Mục tiêu lợi nhuận ngân hàng 2023: Nhóm “Big 4” có tham vọng gì?
Các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước (nhóm Big 4) đều đặt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023 dựa trên kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, dự kiến từ 10-13%.
Các Ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 10-13%, phù hợp chủ trương tín dụng của NHNN đề ra. Ảnh minh họa
Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023 dự kiến tổ chức ngày 21/4 tới đây của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) hiện đang cập nhật dữ liệu và chưa có tờ trình về kế hoạch kinh doanh 2023. Tuy nhiên, theo kế hoạch Vietcombank đặt ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 tổ chức vào đầu năm, thì ngân hàng đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12,8%, tăng trưởng tổng tài sản 9%, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 12% so với năm 2022, NIM trên 3,24% và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.
Năm 2022 là năm “đại thắng” của Vietcombank khi ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khoảng 39%.
ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Vietcombank được dự đoán có thể sẽ giữ các chỉ tiêu đã nêu như trên.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) cũng có kế hoạch mời cổ đông dự họp ĐHĐCĐ vào cùng ngày 21/4; và đã có dự thảo báo cáo của ban điều hành về định hướng và kế hoạch năm 2023.
Theo đó, VietinBank dự kiến trình chỉ tiêu tăng trưởng tổng tài sản từ 5-10%, tăng trưởng tín dụng theo phê duyệt của NHNN, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%, lợi nhuận trước thuế cũng theo phê duyệt cơ quan có thẩm quyền. Thông thường và chiếu theo như kỳ ĐHĐCĐ 2022, VietinBank sẽ bổ sung các số liệu cụ thể, bao gồm kế hoạch chia cổ tức vào tài liệu trình cổ đông vào… giờ chót trước Đại hội.
Năm 2022, tổng tài sản của VietinBank tăng 18,1% đạt 1,8 triệu tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 12,7% đạt hơn 1,27 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 7,5% đạt gần 1,25 triệu tỷ đồng.
Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng hơn 10% đạt 15.796 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu nội bảng (tỷ lệ nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) lại giảm nhẹ từ 1,26% cuối năm trước về 1,24%.
Luỹ kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 21.113 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm các Big 4 đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022 (so với 2 ngân hàng cùng nhóm đã niêm yết là Vietcombank, BIDV), tăng 20% so với năm trước.
Được biết, dự kiến kế hoạch lợi nhuận của VietinBank năm nay với lợi nhuận trước thuế là 23.753 tỷ đồng, tăng 10-15% so với cùng kỳ.
Điểm sáng của nhóm Big 4 năm nay là đều đã có kế hoạch tăng vốn khủng, qua đó tạo nguồn lực cho các ngân hàng vừa cạnh tranh kinh doanh vốn vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hiệu quả
Năm 2022, BIDV ghi nhận tổng tài sản đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với năm 2021. BIDV hiện đang tự hào với vị thế là ngân hàng thương mại đầu tiên vượt mốc này, giữ vững "ngôi đầu" về quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam tính đến cuối năm.
BIDV tại cuối 2022 có tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm, cao hơn mức thực hiện năm 2021 (11,8%), đảm bảo giới hạn NHNN giao (12,7%), đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng (chiếm khoảng 12,5%). Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,9%. BIDV cũng cải thiện dư quỹ DPRR tín dụng/dư nợ xấu đạt 245%, mức cao nhất trong các năm gần đây. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng, tăng tới hơn 69% so với cùng kỳ.
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế của BIDV cũng được biết dự kiến là 26.800 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Nếu ĐHĐCĐ BIDV phê duyệt theo chỉ tiêu dự kiến này, thì đây là sẽ mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với đà tăng đã đạt của năm qua.
Với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), ghi nhận tại cuối 2022, Agribank có lợi nhuận trước thuế đạt 22.087 tỷ đồng, tăng 51,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản của Agribank đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 10,6%. nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2022 là 26.064 tỷ đồng, tăng 2,1%, chủ yếu do nợ nhóm 3 và nhóm 5 tăng so với năm ngoái. Tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu của Agribank vẫn được kiểm soát giảm từ 1,94% xuống còn 1,81%.
Các NH nhóm Big 4, đặc biệt những NH có vốn điều lệ sát ngưỡng như Agribank sẽ được giải bài toán tăng vốn để tăng quy mô tín dụng trong năm nay. Ảnh minh họa
Agribank trong năm qua, gặp khó khăn về tăng quy mô vốn tín dụng do vốn điều lệ thấp. Khả năng được bổ sung thêm vốn tín dụng từ ngân sách Nhà nước trong năm nay sẽ giúp dự phóng lợi nhuận Agribank tích cực hơn, khi quy mô tín dụng có dư địa để nới thêm.
Theo thống kê của CTCK VNDirect, nhìn chung năm 2023, 3 ngân hàng có vốn Nhà nước đang niêm yết đều đặt mục tiêu trưởng tín dụng trong khoảng 10 --13% cho năm nay, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% của NHNN.
VNDirect cũng cho rằng với Thông tư 26 hiệu lực vào cuối năm 2022 đã hạ tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư tín dụng trên vốn huy động), các ngân hàng như BIDV và VietinBank hỗ trợ sẽ giúp cải thiện tăng trưởng tín dụng cho 2 ngân hàng này.
Trước đó, khi Thông tư 26 vừa được ban hành, các chuyên gia VNDirect cũng đánh giá, Thông tư 26 sẽ có tác động tích cực lên thanh khoản hệ thống, khi có khoảng 50% tiền gửi Kho bạc Nhà nước có kỳ hạn tại các NHTM (ước tính khoảng hơn 150 nghìn tỷ đồng, dựa trên số liệu báo cáo tài chính Quý 4/2022), sẽ có khả năng được tính vào phần dư địa cho vay của hệ thống. Theo đó phần nào sẽ giảm áp lực lên lãi suất cho vay.
Nhóm phân tích cho rằng Thông tư 26 sẽ mang lại lợi thế cho các ngân hàng có nguồn tiền gửi dồi dào từ Kho bạc Nhà nước. Theo đó, các ngân hàng thương mại như Vietcombank (VCB), BIDV (BID), VietinBank (CTG) sẽ được hưởng lợi khi tỷ lệ LDR mới giảm đáng kể (không chỉ riêng 2 ngân hàng như báo cáo mới vừa nêu).
Thực tế cho thấy, cùng với chính sách điều chỉnh hạ các loại lãi suất điều hành trong 2 đợt diễn ra vào 15/3 và 31/3 vừa qua của NHNN, các ngân hàng nói thêm cũng đang được hậu thuẫn bằng các nghiệp vụ trung hòa vốn của NHNN, cộng thêm tăng trưởng huy động cải thiện trong khi tăng trưởng tín dụng yếu hơn cùng kỳ các năm trước, các NHTM đều được đánh giá là dồi dào thanh khoản và đang tận dụng dư địa để hạ lãi suất cả huy động - cho vay về mức thấp hơn.
Cũng theo đó, các NH nhóm Big 4 đã đi đầu các đợt hạ lãi suất, đồng thời đang triển khai các gói tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và doanh nghiệp, cụ thể nhất là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, một chuyên gia đánh giá, với dự báo của các định chế tài chính về khả năng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn vẫn yếu, đồng nghĩa xuất khẩu Việt Nam vẫn gặp khó khăn; bên cạnh đó tiêu dùng nội địa chưa có nhiều động lực để mở hầu bao khởi sắc, thì khả năng hấp thụ tín dụng từ các NH có thị phần lớn nhất thị trường, cũng có thể suy yếu so với 2022. Cùng với đó, lãi suất vay bắt buộc phải hạ xuống nếu muốn tiếp cận gần hơn cùng với người vay, sẽ làm giảm NIM của các ngân hàng và trực tiếp giảm tăng trưởng lợi nhuận.
"Điều có thể kỳ vọng lợi nhuận của các Ngân hàng dẫn đầu thị trường vẫn tiếp tục đà đi lên, và có thể giữ tăng trưởng 1-2 chữ số so với cùng kỳ năm trước, là những chính sách hỗ trợ để tháo gỡ các nút thắt khó khăn của doanh nghiệp - qua đó gỡ các vấn đề của chính ngân hàng. Chẳng hạn như mới nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Xây dựng và NHNN xem xét giải quyết theo thẩm quyền về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án bất động sản. Việc giữ nguyên nhóm nợ rất quan trọng để giúp các NH không thể nhảy nhóm nợ, tăng nợ xấu, tăng trích lập dự phòng, còn giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận tín dụng mới. Như vậy, trên nền chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có thể được NHNN duyệt theo chủ trương 10-13% và các NH "tiêu" hết, thì triển vọng lợi nhuận của nhóm Big 4 vẫn sẽ trong top dẫn đầu thị trường", chuyên gia đánh giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận