Phiên sáng 26/8: Nhà đầu tư run sợ, thị trường giảm sâu
Giống như giới đầu tư toàn cầu, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng run sợ trước cuộc chiến thương mại leo thang.
Thị trường tiếp tục có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp nhưng cũng giống đợt tăng trước đây, việc tiệm cận ngưỡng kháng cự mạnh 1.000 điểm khiến VN-Index trở nên rung lắc mạnh hơn.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco, hiện thị trường đang trong vùng trũng thông tin và giao dịch tương quan mạnh lên với thị trường chứng khoán thế giới. Với việc chứng khoán thế giới đang biến động khá mạnh thì khả năng sang tuần VN-Index tiếp tục rung lắc là dễ xảy ra. Thông thường, nếu rung lắc tiếp diễn quá dài, đà tăng ngắn hạn rất khó tiếp diễn và rủi ro dần gia tăng.
Trong khi đó, ở thị trường quốc tế, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang lên mức độ mới. Cụ thể, ngay sau khi Trung Quốc thông báo đánh thuế 5% với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ kể từ ngày 1/9, ông Trump đã quyết định tăng thuế từ 25% lên 30% với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng thời áp thuế 15% với 300 tỷ USD hàng hóa khác từ ngày 1/10 tới thay vì mức 10% như thông báo hôm 1/8. Thông tin này đã tác động mạnh tới thị trường, khiến giới đầu tư hoảng loạn, đã ồ ạt bán tháo, đẩy phố Wall lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần (23/8).
Những diễn biến tiêu cực ở thị trường quốc tế đã tác động khá mạnh tới chứng khoán trong nước. Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần 26/8, áp lực bán diễn ra khá mạnh khiến thị trường mở cửa trong sắc đỏ.
Chỉ số VN-Index ngày càng nới rộng biên độ giảm trước áp lực bán gia tăng. Sau hơn 1 giờ giao dịch, trên sàn HOSE, số mã giảm đã gấp hơn 3 lần số mã tăng, trong đó nhóm VN30 cũng hầu hết đều giao dịch dưới mốc tham chiếu, đáng kể các mã lớn như VNM, VIC, VHM, VCB… là lực cản chính, khiến VN-Index lùi về sát mốc 980 điểm.
Trái với giao dịch thiếu tích cực của thị trường nói chung, nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ vẫn có nhiều điểm sáng, như ITA, KBC, DXG, DIG… đều khởi sắc với khối lượng khớp lệnh một vài triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp với các mã NTC, BCM, SZL, SNZ, SZC… cũng đi ngược xu hướng chung.
Sau diễn biến lình xình đi ngang trên mốc 980 điểm, lực bán giá thấp gia tăng và lan rộng, trong đó nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục gia tăng sức ép, khiến chỉ số VN-Index chính thức chia tay ngưỡng kháng cự này trong phiên giao dịch sáng.
Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE đang là gánh nặng chính của thị trường, với VNM giảm 2% xuống 120.500 đồng/CP, VIC giảm 1% xuống 123.700 đồng/CP, VHM giảm 1,8% xuống 85.400 đồng/CP, VCB giảm 1,6% xuống 77.900 đồng/CP, TCB giảm 2,8% xuống 21.050 đồng/CP, GAS giảm 2,4% xuống 101.500 đồng/CP, MSN giảm 2,2% xuống 75.300 đồng/CP, BID, CTG và SAB cũng giảm trên dưới 1%.
Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu MBB vẫn duy trì đà tăng nhẹ nhờ lực cầu sôi động. Với mức tăng 0,9%, cổ phiếu MBB tạm đứng tại mức giá 22.850 đồng/CP và đứng đầu về thanh khoản với 9,25 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Mặt khác, sau 2 phiên hồi phục cuối tuần trước, ROS trở lại với sắc đỏ quen thuộc và giảm sâu hơn bởi lực bán lớn. Cụ thể, ROS giảm 4,1% xuống mức 25.500 đồng/CP và thanh khoản giảm mạnh, chỉ gần 3,42 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, ITA vẫn tăng nhẹ 1,2% lên 3.270 đồng/CP và khớp 2,86 triệu đơn vị; DXG tăng 2,9% lên 14.150 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị; KBC tăng 1,6% lên 15.750 đồng/CP và khớp 1,92 triệu đơn vị…
Trên sàn HNX, áp lực bán cũng đang cao khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, chỉ số HNX-Index bị đẩy về mức thấp nhất khi chốt phiên.
Tương tự sàn HOSE, các mã lớn trên sàn HNX cũng là tác nhân chính đẩy thị trường đi xuống. Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, chỉ còn duy nhât VCG tăng nhẹ 0,4% lên 26.300 đồng/CP, còn lại đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.
Đáng kể, ACB giảm 1,8% xuống 22.200 đồng/CP, SHB giảm 1,6% xuống 6.200 đồng/CP, NTP giảm 1,3% xuống 38.000 đồng/CP, PVS giảm 2,4% xuống mức thấp nhất 20.500 đồng/CP, PVI giảm 2,9% xuống 37.300 đồng/CP.
Cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản là PVS với khối lượng khớp 1,75 triệu đơn vị; tiếp theo đó là SHB khớp 1,56 triệu đơn vị và PVX khớp 1,12 triệu đơn vị.
Tương tự, giao dịch thiếu tích cực cũng diễn ra trên UPCoM.
Không có mã nào giao dịch trên 1 triệu đơn vị. Cặp đôi QNS và GVR dẫn đầu với khối lượng giao dịch lần lượt 628.300 cổ phiếu và 612.000 cổ phiếu. Chốt phiên, QNS và GVR đều đứng giá tham chiếu.
Tiếp theo đó, BSR đã chuyển nhượng thành công 571.100 cổ phiếu và chốt phiên giảm 1,1%, tạm đứng tại mức giá 9.300 đồng/CP.
T.Thúy
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận