24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Minh Thu.
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những cổ phiếu lần đầu lên sàn chứng khoán vào năm 2022 hiện giờ ra sao?

Năm 2022, cả ba sàn HoSE, HNX và UPCoM không đón thêm nhiều "tân binh" mới, chỉ có một vài "gương mặt" lần đầu đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán...

HoSE chào đón 2 "tân binh" mới trong năm 2022

CTCP Minh Hưng Quảng Trị (HOSE: GMH)

Sàn HoSE trong năm 2022 chỉ ghi nhận hai mã cổ phiếu lần đầu niêm yết và giao dịch. Ngày 12/1/2022, thành viên đầu tiên của HOSE trong năm mới 2022 là cổ phiếu GMH của Công ty CP Minh Hưng Quảng Trị sẽ chào sàn với số lượng chứng khoán niêm yết là 16,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị 165 tỷ đồng. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của GMH là 22.000 đồng/cp, tương ứng định giá công ty khoảng 360 tỷ đồng. Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20% so với giá tham chiếu.

Tuy nhiên, không như mong đợi, cổ phiếu GMH chỉ tăng trần vào phiên 13/1 rồi quay đầu giảm sàn 6 phiên liên tiếp. Cổ phiếu trong suốt năm qua gần như chìm trong xu hướng giảm giá, hiện kết phiên 30/12 chỉ còn 9.680 đồng/cp, cũng là vùng giá thấp nhất từng ghi nhận, tương ứng mất tới 56% giá trị.

Công ty CP Tập đoàn 911 (mã NO1)

Đến ngày 28/11/2022, HOSE tổ chức Lễ trao quyết định niêm yết và đưa 24 triệu cổ phiếu (giá trị chứng khoán niêm yết là 240 tỷ đồng) của Công ty CP Tập đoàn 911 (mã NO1) vào giao dịch.

Được biết, giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên của số cổ phiếu này là 10.000 đồng/đơn vị; biên độ dao động giá +/-20%. Kết phiên giao dịch ngày 28/11, cổ phiếu NO1 tăng 4,5% lên mức 10.450 đồng/cp; khớp lệnh đến cuối phiên đạt hơn 680.000 đơn vị.

Trên thị trường, cổ phiếu NO1 chỉ sau 1 tháng giao dịch trên HoSE đã giảm xuống mức 9.000 đồng/cp chốt phiên 30/12, tương ứng mất hơn 10%.

Về tình hình kinh doanh, quý 3/2022, NO1 ghi nhận doanh thu thuần và lãi sau thuế đồng loạt tăng trưởng mạnh, lần lượt đạt gần 849 tỷ đồng (gấp gần 6 lần) và hơn 26,6 tỷ đồng (gấp 8,4 lần cùng kỳ năm trước).

Theo giải trình của Công ty, doanh thu tăng mạnh do NO1 ký kết hợp đồng bán 60 máy xúc đào bánh xích của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng TPC để phục vụ Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh - Vinhomes Hạ Long Xanh, do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, với giá trị gần 754 tỷ đồng vào ngày 27/5.

Đến ngày 9/8/2022, Công ty bàn giao xong số lượng máy xúc đào trên và ghi nhận doanh thu gần 754 tỷ đồng, chiếm 88,83% tổng doanh thu. Việc ghi nhận doanh thu từ hợp đồng với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng TPC đã làm doanh thu quý 3 tăng lên gấp gần 6 lần quý 3/2021 và gấp 2,25 lần doanh thu 6 tháng đầu năm 2022.

Tính chung 9 tháng năm 2022, NO1 có doanh thu thuần gần 1.149 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ, nên lợi nhuận sau thuế đạt hơn 37 tỷ đồng, gấp 3,6 lần.

Năm 2022, Công ty đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế lần lượt 800 tỷ đồng và 22 tỷ đồng, tăng hơn 48% và 57% so với năm 2021. Sau 9 tháng, Công ty đã vượt 44% chỉ tiêu doanh thu và vượt 68% kế hoạch lợi nhuận năm.

Cổ phiếu chuyển giao dịch tại UPCoM lên HoSE

CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV)

Ngoài ra, năm 2022 còn ghi nhận một vài cái tên lớn đã thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE sau khi hủy đăng ký tại sàn UPCoM. Cụ thể, toàn bộ 267 triệu cổ phiếu HHV của Công ty CP Đầu tư hạ tầng Giao thông Đèo Cả bắt đầu được niêm yết và chính thức giao dịch trên HoSE từ 20/1/2022. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 25.660 đồng/cổ phiếu. Trước đó, mã chứng khoán này đã đăng ký giao dịch trên Upcom từ tháng 12/2015.

Tuy nhiên, thị giá HHV không thể vượt qua áp lực điều chỉnh của thị trường, cổ phiếu HHV có thời điểm thậm chí xuống đáy giá hơn 5 năm trước khi hồi phục đôi chút lên mức 8.950 đồng/cp. Tại mức thị giá hiện tại, HHV bay 65% giá trị kể từ khi niêm yết HoSE, vốn hóa cũng mất gần 4.500 tỷ đồng sau chưa đầy 1 năm.

Về tình hình kinh doanh, luỹ kế 9 tháng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Đèo Cả đều tăng trưởng; cụ thể lần lượt tăng 19% và 9,5%, đạt 1.478 tỷ đồng và 240 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 59% kế hoạch doanh thu và 61% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.

Về tài sản, tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Đèo Cả đạt 35.020 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm. Trong đó, tài sản cố định chiếm tỷ trọng lớn nhất là 28.562 tỷ đồng (chiếm 82%). Khoản tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn (tiền gửi có kỳ hạn, trái phiếu) đạt 497 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nguồn vốn của Đèo Cả, tổng dư nợ vay là 20.836 tỷ đồng, chiếm 59% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 297 tỷ đồng, còn nợ vay dài hạn là 20.539 tỷ đồng. Hiện, công ty vay Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank) 19.357 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) 960 tỷ đồng.

Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel (HOSE: CTR)

Sáng tháng 2, toàn bộ hơn 92,92 triệu cổ phiếu CTR của Tổng Công ty Công trình Viettel sẽ được niêm yết trên HOSE từ 23/2/2022 với giá tham chiếu 85.400 đồng/cp. Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên +-20%.

Toàn bộ hơn 92,92 triệu cổ phiếu CTR đã được hủy đăng ký giao dịch trên UpCOM từ 15/2 để chuyển niêm yết sang HOSE. Chốt phiên giao dịch cuối cùng trên UpCOM ngày 14/2, cổ phiếu CTR đứng mức 87.000 đồng.

Sau khoảng 10 tháng niêm yết trên HoSE, cổ phiếu CTR hiện giảm còn 50.400 đồng/cp, tương ứng mất 41% giá trị. Thậm chí so với đỉnh hơn 96.000 đồng hồi tháng 4 năm nay thì CTR chỉ còn phân nửa thị giá.

Diễn biến cổ phiếu có phần trái ngược với kết quả kinh doanh khi lũy kế 9 tháng đầu năm, Viettel Construction ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.830 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 320 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong quý 3, doanh thu CTR đạt hơn 2.605 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ và là mức kỷ lục kể từ khi hoạt động.

CTCP Gỗ An Cường (HOSE: ACG)

Tới tháng 8, 135,8 triệu cổ phiếu ACG của Công ty CP Gỗ An Cường chính thức niêm yết trên HOSE và bắt đầu giao dịch vào ngày 10/10 với giá tham chiếu phiên đầu là 67.300 đồng/cp. Cùng cảnh ngộ, kết phiên giao dịch ngày 30/12, giá cổ phiếu ACG còn 35.400 đồng, giảm 47% so với mức giá khi chào sản. Vốn hóa công ty chỉ còn hơn 4.800 tỷ đồng.

Trong chia sẻ gần đây, ông Lê Đức Nghĩa – Chủ tịch HĐQT ACG cho biết giá cổ phiếu của An Cường trên sàn chứng khoán đang không phản ánh đúng giá trị công ty. Theo Chủ tịch của An Cường, trong thời gian qua, triển vọng ngành gỗ nói chung cũng bị đánh giá tiêu cực đã làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư chứng khoán và cổ phiếu của An Cường cũng bị ảnh hưởng theo diễn biến chung. Bên cạnh đó là tình trạng cơ cấu cổ đông cô đặc.

HNX đón 3 cổ phiếu mới và 3 mã chuyển sàn

CTCP Đá Hoàng Mai (HNX: HMR)

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) năm qua cũng đón thêm 3 cổ phiếu niêm yết mới. Đầu tiên là mã HMR của Công ty CP Đá Hoàng Mai với phiên giao dịch đầu tiên vào 13/1 với giá tham chiếu 15.700 đồng/cp. Sau gần 1 năm, thị giá HMR giảm còn chưa tới một nửa, hiện đạt 6.400 đồng/cp. Với hơn 5,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa HMR còn gần 36 tỷ, mất 52 tỷ đồng so với ban đầu.

CTCP Dược liệu Việt Nam (HNX: DVM) và CTCP Nhựa Picomat (HNX: PCH)

Cùng trong tháng 7, cổ phiếu DVM của Công ty CP Dược liệu Việt Nam và PCH của Công ty CP Nhựa Picomat đã chính thức chào sàn HNX. DVM niêm yết gần 36 triệu đơn vị với giá tham chiếu chào sàn là 18.000 đồng/cp; trong khi 20 triệu cổ phiếu PCH bắt đầu giao dịch trong 28/7 với giá tham chiếu 11.000 đồng/cp.

Tuy nhiên, nửa năm sau ngày chào sàn, DVM và PCH ghi nhận cùng một kịch bản khi thị giá DVM giảm 29% xuống mức 12.800 đồng/cp còn PCH giảm 55% còn 5.100 đồng/cp.

Ngoài ra, trong năm 2022, có ba mã chứng khoán chuyển sàn giao dịch từ UPCoM sang HNX gồm TOT của Transimex Logistics, SPC của Bảo vệ Thực vật Sài Gòn và TKG của Sản xuất và Thương mại Tùng Khánh.

9 "tân binh" ra nhập thị trường UPCOM

CTCP Big Invest Group (UPCoM: BIG)

Tại sàn UPCoM, 9 cổ phiếu đã thực hiện đăng ký giao dịch mới trong cả năm 2022. Đáng chú ý là mã chứng khoán BIG của Công ty CP Big Invest Group với phiên giao dịch đầu tiên vào 10/1, giá tham chiếu 10.900 đồng/cp. BIG xuất phát điểm là công ty chuyên kinh doanh bất động sản, sự kiện và vật liệu xây dựng. Sáng lập là ông Võ Phi Nhật Huy - cái tên được chú ý từ hồi năm 2017 khi cộng đồng mạng lan truyền hình ảnh chụp văn phòng Tập đoàn Big Group với tầm nhìn: "Năm 2020 - IPO tại Tp.HCM 500 triệu USD; Năm 2025 - IPO tại New York 200 tỷ USD".

Tuy nhiên, sau 1 năm giao dịch UPCoM, cổ phiếu BIG chỉ có phút huy hoàng ngắn ngủi ngay khi chào sàn với 6 phiên tăng kịch trần, rồi quay đầu lao dốc, chốt phiên 30/12 thị giá chỉ đạt 9.400 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường vỏn vẹn chưa tới 46 tỷ đồng.

CTCP Thiết bị điện Gelex (UPCoM: GEE)

Tương tự, cổ phiếu GEE của Công ty CP Thiết bị Điện Gelex gây chú ý khi vừa chào sàn UPCoM bởi đà tăng gấp đôi chỉ sau 5 phiên đầu. Tuy nhiên, đà tăng hạ nhiệt rồi thị giá GEE quay đầu giảm sâu, chốt phiên 30/12, GEE đang đứng tại mức 31.000 đồng/cp, cao hơn so với giá tham chiếu 25.000 đồng của phiên đầu tiên. Tuy nhiên, thấp hơn so với mức đỉnh 44.850 đồng từng đạt được.

Ngoài lượng cổ phiếu niêm yết sụt giảm, cũng dễ hiểu khi không ít các doanh nghiệp "bỏ ngỏ" kế hoạch niêm yết cổ phiếu như Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (mã chứng khoán: CSI), HĐQT Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG) hay Công ty CP Sơn Á Đông (mã chứng khoán: ADP)

VNG (Vinagame) rục rịch lên UPCoM

Ảm đạm trong năm 2022, nhưng thông tin Công ty CP VNG (Vinagame) - “kỳ lân” công nghệ của Việt Nam rục rịch chuẩn bị đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM lại hứa hẹn sẽ tạo ra điểm nhấn đáng chú ý của hoạt động chào sàn năm 2023.

Thông tin từ HNX, Công ty CP VNG đăng ký giao dịch 35,8 triệu cổ phiếu VNZ trên sàn UPCoM từ ngày 5/1/2023, trong đó 28,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành và 7,1 triệu cổ phiếu quỹ. Mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VNZ là 240.000 đồng/cp. Nếu tính theo mức giá này, VNG có vốn hóa 8.592 tỷ đồng (tương đương gần 350 triệu USD).

Với mức giá tham chiếu 240.000 đồng/cp, cổ phiếu VNZ của VNG sẽ trở thành một trong những cổ phiếu có giá lên sàn cao nhất từ trước tới nay, chỉ sau YEG của Yeah 1 (250.000 đồng/cp), bỏ xa những cổ phiếu bluechips hàng đầu của chứng khoán Việt Nam như SAB của bia Sài Gòn, VNM của Vinamilk, VIC của Tập đoàn Vingroup…

Doanh nghiệp này cũng vừa hoàn tất họp cổ đông và thống nhất sẽ bán toàn bộ hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ VNG đang nắm giữ (chiếm 24,74% lượng cổ phiếu đang lưu hành), với giá bán bình quân là 177.881 đồng/cổ phiếu.

Dù chỉ có quy mô vốn điều lệ khiêm tốn (358 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu của VNG tại ngày 30/9 xấp xỉ 5.580 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường tính theo mức giá bán cổ phiếu quỹ xấp xỉ 6.376 tỷ đồng, nhưng đạt tới 2,2 tỷ USD nếu tính theo mức giá mà Temasek Holdings - quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore đã mua năm 2019.

Doanh nghiệp lớn ngành công nghệ thông tin lên sàn là điều mong đợi của giới đầu tư. Tuy nhiên, thực tế, đây cũng là trách nhiệm VNG cần làm khi đã trở thành công ty đại chúng. Theo quy định hiện hành, công ty đại chúng có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do trên 100 nhà đầu tư nhỏ nắm giữ sẽ phải đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
11.00 +0.10 (+0.92%)
39.75 -0.75 (-1.85%)
118.90 -0.70 (-0.59%)
8.06 +0.02 (+0.25%)
13.30 +0.40 (+3.10%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả