menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Vân

Ngập ngừng ngưỡng cản

Trong ngắn hạn, VN-Index khó có thể bứt phá khi dòng tiền chưa quay lại mạnh mẽ ở nhóm cổ phiếu trụ, trong khi “buông” hẳn nhóm đầu cơ.

Trung hạn hơn, dòng tiền “mai phục” ở nhóm dự kiến sẽ phục hồi mạnh trong bối cảnh bình thường mới - sống chung với dịch.

Cẩn trọng hàng “nóng”

Điểm nhấn đáng chú ý trong các phiên cuối tuần qua là dòng tiền quyết liệt rút ra khỏi nhóm cổ phiếu đầu cơ hoặc các mã đã tăng nóng. Hiện tượng trắng bên mua xuất hiện ở HQC, PLP, DAH… hay các cổ phiếu “họ” Louis như APG, SMT, AGM, BII…

Thậm chí, cả những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt nhưng giá đã tăng quá mức cũng đã có một số phiên sụt giảm mạnh khi nhiều nhà đầu tư chốt lời, chẳng hạn như cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang.

Với diễn biến trên, nhiều nhà đầu tư “đu đỉnh” đang gặp áp lực lớn cả về tâm lý lẫn những toan tính trong chiến lược đầu tư sắp tới.

Thị trường sideway trong biên độ hẹp và các cổ phiếu penny, hàng đầu cơ hạ nhiệt đã tạo tâm lý chán nản và điều này được thể hiện rất rõ trên nhiều diễn đàn chứng khoán cuối tuần qua.

Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân sau thời gian sôi động và có được mức sinh lợi khá tốt với nhóm này trong thời gian qua (trong khi dòng tiền lớn ghi nhận vẫn đang đứng ngoài quan sát diễn biến mở cửa ở các thành phố lớn) đang có sự phân vân, một phần trong đó dịch chuyển vị thế sang “đứng ngoài, quan sát” để chờ xem cổ phiếu có giảm thêm, phần vì “kẹp hàng” đang khá hoang mang.

Trong khi đó, các thông tin tích cực mới đáng kể đủ để tác động vào thị trường, vào tâm lý nhà đầu tư - là chưa có, theo đó sự lưỡng lự xuất hiện nhiều hơn đối với các nhà đầu tư cá nhân.

Theo ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty Chứng khoán SHS - Chi nhánh TP.HCM, chỉ số VN-Index giai đoạn tới vẫn dao động trong biên độ hẹp, ngập ngừng quanh ngưỡng 1.350 điểm.

Trong đó, có lý do bởi tác động từ các sự kiện kinh tế thế giới khi hầu hết các tổ chức đầu tư đang tập trung theo dõi, đánh giá tác động của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến cắt giảm dần chương trình mua tài sản vào tháng 11/2021 và có thể hoàn thành vào giữa năm 2022.

Đồng thời, sự kiện khủng hoảng nợ của Evergrande khiến Trung Quốc đưa ra những cảnh báo đến các hoạt động đầu cơ, tài trợ vốn lớn bằng dư nợ cũng khiến tâm lý phòng thủ trở nên rõ ràng hơn.

Mặt khác, xét về nội tại thị trường, VN-Index chịu ảnh hưởng lớn bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng - chiếm hơn 25% tổng vốn hóa toàn thị trường. Nhóm này đang có giá trị vốn hóa tuyệt đối khoảng 75 - 78 tỷ USD, mức được xem là hợp lý nếu xét kỳ vọng tăng trưởng trong năm sau.

Tuy nhiên, Thông tư 14 sửa đổi do Ngân hàng Nhà nước ban hành mới đây đã nâng thời gian giãn, hoãn nợ đến tháng 6/2022 để hỗ trợ doanh nghiệp.

Chính sách này tạo ra tâm lý e ngại của nhà đầu tư về tác động tiêu cực đến tình hình kinh doanh của nhóm ngân hàng khi tốc độ tăng trưởng tiền gửi suy giảm, trong khi đó rủi ro nợ xấu gia tăng và giãn nợ kéo dài.

Đó là nguyên nhân khiến nhiều người cho rằng, chưa thể kỳ vọng nhóm ngân hàng tăng trưởng mạnh trở lại.

Về xu hướng giá, VN-Index chịu ảnh hưởng lớn từ VN30, trong khi đó VN30 vẫn chưa thể thoát được kênh giảm giá nối 2 đỉnh giá cao nhất của tháng 7 và tháng 8/2021. Thị trường đang đánh giá tình hình tăng trưởng GDP quý III/2021, cũng như chờ báo cáo kết quả kinh doanh quý này của nhóm ngân hàng - vốn là nhóm có tác động quan trọng đến chỉ số - để đánh giá tiềm năng tăng trưởng.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhìn nhận, thị trường cho tín hiệu dao động quanh mức 1.350 điểm - tích luỹ trong biên độ hẹp - mà biên độ hẹp dần là để tích luỹ sang trạng thái mới tăng hoặc giảm.

Với các diễn biến dòng tiền và tình hình kiểm soát dịch bệnh, ông Phương đánh giá, sau giai đoạn tích lũy này thị trường sẽ thiên về xu hướng tăng nhiều hơn khi nhóm blue-chip bắt đầu được mua gom.

Đồng thời, niềm tin về việc TP.HCM cũng nhiều địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ mở cửa dần từ đầu tháng 10 ngày càng trở nên rõ ràng hơn, tác động tích cực đến thị trường trong dài hạn.

Nhìn vào thanh khoản thị trường khoảng 10 phiên vừa qua vẫn duy trì ở mức trung bình khoảng 21.000 - 24.000 tỷ đồng, với tốc độ luân chuyển tốt qua các nhóm ngành, cho thấy thực chất, dòng tiền đang “mai phục để nhào vào thị trường”, ông Phương nhận định và dự báo lạc quan rằng, từ nay đến đầu tháng 11/2021, VN-Index có thể đạt mốc 1.400 điểm.

Dòng cổ phiếu nào sẽ lên ngôi?

Ngoài nhóm “bank - chứng - thép” được ông Trương Hiền Phương cho là sẽ vẫn hút sóng khi kết quả kinh doanh cả quý III và quý IV tới đều khá chắc chắn, chuyên gia này còn khá “ưa thích” nhóm dầu khí.

Theo ông Phương, giá dầu thô đã ổn định quanh 70 USD/thùng trong một thời gian dài và nhiều tín hiệu cho thấy vẫn có xu hướng đi lên khi nhu cầu cầu vận động trên toàn thế giới tăng lên sau giai đoạn “tạm ngưng hoạt động” vì dịch bệnh, kéo theo nhu cầu về nguyên liệu hoá thạch và sản phẩm dầu khí tăng trưởng tầm 10 - 30%.

Một nhóm ngành từng được kỳ vọng rất lớn là cổ phiếu bất động sản công nghiệp, nhưng giãn cách xã hội kéo dài ở một số trung tâm sản xuất của Việt Nam khiến sự “lấp lánh” giảm bớt. Nếu những tháng cuối năm, nền kinh tế tái mở cửa thành công, các doanh nghiệp FDI sản xuất 100% công suất và dòng vốn đầu tư nước ngoài trở lại mạnh mẽ hơn thì nhóm cổ phiếu này sẽ được đánh giá tích cực hơn.

Dưới góc nhìn của ông Phan Tấn Nhật, điểm khá thú vị là khi hồi chuông cảnh báo siêu nợ của Công ty Evergrande ở Trung Quốc được gióng lên thì dòng tiền trong thị trường hiện tại lại gia tăng đầu tư, đầu cơ mạnh ở các công ty bất động sản có vốn hóa trung bình nhỏ, tập trung nhiều ở các tỉnh.

Các công ty bất động sản có tình hình tài chính lành mạnh, tồn kho cao, vay nợ ít như TDC, IJC, NTL, NLG… hay các mã cổ phiếu địa ốc vốn hóa còn dưới giá trị sổ sách như ITC, SCR… được quan tâm trở lại.

Đồng quan điểm về nhóm dầu khí, ông Nhật cho rằng, dòng tiền hướng đến nhóm cổ phiếu này dự báo sẽ gia tăng.

Trong 1 năm vừa qua, giá dầu đã hồi phục tốt khi giá dầu Brent trung bình năm đạt mức trên 65 USD/thùng với nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới đã quay trở lại thời điểm trước dịch bệnh.

Các cổ phiếu đầu ngành thuộc nhóm dầu khí dự kiến sẽ tăng trưởng tốt trên nền giá dầu duy trì ở mức cao và thu hút dòng tiền cả đầu tư lẫn đầu cơ.

Trong nhóm này, nhà đầu tư có thể chú ý hơn đến nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh khí LNG… khi nhu cầu khí dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh với những dự án điện khí lớn liên tiếp có kế hoạch triển khai nhằm phục vụ nhu cầu năng lượng đang tăng lên.

Một số nhóm cổ phiếu khác được chuyên gia này nhận định tích cực trong thời gian tới là nhóm chứng khoán với nền tảng số lượng nhà đầu tư mới gia tăng mạnh và lãi suất huy động tiếp tục có chiều hướng giảm; nhóm bán lẻ vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt; nhóm cảng biển với nền tảng hoạt động xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới.

Đưa ra quan điểm có phần khác biệt, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, mùa công bố kết quả kinh doanh quý III sắp tới dự kiến sẽ kém do đây là khoảng thời gian các doanh nghiệp chịu tác động rõ rệt nhất của Covid-19.

Do đó, ông Minh tin rằng, sắp tới, dòng tiền đầu tư có thể sẽ hướng đến những cổ phiếu hoặc ngành phục hồi trong bối cảnh "bình thường mới".

Trong ngắn hạn, dòng tiền vào ngành bảo hiểm có thể gia tăng đột biến từ câu chuyện mở cửa cho vốn ngoại, cũng như thoái vốn nhà nước trong ngành này.

Dòng tiền cũng đang hướng đến các cổ phiếu hưởng lợi từ bối cảnh thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ hơn nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm. “Ăn theo” nhóm này có thể là các cổ phiếu vật liệu xây dựng (như thép, đá, xi măng, nhựa đường), xây dựng, xây dựng điện…

Cùng với việc duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tốt ngay cả trong tháng 8/2021 giãn cách xã hội ở nhiều địa phương, dự báo mùa cao điểm tiêu dùng lễ tết cuối năm của thế giới sẽ kích thích năng lực xuất khẩu của Việt Nam nếu nền kinh tế bung ra từ đầu tháng 10 tới.

Điều này sẽ khiến dòng tiền tìm đến nhóm các cổ phiếu được hưởng lợi từ triển vọng xuất khẩu lạc quan khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ở chiều ngược lại, ông Minh lại cho rằng, dòng tiền đang và sẽ hướng ra khỏi nhóm ngành ngân hàng do các lo ngại về nợ xấu tiềm ẩn và trong ngắn hạn, VN-Index khó có thể bứt phá khi dòng tiền chưa trở lại với nhóm cổ phiếu trụ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại