menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Xuân Hòa

Ngân hàng gặp thách thức tên... NIM

Lãi suất huy động đầu vào đã giảm đến ngưỡng bẫy thanh khoản, trong khi lãi suất đầu ra liên tục giảm để hỗ trợ doanh nghiệp khiến biên lãi ròng (NIM) các ngân hàng chịu áp lực co lại.

Room tín dụng tăng, NIM đã kịch trần

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, các lãnh đạo ngân hàng đều cho biết, dù lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2021 tăng khá mạnh trong những lĩnh vực phi tín dụng, nhưng vai trò của hệ thống ngân hàng là trung gian đưa nguồn vốn từ nơi dư đến nơi cần nên thu nhập lãi thuần vẫn là động lực tăng trưởng chính.

“Đây là bản chất hoạt động của các ngân hàng nên điều này không có gì là bất thường, điểm đáng chú ý là hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng đã kịch trần, cho vay gặp khó khăn và rủi ro lớn khiến NIM bị ảnh hưởng”, một lãnh đạo ngân hàng cho biết.

Cụ thể tại từng ngân hàng, báo cáo tài chính quý III/2021 cho thấy, thu nhập lãi thuần lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 của NCB (mã NVB) đạt 1.088 tỷ đồng, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2020; của LienVietPostBank (mã LPB) đạt 6.312 tỷ đồng, tăng 33,8%; của MSB (mã MSB) đạt hơn 4.445 tỷ đồng, tăng hơn 38%; của MBBank (mã MBB) đạt hơn 19.029 tỷ đồng, tăng 31,4%; của ACB (mã ACB) đạt 14.150 tỷ đồng, tăng 39,2%; của Techcombank (mã TCB) đạt 19.454 tỷ đồng, tăng 46,5%…

Tuy nhiên, room tín dụng của nhiều ngân hàng cũng đã chạm trần, cho dù vào cuối tháng 7/2021, một số ngân hàng đã được chấp thuận tăng hạn mức. Ví dụ, báo cáo tài chính quý III/2021 cho thấy, tăng trưởng tín dụng của TPBank (mã TPB) đạt 15% tính đến cuối quý này, trong khi mới được nới thêm gần 5,9 điểm phần trăm lên 17,4%. Hay với Techcombank, dư nợ cho vay khách hàng đạt 16% tính đến 30/9/2021 và ngân hàng này cũng mới được nới room tín dụng thêm 5,1 điểm phần trăm lên 17,1%.

Tương tự, dư nợ cho vay khách hàng MBBank tăng 12,8% vào cuối quý III/2021 trong khi room tín dụng mới được tăng thêm 4,5 điểm phần trăm lên 15%; hay như VPBank cũng được nới thêm room tín dụng 3,6 điểm phần trăm lên 12,1% và dư nợ cho vay khách hàng đạt mức 9,1% tính đến 30/9/2021.

Dư nợ cho vay khách hàng Vietcombank (mã VCB) đã tăng 11,6% tính đến cuối tháng 9/2021 và đã được nâng room tín dụng từ mức 10,5% lên 14%. HDBank (mã HDB) cũng đang xin Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tín dụng lên hơn 25% bởi dư nợ cho vay tính đến cuối quý III/2021 đã tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong diễn biến liên quan, tại Vietcombank, trong 9 tháng đầu năm 2021, tín dụng tăng trưởng ổn định (tăng 11,6% so với đầu năm, hay tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước) và NIM quý III/2021 ở mức 3,15% (giảm 35 điểm phần trăm so với quý trước, nhưng tăng 14 điểm phần trăm so với cùng kỳ). Tuy nhiên, là một trong những ngân hàng chủ lực của thị trường và Nhà nước nắm nguồn vốn nên Vietcombank gánh vác trách nhiệm lớn trong nền kinh tế thông qua việc triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp.

“Mặc dù quy mô của gói hỗ trợ tương đối lớn, nhưng tốc độ thu hẹp NIM của Vietcombank cũng chỉ ở mức tương đương với các ngân hàng khác. Theo đó, trong quý IV/2021, NIM khả năng tiếp tục giảm nhẹ do ngân hàng này có thể tiếp tục duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ khách hàng, trong khi không còn nhiều dư địa để cải thiện chi phí vốn”, một chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI nhận định.

Còn tại Techcombank, NIM quý III/2021 giảm 32 điểm phần trăm so với quý trước về mức 5,58% bởi các nguyên nhân: Thứ nhất, phân bổ tài sản thay đổi, tỷ trọng các tài sản có lợi suất thấp hơn tăng. Do huy động tăng mạnh và tăng trưởng tín dụng đã sát hạn mức, Techcombank đã tăng cho vay trên thị trường liên ngân hàng với mức tăng ròng trong quý III là 25.500 tỷ đồng so với quý trước. Do đó, lợi suất tài sản sinh lãi giảm 26 điểm phần trăm, xuống còn 7,55%.

Thứ hai, chi phí vốn tăng 5 điểm phần trăm so với quý trước, lên mức 2,24% - do lợi suất bình quân từ chứng chỉ tiền gửi và hoạt động đi vay liên ngân hàng tăng.

“Lợi suất tài sản sinh lãi sẽ cải thiện khi Techcombank được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng cao hơn, song chi phí vốn trung bình cũng chịu áp lực tăng. Lãi suất huy động đối với kỳ hạn dài của Techcombank trong quý III/2021 đã tăng khoảng 50 điểm phần trăm so với quý trước. Bên cạnh đó, tổng tất cả chi phí cho khoản vay hợp vốn của Techcombank có thể cao hơn chi phí vốn trung bình hiện nay là 2,24%. Do đó, dư địa để cải thiện NIM là không nhiều”, vị chuyên gia phân tích trên nói.

Đảm bảo NIM để chống đỡ nợ xấu

Thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thống nhất tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam trong 5 tháng cuối năm 2021 cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch với tổng số tiền lãi giảm ước tính trên 20.613 tỷ đồng.

Ngoài ra, đầu tháng 8/2021, 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối cũng cam kết dành thêm 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho các khách hàng tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Lũy kế từ 23/1/2020 đến nay, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch là gần 26.000 tỷ đồng.

Tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7 - 30/9/2021 của 16 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước công bố là khoảng 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết. Nằm trong tốp 6/16 ngân hàng và tốp 2 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân giảm lãi nhiều nhất hỗ trợ khách hàng, tổng số tiền lãi SHB (mã SHB) đã giảm cho khách hàng là 244 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 129.898 tỷ đồng cho 32.098 khách hàng.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo cao cấp SHB cho biết, Ngân hàng đã chủ động và thực hiện đồng bộ các giải pháp gồm điều chỉnh thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay và mở rộng vốn vay cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh. Từ đó, giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, khôi phục sản xuất, hoặc chuyển hướng kinh doanh phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Bên cạnh đó, SHB vẫn đang dành gói hỗ trợ cấp tín dụng trị giá hơn 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm tới 2%/năm, miễn giảm một số phí dịch vụ… để tiếp tục đồng hành cùng khách hàng trong thời gian tới.

“Các biện pháp hỗ trợ này được triển khai đồng thời cho cả khách hàng hiện hữu và khách hàng mới, khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh”, vị lãnh đạo SHB nói.

Từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều chương trình ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp mới và hiện hữu được BAC A BANK (mã BAB) tích cực triển khai như BAC A BANK - Chung tay cùng doanh nghiệp, ưu đãi tài khoản Payroll, gói siêu ưu đãi lãi suất vay dành cho khách hàng doanh nghiệp; Cùng BAC A BANK - Vững bước kinh doanh, ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch… Trong đó, nhiều chương trình được triển khai xuyên suốt cả năm, tổng hạn mức lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Gần đây, BAC A BANK tiếp tục có chính sách áp dụng mức lãi suất ưu đãi từ 6%/năm tùy theo kỳ hạn của khế ước nhận nợ. Nhờ đó, doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận và thụ hưởng nguồn vốn giá rẻ, sớm ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đón đầu cơ hội khi nền kinh tế phục hồi.

Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, lãi suất huy động đầu vào đã giảm đến ngưỡng bẫy thanh khoản, trong khi lãi suất đầu ra các ngân hàng liên tục giảm để hỗ trợ doanh nghiệp khiến NIM chịu áp lực co lại. Một trong những giải pháp các ngân hàng có NIM bị ảnh hưởng, nền chi phí tín dụng cao và cho vay rủi ro lớn... đang triển khai đó là quy mô nhân viên được cắt giảm nhằm tối ưu hóa tăng trưởng bảng cân đối với NIM thấp hơn và chi phí dự phòng cao hơn.

“Tuy nhiên, cải thiện NIM từ việc tiếp tục cắt giảm chi phí thông qua câu chuyện lương, nhân viên cũng đến giới hạn, bởi nếu không cân đối phù hợp có thể tác động xấu lên quy mô hoạt động của các tổ chức tín dụng”, TS. Nghĩa nói.

Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói: “Các ngân hàng phải duy trì NIM thực tế ở mức 3% để đảm bảo lợi nhuận và khả năng chống đỡ nợ xấu trong tương lai”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại