Tại sao ngân hàng "đua" phát hành trái phiếu doanh nghiệp?
Trong tháng 8, khối ngân hàng tiếp tục là tổ chức phát hành trái phiếu chiếm ưu thế lên tới 90%. Các chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng , nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay dần phục hồi, khách hàng có xu hướng vay vốn kỳ hạn dài. Do đó, trái phiếu là kênh huy động dài hạn, giúp các nhà băng đảm bảo cấu trúc vốn theo quy định.
Theo thống kê của VIS Rating, trong tháng 08/2024, lượng phát hành trái phiếu mới tăng lên 57,7 nghìn tỷ đồng, từ mức 46.8 nghìn tỷ đồng trong tháng 07/2024. Các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 51,3 nghìn tỷ đồng, tiếp tục chiếm phần lớn trong các đợt phát hành mới lên tới 90%.
Trong số các trái phiếu do các ngân hàng phát hành vào tháng 08/2024, 40% là trái phiếu thứ cấp đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2, được phát hành bởi Ngân hàng TMCP Phương Đông với 4 lô trái phiếu giá trị 5.000 tỷ đồng lãi suất 5,6%; Ngân hàng TMCP Quân Đội 2 lô giá trị 4.000 tỷ đồng lãi suất 5,5%; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng 4.000 tỷ đồng lãi suất 5,5%; Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM 2.000 tỷ đồng lãi suất 5,7%; Ngân hàng TMCP Tiên phong 2.000 tỷ đồng có những lô cố định 6 tháng 5,1%, nhưng cũng có những lô năm đầu 6,7%, các năm sau lãi tiền gửi 12T+2%…
Khối ngân hàng TMCP nhà nước cũng tăng cường phát hành trái phiếu. Đầu tháng 8, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam phát hành 5 lô trái phiếu giá trị gần 5.000 tỷ đồng lãi suất cố định 12 tháng là 5,7%, các năm sau lãi tiền gửi 12T+0,8%.
Agribank cách đây 2 tuần cũng đã phân phối thành công 10.000 tỷ đồng trái phiếu cho hơn 5.000 nhà đầu tư. Lô trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Agribank có lãi suất năm đầu lên tới gần 6,7%/năm. Các năm sau lãi tiền gửi 12T+2%.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt nam phát hành 150 tỷ đồng lãi suất năm đầu 5,9%, các năm sau lãi tiền gửi 12T+1,2%.
Thực tế, hoạt động chính của nhà băng là "buôn tiền", tức là huy động vốn và cho vay. So với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 4,8 - 6%/năm như hiện tại, trái phiếu có chi phí vốn đắt đỏ hơn, nhưng các nhà băng vẫn đẩy mạnh kênh huy động này trong thời gian qua.
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, nguyên nhân các ngân hàng phát hành trái phiếu mạnh được cho là do trái phiếu thường có thời gian đáo hạn lên đến vài năm, còn gửi tiết kiệm, kỳ hạn gửi có thể ngắn hơn, thường theo tháng. Trong khi đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay dần phục hồi, thị trường bất động sản bắt đầu ấm dần, nhu cầu mở rộng sản xuất - kinh doanh đang tích cực theo đà phục hồi của nền kinh tế. Khách hàng có xu hướng vay vốn kỳ hạn dài. Do đó, trái phiếu là kênh huy động dài hạn, giúp các nhà băng đảm bảo cấu trúc vốn theo quy định. Từ cuối năm ngoái, các nhà băng phải giảm tỷ lệ tối đa dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn về 30%, thay vì 34% như trước.
Bên cạnh đó, kênh trái phiếu giúp các nhà băng tăng vốn tự có, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn (tỷ lệ CAR). Bởi, trái phiếu giúp ngân hàng huy động vốn cấp 2 (vốn bổ sung) với giá trị lớn để mở rộng hoạt động mà không cần giảm tỷ lệ sở hữu qua phát hành cổ phiếu.
Nhìn vào số lượng trái phiếu phát hành trong tháng 8 có thể thấy 40% là trái phiếu thứ cấp đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2. Các trái phiếu vốn cấp 2 này có kỳ hạn trung bình 8,1 năm và lãi suất từ 5,5% đến 7,6% trong năm đầu tiên. Các trái phiếu khác là trái phiếu không có tài sản đảm bảo với kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định từ 5,2% đến 7,7%.
Ngoài ra, theo quy định, tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động phải dưới 85%. Trong khi đó, huy động tiền gửi của các ngân hàng tăng chậm lại do mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp, vì thế, nhiều ngân hàng buộc xoay qua kênh trái phiếu để bổ sung cơ cấu vốn trung, dài hạn và dùng nguồn lực này tài trợ các dự án.
Các chuyên gia của Công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho biết, tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng tăng tốc từ tháng 6, báo hiệu sự phục hồi của nhu cầu vay vốn cũng như phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới. Do đó, khối ngân hàng sẽ tiếp tục tăng phát hành trái phiếu trong thời gian còn lại của năm nay, nhằm có thêm vốn trung, dài hạn trên 3 năm khi tăng trưởng tín dụng dần khởi sắc.
Còn đơn vị xếp hạng tín nhiệm VIS Rating dự báo 1-3 năm tới, các ngân hàng sẽ cần khoảng 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2. Nguồn lực này sẽ hỗ trợ các nhà băng tăng vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn.
Hiện, nhiều nhà băng đã đăng ký hoặc dự kiến phát hành thêm các lô trái phiếu từ nay tới cuối năm. Trong đó, BIDV đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý III và IV với tổng giá trị tối đa 4.000 tỷ đồng, kỳ hạn trên 5 năm; ACB cũng đã chốt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị tối đa 15.000 tỷ đồng, kỳ hạn tối đa 5 năm; LPBank kỳ vọng huy động khoảng 6.000 tỷ đồng, SHB khoảng 5.000 tỷ đồng...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường