menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Gia Bách

Nhiều 'chất xúc tác' đẩy cổ phiếu hàng không 'cất cánh'

Cổ phiếu HVN liên tục lập đỉnh giá mới.

Sự hỗ trợ từ kết quả kinh doanh vượt trội cùng một số “chất xúc tác” như giá vé máy bay tăng cao, nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hóa tăng… đã giúp nhóm cổ phiếu hàng không “cất cánh” bay cao.

Theo cập nhật mới nhất của FiinTrade, ngành hàng không đang dẫn đầu toàn thị trường chứng khoán về mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế. Nhờ đó, cổ phiếu hàng không đang cho thấy những diễn biến tích cực.

"Ông lớn" đua nhau lên đỉnh

Dẫn đầu là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ACV liên tiếp thiết lập đỉnh giá mới và đã tăng khoảng 100%, lên mức 134.400 đồng/cp (chốt phiên 20/6). Kéo theo đó, vốn hóa của “gã khổng lồ” ngành hàng không Việt Nam cũng tăng mạnh, lấn lướt các doanh nghiệp tư nhân trên sàn chứng khoán như Hòa Phát, Vingroup, Vinamilk, VPBank, Techcombank… khi ghi nhận vốn hóa tăng cả trăm nghìn tỷ đồng, xếp thứ 3 trên sàn chứng khoán, chỉ kém Vietcombank và Viettel Global.

Đà tăng này được hỗ trợ từ những tín hiệu hồi phục của ngành và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý I/2024, ACV ghi nhận doanh thu 5.643 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Trừ giá vốn hàng bán, ACV lãi gộp 3.599 tỷ đồng, tăng 22,5%; biên lãi gộp ở mức gần 64%.

Doanh thu mảng tài chính trong kỳ của ACV đạt 479 tỷ, phần lớn đến từ lãi tiền gửi ngân hàng. Đặc biệt, trong kỳ, công ty không còn ghi nhận khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá, giúp lãi ròng tăng mạnh 79%, đạt 2.917 tỷ đồng. Đây là khoản lãi kỷ lục của ACV từ trước đến nay.

Không thua kém, sau khoảng thời gian "nghỉ ngơi", cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng liên tục lập đỉnh mới trong những phiên vừa qua. Kết phiên 20/6, cổ phiếu này tăng lên mức 35.450 đồng/cp, đạt giá trị cao nhất trong vòng 5 năm. Vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines theo đó cũng đạt mức 76.950 tỷ đồng (hơn 3,2 tỷ USD)

Cổ phiếu của hãng hàng không này bật tăng kể từ sau khi doanh nghiệp báo kết quả lãi lớn nhất lịch sử trong quý I/2024. Theo BCTC quý I/2024, doanh thu thuần của Vietnam Airlines đạt gần 28.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức doanh thu một quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines cổ phần hóa vào năm 2015.

Trong quý đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận khác đạt 3.672 tỷ đồng. Kết quả, hãng hàng không này báo lãi ròng đạt 4.334 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 103 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lãi kỷ lục mà Vietnam Airlines ghi nhận trong một quý kể từ khi thành lập.

Dù vậy, xét về năng lực tài chính, Vietnam Airlines vẫn ở trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu (âm 12.556 tỷ đồng tính đến cuối quý I/2024), trong khi giai đoạn so sánh trước đó ở mức khoảng 16.900 - 19.900 tỷ đồng. Trong văn bản giải trình gửi đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Vietnam Airlines cho biết trong năm 2024 - 2025 sẽ thực hiện nhiều giải pháp khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu như: Kinh doanh có lãi, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền…

Việc 2 cổ phiếu đầu ngành hàng không trên bứt phá mạnh trong giai đoạn vừa qua đã mang lại "trái ngọt" cho những cổ đông tổ chức, trong đó có những quỹ đầu tư lớn như Pyn Elite Fund (Phần Lan).

Báo cáo đầu tư trong tháng 5 của quỹ cho thấy 2/4 mã tăng giá mạnh nhất trong danh mục đến từ nhóm hàng không là ACV và HVN. Với tỷ trọng đứng thứ hai trong danh mục đầu tư (9%), cổ phiếu ACV tăng giá 24% trong tháng 5, góp phần lớn giúp Pyn Elite Fund có hiệu suất vượt trội mức tăng của VN-Index.

Ngoài ra, một số mã cổ phiếu như SAS (Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất), hay SCS (Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn)… cũng ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số kể từ đầu năm.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ kết quả kinh doanh vượt trội, theo các chuyên gia, có 4 lý do dẫn đến sự tăng vọt của cổ phiếu nhóm ngành hàng không. Đó là: giá dầu kỳ vọng duy trì ổn định; nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hóa tăng; tăng trần vé máy bay nội địa; triển vọng dài hạn nhờ sân bay Long Thành.

Dư địa tăng còn dài?

Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định thời kỳ khó khăn nhất của ngành hàng không đã đi qua. Việc tăng giá trần vé máy bay nội địa có hiệu lực từ 1/3/2024 đã góp phần tạo điều kiện cho các hãng hàng không bù đắp các chi phí đầu vào, đặc biệt là giá nhiên liệu. Điều này cũng giúp cho các hãng bay có dư địa điều chỉnh giá vé trên các đường bay nội địa.

Bên cạnh đó, nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hóa tiếp tục hồi phục sẽ tiếp tục tạo cú hích cho các doanh nghiệp hàng không. Yuanta dự báo lượng khách quốc tế duy trì đà hồi phục, xu hướng di chuyển bằng đường hàng không tăng cao và kỳ vọng lượng khách Trung Quốc hồi phục về mức trước dịch vào cuối năm 2024.

Trong khi lượng khách quốc tế vẫn đang trên đà hồi phục thì lượng khách du lịch trong nước đã quay trở lại đà tăng trưởng 7% trong năm 2023, tương đương mức tăng trưởng hàng năm trước dịch Covid (6%-9%). Lượng khách du lịch trong nước trong quý I/2024 đạt mức 30 triệu lượt người, tăng 9%. Đội ngũ phân tích kỳ vọng lượng khách du lịch trong nước sẽ tiếp tục tăng mạnh trong quý II và quý III/2024 trước khi hạ nhiệt vào dịp cuối năm nhờ nhu cầu du lịch vào mùa hè tăng cao, lượng khách du lịch trong nước quý II/2022 và quý II/2023 đều tăng 33%.

Chứng khoán SSI đánh giá năm 2024 sẽ là giai đoạn cuối cùng trong quá trình phục hồi của ngành. Lợi nhuận năm 2024 của tất cả các công ty trong ngành sẽ được cải thiện nhờ số lượng hành khách quốc tế tăng lên, chi phí nhiên liệu thấp hơn và tình trạng dư cung giảm.

Theo IATA, RPK quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt mức 83% so với mức trước dịch Covid vào cuối năm 2023, và SSI Research kỳ vọng được nâng lên 100% vào cuối năm 2024 chủ yếu nhờ sự phục hồi khách quốc tế của Trung Quốc. Điều này sẽ đưa thị trường hàng không khu vực trở về trạng thái cân bằng cung cầu hơn, cải thiện giá vé máy bay, biên lợi nhuận và lợi nhuận cho các hãng hàng không lên mức bình thường vào năm 2024.

Bên cạnh đó là tác động từ đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2015 về đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để cho phép các doanh nghiệp có hơn 50% vốn nhà nước có thể thoái vốn tại các doanh nghiệp thua lỗ và có lỗ lũy kế. Thay đổi này cũng cho phép các doanh nghiệp như Vietnam Airline có thể thoái vốn tại hãng hàng không Pacific Airlines đang găp khó khăn (Vietnam Airlines sở hữu 99% vốn), là một phần quan trọng trong phương án tái cấu trúc của hãng hàng không quốc gia. SSI Research kỳ vọng việc sửa đổi này có thể được thông qua và có hiệu lực trong nửa cuối năm 2024.

“Khi bầu trời trở nên “tấp nập” cũng là lúc các doanh nghiệp dịch vụ phụ trợ hàng không ghi nhận sự tăng trưởng trong kết quả kinh doanh. Nhờ đó, nhóm cổ phiếu hàng không nói chung sẽ còn nhiều dư địa tăng giá”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả