24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hà Ngọc Linh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhận diện yếu tố tác động đến doanh nghiệp nông nghiệp trong năm 2023

Theo giới phân tích, giá ngũ cốc và dầu cọ thế giới sẽ hạ nhiệt vào năm 2023 và có tác động tích cực đến biên lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất thịt và dầu ăn. Với các doanh nghiệp sản xuất đường và gạo sẽ được hưởng lợi khi giá đường trong nước và giá gạo xuất khẩu tăng.

Bên cạnh đó, giới phân tích cũng nhận định, khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ giảm bớt trong 2023 nhờ nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi và thiếu hụt nguồn cung, khi hộ chăn nuôi vẫn ngần ngại trong việc tái đàn do giá lợn giảm trong thời gian gần đây, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt lợn tại Việt Nam.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, giá hàng hóa có khả năng giảm trong 2023 do lo ngại ban đầu về tình trạng thiếu lương thực từ xung đột Ukraine đã lắng xuống khi các nước xuất khẩu khác tăng nguồn cung.

Ngũ cốc của Ukraine cũng đã được vận chuyển trở lại sau thỏa thuận chấm dứt việc phong tỏa các cảng của nước này và giá phân bón hạ nhiệt, góp phần thúc đẩy sản lượng thu hoạch nhờ tăng năng suất cây trồng.

Giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới. Vì vậy, chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ giảm dần vào năm 2023.

VNDIRECT kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ thịt tăng 10 - 15% so với cùng kỳ trong quý IV/2022 do đây là mùa tiêu thụ cao điểm khi Tết Nguyên đán đến gần. Trong năm 2023, nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ không giảm nhờ tăng trưởng thu nhập thực tế nhờ kế hoạch tăng lương cơ bản của Chính phủ lên khoảng 20,8% vào năm 2023 và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi 84% trong quý II/2023 và 100% trong quý IV/2023. Từ đó, kéo theo sự phục hồi mạnh của dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống.

Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi đầu vào giảm và giá bán lợn hơi tăng nhẹ, dự báo biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ cải thiện trong năm 2023 như: CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán: DBC), CTCP Masan MEATLife (mã chứng khoán: MML), CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) và CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF).

Với doanh nghiệp sản xuất dầu thực vật thì áp lực tăng chi phí đầu vào đã hạ nhiệt. Sau các biến động toàn cầu kể từ tháng 2/2022, giá dầu cọ (chiếm khoảng 90% lượng dầu ăn thô nhập khẩu của Việt Nam) đã tăng đáng kể lên khoảng 6.000 - 7.000 Myr (đơn vị tiền tệ chính thức của Malaysia)/tấn trong khoảng thời gian từ tháng 3/2022 đến đầu tháng 6/2022 (tăng khoảng 44% đến 70% so với giá trung bình năm 2021).

Điều này khiến chi phí nguyên vật liệu của các doanh nghiệp sản xuất dầu ăn, điển hình là CTCP Tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC) tăng mạnh. Tuy nhiên, theo ước tính, doanh nghiệp đã tăng giá bán dầu ăn lên khoảng 40% so với cùng kỳ trong 6 tháng năm 2022, do đó biên lợi nhuận gộp vẫn tăng 1,6 điểm phần trăm trong 9 tháng năm 2022.

Việc Chính phủ Indonesia cắt giảm thuế suất cố định và hạ trần thuế xuất khẩu đối với dầu cọ thô, giá dầu cọ thô đã đảo ngược mạnh về khoảng 4.000 - 4.200 Myr/tấn trong thời gian giữa tháng 6/2022 đến tháng 8/2022, tương đương với mức giảm khoảng 43% so với mức đỉnh tháng 4/2022 và ngang bằng với mức giá trung bình năm 2021.

Ngoài ra, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng dầu cọ toàn cầu được dự báo sẽ tăng 8% trong giai đoạn 2022 - 2023, sau khi đi ngang trong năm 2021. Do đó, VNDIRECT kỳ vọng giá dầu cọ thô năm 2022 ở mức 4.800 Myr/tấn, tăng 17% so với năm 2021 và năm 2023 là 4.400 Myr/tấn, giảm 8% so với năm 2022.

Với thị trường nội địa, giá dầu ăn bán lẻ cũng có xu hướng tương tự như giá dầu cọ thô; trong đó, giá dầu ăn của CTCP Tập đoàn Kido (KDC) có thể giảm với tốc độ chậm hơn do doanh nghiệp đang giữ vị trí thứ hai về thị phần dầu ăn, chiếm hơn 30% thị phần tại Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp có sức mạnh định giá tốt để duy trì giá bán lẻ dầu ăn của công ty.

Với doanh nghiệp mía đường nội địa cũng lấy lại vị thế. Theo ước tính, giá đường nhập lậu sau khi áp thuế chống bán phá giá sẽ cao hơn giá đường trong nước khoảng 15%, do đó mức thuế mới sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho giá đường trong nước. Bên cạnh đó, nguồn cung đường nội địa mới đáp ứng được 35 - 40% nhu cầu trong nước, do vậy giá đường trong nước sẽ đi theo xu hướng tăng của giá đường thế giới.

Giá đường trong nước được dự báo sẽ tăng trong 2023 nhờ tác động của quyết định mới về thuế chống bán phá giá áp dụng từ tháng 8/2022.

Ước tính trong 9 tháng năm 2022, tổng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất đường niêm yết tăng 16,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng tăng 5,4%. Những doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 9 tháng năm 2022 mạnh mẽ nhất là CTCP Đường Kon Tum (mã chứng khoán: KTS) có lợi nhuận ròng tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái và CTCP Mía đường Lam Sơn (mã chứng khoán: LSS) có lợi nhuận ròng tăng 47%.

Tổng doanh thu tăng nhờ giá đường tăng 9% so với cùng kỳ và sản lượng tiêu thụ tăng khoảng 7-9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp tăng 18,4% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2022 do hưởng lợi từ việc giá đầu ra tăng.

CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (mã chứng khoán: SBT) ghi nhận mức tăng trưởng biên lợi nhuận gộp yếu hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành, giảm 2,1 điểm phần trăm trong 9 tháng năm 2022 do giá đường thô tăng đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này trong quý II/2022.

Năm 2023 được cho là sẽ thuận lợi đối với các doanh nghiệp sản xuất đường nhờ diện tích trồng mía dự kiến sẽ mở rộng vào năm 2023. Diện tích trồng mía giảm liên tục từ niên vụ 2017 - 2018 do giá mía xuống thấp khiến nông dân chuyển đổi đất sang trồng các giống cây khác.

Do tình trạng thiếu mía nguyên liệu trong nước những năm gần đây, một số doanh nghiệp sản xuất đường ngoài việc ép đường trực tiếp từ mía cũng phải nhập khẩu đường thô để tinh luyện.

Tuy nhiên giá đường nội địa tăng mạnh thời gian gần đây cùng với các biện pháp bảo hộ từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho nông dân mở rộng diện tích trồng mía trong niên vụ 2022 - 2023. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), diện tích mía dự kiến đạt 151.305 ha, tăng 3% so với cùng kỳ, sản lượng mía chế biến đạt 8.764.277 tấn tăng 16,5% so với cùng kỳ và sản lượng đường đạt 870.930 tấn tăng 16,6% so với cùng kỳ.

Giá đường nội địa được cho là sẽ tiếp tục tăng trong 2023. Giá đường nhập lậu sau khi áp thuế chống bán phá giá sẽ cao hơn giá đường nội địa khoảng 15% nên mức thuế mới sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho mía đường trong nước.

Trong quý III/2022, giá đường nội địa tăng khoảng 10 - 14% so với đầu tháng 7/2022 (trước khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN), tương đương với giá đường trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, nguồn cung đường trong nước mới chỉ đáp ứng được 35 - 40% nhu cầu nội địa, do đó giá đường trong nước sẽ theo xu hướng giá đường thế giới.

Theo CTCP Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán: QNS), do giá dầu tăng cao, các nước sản xuất đường lớn như Brazil, Thái Lan và Ấn Độ sẽ chuyển mía sang sản xuất ethanol, giúp giá đường thế giới có thể giữ ở mức cao trong 6 tháng năm 2023.

VNDIRECT cho rằng, CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa và CTCP Đường Quảng Ngãi có thể tận dụng việc giá đường tăng để cải thiện biên lợi nhuận gộp mảng sản xuất đường do đây là các doanh nghiệp có diện tích vùng mía nguyên liệu lớn nhất và có vị thế thuận lợi để nắm bắt nhu cầu tiêu thụ đường trong nước tăng.

Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu. Giá gạo Ấn Độ có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn sẽ thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam.

Do vậy, các nhà sản xuất gạo và đường được dự báo sẽ có biên lợi nhuận gộp cao hơn trong 2023 nhờ giá bán tăng. Trong khi đó, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán: TAR) sẽ được hưởng lợi từ việc sản lượng tại Trung Quốc giảm và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo do hạn hán.

Gạo là mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp này với tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 15% tổng doanh thu; trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của doanh nghiệp này với tỷ trọng lên tới 27% tổng doanh thu xuất khẩu.

Một yếu tố có tác động tới hầu hết các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp là việc đồng USD mạnh lên đã gây áp lực khiến tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng lên mức cao nhất trong lịch sử.

Theo quan điểm của VNDIRECT, tỷ giá tăng sẽ có những tác động trái chiều đối với các nhà sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo và thủy sản có thể hưởng lợi từ giá xuất khẩu cao hơn. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu ăn, thịt, sữa và đường sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
26.55 +0.15 (+0.57%)
12.15 +0.05 (+0.41%)
50.50 +0.10 (+0.20%)
42.40 +2.60 (+6.53%)
11.80 +0.05 (+0.43%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả