Petrolimex đặt kế hoạch lãi trước thuế 2020 giảm đến 72%
Dự báo tình hình khó khăn, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) đặt kế hoạch lãi trước thuế năm 2020 ở mức 1,570 tỷ đồng, giảm đến 72% so với thực hiện năm 2019.
Theo PLX, thị trường xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục được vận hành theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, mức độ cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng khốc liệt. Cùng với đó, nguồn cung trong nước đi vào ổn định sẽ tác động mạnh đến thị trường xăng dầu trong nước và 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (của PLX) ở nước ngoài là PLS và PLL vào năm 2020.
Từ ngày 01/01/2020, việc sử dụng nhiên liệu hàng hải mới theo quy định của Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) sẽ khiến giá nhiên liệu mới được thay thế dự kiến tăng 50% so với giá nhiên liệu cũ, làm chi phí vận tải đường biển năm 2020 tăng mạnh so với năm 2019 (khoảng 300 tỷ đồng).
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, PLX dự báo năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của Công ty sẽ hết sức khó khăn. HĐQT đề ra kế hoạch doanh thu 122,000 tỷ đồng và lãi trước thuế 1,570 tỷ đồng, lần lượt giảm 36% và 72% so với thực hiện năm trước (các chỉ tiêu kế hoạch nêu trên được tính toán dựa trên kịch bản dịch Covid-19 được khống chế cuối quý 2/2020, giá thành phẩm các mặt hàng xăng dầu 6 tháng cuối năm được dự báo ở mức: Xăng 42 USD/thùng, Do 47 USD/thùng, Ko 44 USD/thùng; Fo 250 USD/tấn).
Trong năm 2020, PLX chú trọng việc đảm bảo đủ nguồn hàng trong mọi tình huống, tạo nguồn từ 2 Nhà máy lọc dầu trong nước; đẩy mạnh mạnh hoạt động pha chế; tổ chức thay thế, tiêu thu hiệu quả nhiên liệu hàng hải mới; tiếp tục kinh doanh các sản phẩm xăng dầu có chất lượng cao (DO-V) và các sản phẩm nhiên liệu sinh học; thúc đẩy cơ chế xuất khẩu xăng dầu; nghiên cứu các giải pháp tận dụng, gia tăng tiện ích tại cửa hàng xăng dầu; tiếp tục triển khai các giải pháp gia tăng sản lượng bán lẻ đồng bộ với việc triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
Công ty dự kiến đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm: Petrolimex Tower, Kho xăng dầu Thanh Hóa, Kho xăng dầu Phú Thị, Bến xuất Kho xăng dầu Hải Dương,…
Về phân phối lợi nhuận, HĐQT của PLX đề ra phương án chi trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 30%. Lợi nhuận sau thuế còn lại hơn 866 tỷ đồng.
Lỗ nặng trong quý 1, muốn bán ra 15 triệu cp quỹ
Giữa bối cảnh giá xăng giảm kỷ lục trong thời gian qua, quý 1/2020, doanh thu thuần của PLX giảm 8% so với cùng kỳ, ghi nhận 38,478 tỷ đồng; biên lãi gộp cũng co lại chỉ còn 1.17%, trong khi cùng kỳ ở mức 9%. Kết quả, PLX báo lỗ ròng đến 1,893 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi trên 1,200 tỷ đồng.
Như vậy, PLX trở thành một trong số các doanh nghiệp thua lỗ hơn 1,000 tỷ đồng trong quý 1 năm nay, bên cạnh Vietnam Airlines (HVN), Tập đoàn FLC (FLC) và Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR).
Kết quả kinh doanh của PLX qua các quý. Đvt: Triệu đồng
Nguồn: VietstockFinance
Nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh và đầu tư phát triển, mới đây, HĐQT của PLX đưa ra phương án bán cổ phiếu quỹ. Cụ thể, Công ty sẽ bán ra 15 triệu cp quỹ (chiếm 1.16% khối lượng cổ phiếu niêm yết) trong khoảng thời gian từ ngày 16/06-15/07/2020. Trước giao dịch, số lượng cổ phiếu quỹ của PLX đang ở mức 103 triệu cp (chiếm 7.96% khối lượng cổ phiếu niêm yết).
Trên thị trường, giá cổ phiếu PLX vẫn trên đà hồi phục kể từ đáy hồi tháng 3/2020. Trong phiên sáng 19/06, cổ phiếu này đang được giao dịch quanh mức giá 46,200 đồng/cp, tăng 35% từ đáy.
Diễn biến giá cổ phiếu PLX trong năm 2020
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận