Nhìn lại đà tăng của loạt cổ phiếu hot nửa đầu năm 2024
Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng 13%, đi cùng với đó loạt cổ phiếu cũng ghi nhận đà tăng trưởng mạnh nhờ hỗ trợ từ câu chuyện tình hình tài chính phục hồi.
Lực bán tăng vọt trong ít phút cuối phiên 14/6 vừa qua đã khiến VN-Index mất mốc 1.300 điểm-vùng đỉnh mà phải sau 2 năm mới thiết lập được và lùi về mức 1.279 điểm. Dù vậy nếu tính từ đầu năm đến nay, chỉ số chính đã tăng 13%, đi cùng với đó loạt cổ phiếu cũng ghi nhận đà tăng trưởng mạnh nhờ hỗ trợ từ câu chuyện tình hình tài chính phục hồi.
Cái tên đầu tiên phải kể đến là cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP gây ấn tượng với mức tăng đạt gần 150% (tính từ đầu năm đến phiên 14/6).
Theo báo cáo tài chính quý I/2024, cả doanh thu và lợi nhuận của Vietnam Airlines đạt kỷ lục trong bối cảnh thị trường phục hồi. Doanh thu thuần đạt gần 28.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức doanh thu một quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines cổ phần hóa vào năm 2015.
Cùng với đó, các công ty con kinh doanh có lãi cũng đóng góp vào sự tăng trưởng của hãng bay này. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn nhẹ gánh với khoản nợ của Pacific Airlines khi công ty này được xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay.
Nhờ vậy, hãng hàng không quốc gia lần đầu ngắt mạch lỗ sau 16 quý liên tiếp, với lãi hợp nhất sau thuế 4.441 tỷ đồng.
Cùng với đó, phải nhắc đến các cổ phiếu nhóm FPT gồm CTCP Tập đoàn FPT (HoSE: FPT), CTCP Viễn thông FPT (UPCOM: FOX), CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - HoSE: FRT), FOC của CTCP Dịch vụ Trực tuyến FPT đều đạt mức đỉnh cao lịch sử trong năm 2024. Dữ liệu cho thấy FRT đã tăng hơn 65%, FPT và FOX tăng lần lượt 37% và 111,8%, còn FOC tăng 49% lên vùng giá sát 101.500 đồng/CP (phiên ngày 14/6).
3 cổ phiếu FPT, FOX và FOC tăng mạnh nhờ kỳ vọng của giới đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, trong bối cảnh cả thế giới đang trong cuộc chạy đua về công nghệ.
Về phía FRT, doanh nghiệp này hưởng lợi nhờ tín hiệu kinh doanh tốt của mảng dược, sự mở rộng sang mảng vắc xin và mạng di động ảo, giúp thị giá FRT liên tục phá đỉnh. Theo đánh giá từ SSI Research, với chi phí vay thấp hơn, FRT có thể đẩy nhanh tốc độ mở mới cho chuỗi Long Châu để giành thị phần trong bối cảnh đối thủ An Khang và Pharmacity vẫn đang chật vật với mô hình kinh doanh hiện tại. Quy mô lớn hơn sẽ giúp tăng biên lợi nhuận cho Long Châu về lâu dài.
Bộ phận phân tích này ước tính lợi nhuận năm 2024 của FRT có thể đạt 439 tỷ đồng nhờ lợi nhuận từ FPT Shop phục hồi và lợi nhuận của chuỗi nhà thuốc Long Châu dự kiến thu về 385 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ trong năm nay.
Nhóm cổ phiếu "họ" Viettel cũng để lại dấu ấn với loạt cổ phiếu tăng bằng lần, như: VGI của Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (252,71%), VTK của CTCP Tư vấn và Dịch vụ Viettel (154,95%), hay CTR của Tổng CTCP Công trình Viettel (58,74%). Còn VTP của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel nếu tính từ ngày niêm yết sàn HOSE (ngày 12/3/2024) đến nay thì mới chỉ tăng 4%, song nếu tính từ tháng 5 thì cổ phiếu này đã tăng 13%.
Với riêng VGI, doanh thu quý I/2024 của công ty đạt 7.906 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2.479 tỷ đồng, tăng tới 151% so với quý I/2023. Lãi ròng tương ứng đạt 1.633 tỷ, gấp gần 2,7 lần cùng kỳ năm trước. Tính ra, công ty đã hoàn thành lần lượt 24,9% kế hoạch doanh thu và 45,9% mục tiêu lợi nhuận năm (theo kế hoạch HĐQT VGI trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2024).
Tuy nhiên, với ảnh hưởng lỗ liên tục trong giai đoạn 2016-2019, VGI tại thời điểm 31/3/2024 vẫn ghi nhận lỗ luỹ kế gần 2.100 tỷ đồng. Đáng chú ý, tính đến cuối quý I/2024, tổng nợ xấu của VGI là hơn 18.985 tỷ đồng, song giá trị có thể thu hồi là 4.282 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhóm tôn thép cũng tăng khá tốt với GDA của CTCP Tôn Đông Á (28%), SMC của CTCP Đầu tư Thương mại SMC (37%), NKG của CTCP Thép Nam Kim (8%), HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (6%).
Tương tự những cái tên kể trên, KQKD quý I/2024 tích cực cũng hỗ trợ cho đà tăng của các cổ phiếu thép. Theo đó, NKG trong kỳ BCTC báo lãi 188 tỷ đồng, trong khi quý I/2023 lỗ 49 tỷ đồng; SMC cũng gây ấn tượng khi lãi ròng quý I/2024 tăng 664% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài những cái tên kể trên, có thể kể đến loạt nhóm ngành nhiều triển vọng tích cực như bất động sản khu công nghiệp với D2D (89%), GVR (58%), IDC (22%)…; dầu khí với BSR (22,5%), PVS (15,3%), PVD (11,4%), PLX (17,2%)…
Đáng chú ý, còn phải loạt cổ phiếu "penny" cũng gây sốt thị trường như nhóm API (40%), APS (16,5%), IDJ (14,5%) – bộ 3 thuộc hệ sinh thái có liên hệ đến Tập đoàn APEC Group của ông Nguyễn Đỗ Lăng. Thời gian qua, cả 3 cổ phiếu trên giao dịch "bùng nổ" sau sự xuất hiện của vị doanh nhân này tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của API. Tính đến cuối năm 2023, ông Lăng cũng là cổ đông sở hữu 19,6% vốn API. Tuy nhiên, những cổ phiếu này vẫn neo ở vùng đáy và còn cách rất xa so với mức giá thiết lập 1 năm trước.
Triển vọng kết quả kinh doanh quý II
Trong báo cáo phân tích mới đây, Agriseco Research nhận định hiện nay, với việc mặt bằng định giá của VN-Index vẫn đang ở mức hợp lý với P/E khoảng 14x lần và P/B 1,8x lần, thị trường chứng khoán vẫn còn dư địa tăng điểm với trọng tâm tập trung vào các nhóm ngành có kết quả kinh doanh (KQKD) tăng trưởng cao trong quý II/2024. Dù vậy, cơ hội tìm kiếm các nhóm ngành tăng trưởng lợi nhuận cao dần khan hiếm hơn, yếu tố nền KQKD thấp cùng kỳ sẽ không còn là câu chuyện chính.
Sau quá trình đánh giá chọn lọc, nhóm phân tích này cho biết bán lẻ sẽ là ngành có triển vọng KQKD tích cực trong quý II, bởi đây là thời điểm bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm điện máy, điện lạnh sẽ gia tăng. Cùng với đó, các sự kiện thể thao quốc tế như Euro cũng góp phần thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm điện máy như tivi. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp, các chính sách kích cầu tiêu dùng như giảm thuế VAT sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để ngành bán lẻ phục hồi mạnh mẽ trong các quý tiếp theo.
Tương tự, ngành thép được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao do trong quý II, sản lượng bán hàng thép tiếp tục phục hồi, ước tính tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và kênh xuất khẩu tiếp tục khả quan. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp thép sẽ được cải thiện so với cùng kỳ nhờ các doanh nghiệp duy trì chính sách hàng tồn kho thấp giúp giá thành diễn biến sát với giá nguyên vật liệu.
Nhóm phân tích này cũng đánh giá tích cực với nhóm công nghệ thông tin nhờ nhu cầu chi tiêu cho chuyển đổi số toàn cầu và trong nước dự báo tiếp tục tăng trên 15%. Xu hướng phát triển AI, Big Data, Cloud sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường. Động lực tăng trưởng còn đến từ mảng xuất khẩu phần mềm duy trì tăng trưởng 2 chữ số nhờ các thị trường nước ngoài gia tăng nhu cầu chuyển đổi số trong đó có thị trường Nhật Bản và APAC; xu hướng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Theo HSBC, 60% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam dự định đầu tư vào công nghệ và số hóa với trọng tâm là thanh toán số, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận