Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp cùng lên phương án xử lý trái phiếu
Các phương án mua lại trái phiếu hoặc phát hành thêm trái phiếu để huy động vốn tiếp tục được nhiều doanh nghiệp triển khai.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa thông tin về đợt mua lại trái phiếu với mã LPBH2123013.
Nguồn tiền mua lại được ngân hàng này trích từ nguồn thu nợ gốc, lãi của các khoản vay được tài trợ vốn từ nguồn vốn phát hành trái phiếu; nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh khác, từ nguồn vốn tự tích lũy và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Ngày mua lại trước hạn là 6-12. Tổng số trái phiếu mua lại 1.000 trái phiếu. Giá mua lại bao gồm cả tiền lãi chưa thanh toán tính đến ngày mua lại là 1.037 tỉ đồng.
Trong tháng 11-2022, LienVietPostBank cũng có nghị quyết của HĐQT về việc thông qua phương án mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành ra công chúng. Ngân hàng này đã thông báo mua lại trái phiếu đã phát hành ra công chúng năm 2020, kỳ hạn 7 năm. Tổng khối lượng trái phiếu đã được phát hành ra thị trường là 181.428 trái phiếu, trị giá hơn 1.814 tỉ đồng.
Công ty CP chứng khoán Kỹ thương (TCBS) cũng vừa có thông báo về mã trái phiếu đã hoàn tất thanh toán lãi và gốc 2.280 tỉ đồng. Đây là các trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, được phát hành bởi Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh Vinfast và do TCBS tư vấn. Những trái phiếu này có giá trị mệnh giá 2.280 tỉ đồng, được đáo hạn vào ngày 28 và 29-11.
Thông báo từ TCBS, tiền gốc và lãi từ trái phiếu Vinfast, phát hành năm 2019, có giá trị mệnh giá tương ứng là 2.280 tỉ đồng, được trả đúng hẹn đến các nhà đầu tư. Các trái phiếu trên được bảo lãnh thanh toán bởi công ty mẹ là Tập đoàn Vingroup, được phát hành riêng lẻ theo quy định.
Thông tin từ TCBS cho thấy tính từ đầu năm 2022 đến nay, khoảng 22.000 tỉ tiền trái tức (lãi suất danh nghĩa hàng năm của trái phiếu) và gốc đến hạn ứng với trên 400 mã trái phiếu do công ty này tư vấn phát hành đã được thanh toán.
Cũng liên quan đến trái phiếu, một số ngân hàng thương mại, doanh nghiệp tiếp tục thông báo sẽ huy động vốn qua kênh này. Mới đây, Công ty CP đầu tư Nam Long (NLG) công bố nghị quyết của HĐQT về việc phê duyệt phương án phát hành trái phiếu đợt 2 theo hình thức riêng lẻ với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá tối đa 500 tỉ đồng.
Số liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy trong tháng 11-2022, đã có tổng cộng 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng khối lượng phát hành 1.850 tỉ đồng (tổng hợp dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Ủy ban chứng khoán nhà nước).
So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 10.599 tỉ đồng, giảm 60% và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 242.655 tỉ đồng, giảm 54%.
Số tiền huy động được từ việc phát hành trái phiếu riêng lẻ này sẽ được sử dụng cho mục đích thực hiện dự án Waterpoint giai đoạn 2 (bằng hình thức góp vốn vào công ty con của tổ chức phát hành là công ty CP Nam Long VCD).
Trước đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán: CTG) cũng vừa có nghị quyết của HĐQT về thông qua sửa đổi phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu hồi được từ các đợt phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2022.
Cụ thể, VietinBank tính phát hành trái phiếu ra công chúng với 2 đợt kỳ hạn 8 năm và 10 năm, tổng giá trị trái phiếu chào bán là 9.000 tỉ đồng. Thời gian dự kiến chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 1 trong quý IV-2022 và đợt I/2023; và đợt 2 dự kiến trong quý II/2023 và quý III/2023.
Theo VietinBank, số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ dùng để tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2 và bảo đảm các tỉ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, cũng như thực hiện cho vay nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận