Những doanh nghiệp không vay ngân hàng vẫn tăng trưởng 3 năm liên tiếp
Trong khi nhiều doanh nghiệp lao đao với nợ vay trong môi trường lãi suất tăng cao, một số khác vẫn “bình chân như vại” nhờ không dùng đòn bẩy, thậm chí còn có kết quả tăng trưởng nhiều năm liên tiếp.
Trong kinh doanh, vay nợ được xem là cách giúp các doanh nghiệp tăng trưởng vượt bậc và tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường. Đổi lại, những doanh nghiệp vay nợ nhiều sẽ gặp rắc rối nếu xảy ra những rủi ro bất chợt (COVID-19) hay những rủi ro về dòng tiền. Có lẽ vì thế mà một số doanh nghiệp đã không muốn dùng đến phương án này, nhằm hạn chế tối đa những rủi ro ngoài ý muốn.
Thậm chí, một số doanh nghiệp với nội lực mạnh cùng lượng tiền mặt dồi dào vẫn tạo ra kết quả tăng trưởng trong 3 năm liên tiếp. Kết quả này sẽ càng ấn tượng hơn nếu xét tới bối cảnh vĩ mô bấp bênh trong 3 năm qua, từ đại dịch COVID-19 cho tới lạm phát và lãi suất tăng mạnh.
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, trên cả 3 sàn chứng khoán, có 15 doanh nghiệp không vay nợ tài chính trong giai đoạn 2020 - 2022 nhưng vẫn báo lãi tăng trưởng liên tiếp.
Không vay nợ vẫn lãi ròng tăng 3 năm liền
Đvt: Tỷ đồng
Điển hình là CTCP Đại lý Vận tải SAFI (HOSE: SFI) không hề vay nợ trong 3 năm, nhưng lợi nhuận vẫn tăng trưởng liên tục. Trong năm 2022, công ty chuyên về vận tải biển này ghi nhận lãi ròng 215 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ. ROE hơn 30% và EPS ở mức 12,842 tỷ đồng.
CTCP Cảng Quảng Ninh (UPCoM: CQN) cũng là cái tên sáng giá trong việc độc lập tài chính và hoạt động hiệu quả nhiều năm qua. Trong giai đoạn 2019 - 2022, lợi nhuận ròng của CQN liên tục tăng, từ 67 tỷ đồng (năm 2019) lên 95 tỷ đồng (năm 2022). ROE của Cảng Quảng Ninh ở mức từ 9% - 10%. Tuy nhiên, trên thị trường, Công ty này không được nhiều nhà đầu tư chú ý với thanh khoản thấp và giá cổ phiếu đang đi ngang ở mức 18,000 đồng/cp.
Một trường hợp khác là Tổng Công ty Chuyển phát nhanh Bưu Điện - CTCP (UPCoM: EMS). Lợi nhuận của hãng chuyển phát nhanh này liên tục tăng trưởng kể từ khi lên sàn vào năm 2015. Trong năm 2022, EMS lãi ròng 71 tỷ đồng và ROE hơn 24%.
Nếu không tính năm 2020 chịu tác động của đại dịch COVID-19, vẫn có nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả tăng trưởng dù không vay tài chính.
Không vay nợ tài chính, tăng trưởng trong 2 năm
Đvt: Tỷ đồng
Như CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HOSE: SCS), sau khi chững lại vào năm 2020, doanh nghiệp này lập tức trở lại mạnh mẽ trong năm 2021, vì dịch bệnh thúc đẩy hoạt động vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không. Trong năm 2022, SCS lãi ròng 646 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ. SCS cũng gây chú ý với biên lợi nhuận gộp cực cao, lên tới 82% và ROE ở mức 45 - 50%.
Các doanh nghiệp kể trên xứng đáng được ghi nhận vì nỗ lực xoay sở không ngừng trong những năm bất ổn vừa qua mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được. Họ đã có thể “ăn ngon ngủ yên” trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận