Mobifone thu 200-350 đồng/tin nhắn.

"Xoay sở" giảm gánh nặng phí tin nhắn SMS

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ước tính, một tổ chức tín dụng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 15-20 triệu tin nhắn/tháng, một tổ chức tín dụng quy mô lớn phát sinh khoảng 50-80 triệu tin nhắn/tháng.

Với mức giá cước phí tin nhắn rất cao như nêu trên, các tổ chức tín dụng khi đã áp dụng miễn, giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng đều phải bù lỗ khi phải trả chi phí dịch vụ tin nhắn viễn thông. Ước tính chi phí viễn thông cả hệ thống các tổ chức tín dụng phải trả cho các nhà mạng lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng.

Với mức chi phí SMS quá lớn, các ngân hàng đang đẩy mạnh khuyến khích khách hàng chuyển sang các hình thức khác thay thế như nhận thông báo số dư qua ứng dụng ngân hàng (APP) và xác thực giao dịch thông qua Smart OTP. Đặc điểm chung của các hình thức này là có độ bảo mật cao và đều miễn phí. Thông báo số dư qua APP còn có thể hiển thị bằng tiếng Việt có dấu và có thể nhận ở nước ngoài mà không cần roaming.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nếu xác thực giao dịch bằng OTP gửi qua tin nhắn SMS truyền thống, hạn mức giao dịch tối đa chỉ là 100 triệu đồng/giao dịch, nhưng nếu xác thực bằng Smart OTP, khách hàng có thể giao dịch với hạn mức lên tới cả tỷ đồng/giao dịch.

Đối với thông báo số dư, ngoài việc khuyến khích khách hàng nhận thông báo qua APP miễn phí, các ngân hàng cũng đã thực hiện thu phí thông báo thay đổi số dư qua SMS theo bậc thang. "Chúng tôi đã gửi tin nhắn SMS thông báo về việc thay đổi chính sách phí tới từng khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng để khách hàng nắm thông tin và chủ động lựa chọn dịch vụ thông báo số dư phù hợp với nhu cầu" - Đại diện Vietcombank cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
7.90 (0.00%)
38.70 +0.60 (+1.57%)
11.45 -0.05 (-0.43%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả