Rút cả chục nghìn tỉ, khối ngoại tái định vị chiến lược đầu tư ở Việt Nam?
Đà bán ròng chưa có dấu hiệu dừng lại của khối ngoại đã khiến thị trường chứng khoán trong nước thiếu đi lực hỗ trợ quan trọng. Chỉ số VN-Index loay hoay quanh mức 1.100 điểm suốt 2 tháng nay.
Đà xả hàng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa dừng lại khi bước sang phiên thứ 13 liên tiếp. Kết phiên giao dịch hôm nay 15.12, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.468 tỉ đồng trên sàn HOSE, cao nhất 8 phiên gần đây trong bối cảnh VN-Index có 3 cây nến đỏ nối nhau.
Tính chung cả tuần, họ bán ròng đột biến với giá trị 3.461 tỉ đồng trên HOSE, tập trung ở nhóm ngân hàng, thép, bất động sản. Ngược lại họ mua ròng trên HNX với giá trị 154 tỉ đồng. Từ đầu tháng 12, khối ngoại đã bán ròng hơn 6.582 tỉ đồng trên HOSE. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, họ bán ròng gần 21 nghìn tỉ đồng, bỏ xa giá trị bán ròng trong cả năm 2020 (khoảng 15 nghìn tỉ đồng).
Tuy nhiên, khi nhìn chi tiết vào các cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài chỉ tập trung cục bộ ở 3 mã EIB (-5 nghìn tỉ đồng), VPB (-3 nghìn tỉ đồng) và MWG (-3,2 nghìn tỉ đồng). Trong khi đó, ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh gần 900 tỉ đồng ở nhóm tài nguyên cơ bản trong tháng 11 và lũy kế mua ròng hơn 6 nghìn tỉ đồng ở nhóm này từ đầu năm. Khối ngoại cũng tiếp tục mua ròng ở các các nhóm khác như hóa chất, vật liệu xây dựng và dầu khí trong 2 tháng gần đây.
Theo thống kê, giá trị bán ròng của khối ngoại trên thị trường Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các thị trường khác nếu tính cho 11 tháng năm 2023. Cụ thể, trong khu vực Đông Nam Á, xu hướng rút ròng nổi bật ở thị trường Thái Lan lên tới 5,4 tỉ USD so với mức rút ròng tại Việt Nam, Indonesia (-877 triệu USD), Philippin (-855 triệu USD). Dòng tiền đầu tư toàn cầu năm 2023 vào mạnh các thị trường lớn như Mỹ và Nhật bản và rút mạnh ở thị trường Trung Quốc.
Trao đổi với Lao Động, bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research), Công ty Chứng khoán SSI - lý giải, tại thị trường Việt Nam, khối ngoại bán ròng mạnh đến từ sự đảo chiều rút ròng từ các quỹ ETF và xu hướng rút ròng chung của các quỹ đầu tư đa quốc gia rút khỏi các thị trường mới nổi, trong khi nhóm quỹ chủ động ở Việt Nam gần như chỉ rút ròng nhẹ trong 4 tháng qua.
“Nguyên nhân tới từ chênh lệch lãi suất thực của Mỹ và các quốc gia còn lại, bên cạnh chính sách tiền tệ của Việt Nam phân kỳ với chính sách tiền tệ của Mỹ và một phần đến từ hoạt động chốt lời sau giai đoạn mua ròng mạnh ở 3 tháng 11.2022, 12.2022 và tháng 1.2023 với tổng giá trị lên đến 32,5 nghìn tỉ đồng.
Cũng có thể thấy khối ngoại bán ròng từ đầu năm đến nay tập trung ở một số mã cổ phiếu nhất định và cũng phản ánh phần nào hoạt động tái cơ cấu danh mục. Điều này có thể tạo dư địa cho kỳ vọng về trung hạn khi dòng tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam khi được hưởng lợi trở lại từ xu hướng chuyển dịch sang thị trường đang phát triển trong bối cảnh xu hướng cắt giảm lãi suất rõ ràng và mạnh mẽ hơn” - bà Phương nhấn mạnh.
Bổ sung thêm, chuyên gia từ SGI Capital cho thấy những chỉ báo như Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS), lợi suất trái phiếu của Chính phủ Việt Nam hiện đều ổn định và tích cực, không thể hiện những rủi ro mang tính hệ thống của Việt Nam. Do đó, điều này mở ra cơ hội đầu tư tốt ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã giảm giá sâu dưới áp lực bán ròng của khối ngoại. Nhìn vào dữ liệu trong giai đoạn năm 2020 - 2021 khi lãi suất giảm mạnh tương tự như hiện nay, khối ngoại cũng liên tục bán ròng nhưng sự tham gia tích cực từ dòng tiền nội đã đưa VN-Index lên những đỉnh cao mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận