Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Hoạt động mua bán kinh doanh chứng khoán là một trong những hoạt động giúp ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu và giảm thiểu rủi ro. Thêm nữa, ngân hàng có thể linh hoạt trong việc mua bán chứng khoán, tận dụng các cơ hội thị trường, nhất là trong bối cảnh tín dụng còn khó khăn, nguồn thu từ bảo hiểm chưa hồi phục.
Tuy không tăng cao như năm trước, do thị trường có nhiều biến động, song không ít ngân hàng vẫn ghi nhận khoản lợi nhuận khả quan từ hoạt động kinh doanh chứng khoán.
NGÂN HÀNG “BỘI THU” TỪ KINH DOANH CHỨNG KHOÁN
Trong đó, điển hình nhất phải kể đến MBBank. Trong 6 tháng đầu năm 2024, MB ghi nhận lợi nhuận sau thuế 10.726 tỷ đồng, tăng 5,28% so với cùng kỳ năm 2023. Nhưng điều đáng chú ý là trong khi các hoạt động kinh doanh cốt lõi gặp khó khăn, MB lại thành công rực rỡ trong lĩnh vực mua bán chứng khoán kinh doanh trong nửa đầu năm, với lợi nhuận đạt 1.412 tỷ đồng, tăng vọt gấp 8,85 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2024, MB đã giảm đến 72% tổng giá trị đầu tư vào chứng khoán kinh doanh, còn 12.308 tỷ đồng. Trong đó, các khoản đầu tư của MB chủ yếu nhắm đến thị trường chưa niêm yết, chiếm đến 91% tổng giá trị đầu tư.
Tương tự, tại ngân hàng Techcombank, lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm nay đạt 12.546 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, ngân hàng ghi nhận 80 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.
Nửa đầu năm 2024, Techcombank tăng mạnh gấp 13,7 lần đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, đạt 4.142 tỷ đồng vào ngày 30/6. Nhưng ngược lại, ngân hàng này bất ngờ giảm 4.131 tỷ đồng trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác trong nước phát hành.
Một ngân hàng khác cũng “bỏ túi” hàng trăm tỷ đồng từ hoạt động này là ACB. Theo đó, ngân hàng này lãi 155 tỷ đồng từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023, dù quý 2/2024 lỗ 41 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán kinh doanh và lỗ 14 tỷ đồng từ chứng khoán đầu tư, trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi.
ACB chủ yếu đầu tư chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng trong nước phát hành, với giá trị đầu tư tính đến cuối quý 2/2024 là 4.000 tỷ đồng, không thay đổi so với đầu năm. Tính tổng giá trị đầu tư vào chứng khoán kinh doanh, ACB đã giảm 14,6% so với đầu năm, xuống 6.125 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 6, BIDV là ngân hàng đứng đầu trong hệ thống với 260.406 tỷ đồng rót vào chứng khoán kinh doanh và đầu tư, tăng 14% so với cuối năm 2023. Trong đó khoản mục chứng khoán đầu tư chiếm phần lớn với 252.220 tỷ đồng.
Nhưng BIDV là một trong các ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước đã ghi nhận kết quả khả quan trong lĩnh vực mua bán chứng khoán kinh doanh nửa đầu năm nay. Theo đó, lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2024 của BIDV đạt 12.450 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ.
Mặc dù hoạt động kinh doanh cốt lõi chỉ tăng trưởng khiêm tốn 3,26%, nhưng nhờ vào chiến lược đầu tư ngân hàng này đã ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lên 246 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. BIDV đã gia tăng đầu tư vào chứng khoán kinh doanh trong nửa đầu năm nay, với tổng giá trị đạt 8.185 tỷ đồng, trong đó 87% là chứng khoán nợ.
Tại Agribank cũng có tỷ lệ tăng chứng khoán kinh doanh và đầu tư cao trong nửa đầu năm nay, tương ứng tỷ lệ tăng 22%, nâng chứng khoán ngân hàng từ 173.863 tỷ đồng vào cuối năm 2023 lên 211.675 tỷ đồng tính đến hết tháng 6/2024.
NHIỀU NGÂN HÀNG “NGƯỢC CHIỀU” BÁO GIẢM LÃI
Mặc dù hoạt động kinh doanh chứng khoán tại ngành ngân hàng có nhiều khởi sắc, song không phải nhà băng nào cũng ghi nhận kết quả tốt đẹp từ mảng kinh doanh này. Đơn cử như tại SeABank, lợi nhuận từ mua bán chứng khoán kinh doanh trong nửa đầu năm nay đã giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 69 tỷ đồng.
Với MSB, báo lãi trước thuế gần 2.160 tỷ đồng nửa đầu năm nay, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, nhờ các nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng. Riêng quý 2/2024, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 2.342 tỷ đồng, tăng 6%; các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng như lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 17%, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 10%.
Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, MSB chỉ thu về 88 tỷ đồng từ mảng chứng khoán đầu tư, trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận trên 222 tỷ đồng; còn mảng chứng khoán kinh doanh lãi 1,87 tỷ đồng, cải thiện so với mức 350 triệu đồng của cùng kỳ.
Một ngân hàng khác là ABBank ghi nhận kết quả đi ngang, với lợi nhuận đạt 6 tỷ đồng, sau khi giảm 782 tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán chính phủ và chính quyền địa phương, đồng thời tăng gần 100 tỷ đồng vào chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành.
Diễn biến tương tự cũng xảy ra tại 2 “ông lớn” là VietinBank và Vietcombank. Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, Vietinbank ghi nhận 63 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, giảm 72,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Còn “quán quân lợi nhuận” Vietcombank lãi 22 tỷ đồng từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, giảm 75% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng vào chứng khoán, phần lớn là trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác trong nước phát hành.
CỔ PHIẾU “VUA” VẪN HẤP DẪN
Ngành ngân hàng luôn được xem là "xương sống" của nền kinh tế, với tính ổn định vượt trội so với các lĩnh vực khác. Dù chất lượng tài sản ngân hàng có suy giảm trong thời gian qua, nhưng triển vọng phục hồi vẫn rất tích cực nhờ sự lạc quan của nền kinh tế, tín dụng tăng trưởng vượt mục tiêu, và mức định giá cổ phiếu hấp dẫn.
Theo đánh giá của bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán MB, hai yếu tố được quan tâm đối với hoạt động của ngân hàng là tăng trưởng tín dụng và trích lập dự phòng.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán MB
Tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu 14% trong năm nay nhờ nhu cầu vốn sẽ tăng theo đà phục hồi của nền kinh tế, nhưng có sự phân hóa giữa các nhà băng, tùy thuộc vào chất lượng tài sản, tình hình nợ xấu.
Lợi nhuận của ngành này trong nửa cuối năm nay có thể sẽ tích cực hơn so với nửa đầu năm.
Trong nửa đầu năm 2024, lợi nhuận có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng, song tính chung tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp tích cực vào sự đi lên của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã được các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại. Các công ty chứng khoán cũng có động thái mua cổ phiếu “vua” như mã VPB, HDB…
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam kỳ vọng, biên lãi ròng (NIM) của ngành ngân hàng trong năm 2024 sẽ tăng 0,1 - 0,2% so với năm 2023. Các ngân hàng có tín dụng tăng trưởng được dẫn dắt bởi nhóm khách hàng doanh nghiệp như Techcombank, HDBank, LPBank có biên lãi ròng cải thiện tích cực.
Chi phí vốn (COF) của nhiều ngân hàng cũng được cải thiện đáng kể trong quý 2/2024, nhờ mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp, trong khi tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) gia tăng.
Xét về định giá, theo các chuyên gia, sau khi tăng mạnh trong quý 1/2024, đưa chỉ số P/B lên mức 1,7 lần, hầu hết cổ phiếu ngân hàng đã có nhịp điều chỉnh, P/B giảm xuống mức 1,47 lần, thấp so với mức trung bình 5 năm là 1,7 lần.
Trong ngắn hạn, các cổ phiếu ngân hàng có thể có nhịp điều chỉnh nếu kết quả kinh doanh quý 3/2023 chưa thực sự khởi sắc, nhưng sẽ là thời điểm thích hợp để mua những cổ phiếu tiềm năng cho mục tiêu đầu tư dài hạn như VCB, ACB, STB, TCB, VPB...
Theo Dragon Capital, hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng thường tăng trưởng ở mức 2 con số và thường xuyên nhận được sự quan tâm của khối ngoại. Các cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng hơn 35% giá trị vốn hoá của VN-Index và trên 60% tổng lợi nhuận của VN-Index.
Giá nhóm cổ phiếu “vua” hiện có mức tăng khoảng 14% so với đầu năm, cao hơn mức tăng của VN-Index là 10,2%. Ngoài ra, cổ phiếu ngân hàng đang có mức định giá hấp dẫn (P/B 1,7 lần), tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu khoảng 18 - 20%, tạo động lực tăng giá trong thời gian tới.
Cùng với định giá hấp dẫn và lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng, cổ phiếu ngân hàng còn được hỗ trợ bởi câu chuyện tăng vốn, nâng hạng thị trường chứng khoán, tỷ lệ cổ tức cả bằng cổ phiếu và tiền mặt cao.
Giới chuyên gia dự báo, ngân hàng tiếp tục là nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền trong những tháng cuối năm 2024, nhưng phù hợp hơn với những nhà đầu tư nắm giữ trong trung và dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường