Mở cửa bầu trời trở lại, cổ phiếu hàng không sẽ cất cánh?
Thông tin Việt Nam sẽ mở lại đường bay quốc tế từ ngày 15/2 đã đưa cổ phiếu ngành hàng không lên mặt bằng mới. Hầu hết các cổ phiếu trong ngành đều có mức bật tăng đáng kể, tiệm cận với mức định giá mà nhiều công ty chứng khoán đưa ra...
Như VnEconomy đưa tin, từ ngày 15/2, Việt Nam sẽ mở lại mọi đường bay quốc tế thường lệ và dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác. Để tái khởi động các chuyến bay quốc tế, Chính phủ đã đồng ý phương án thí điểm đón khách nước ngoài có hộ chiếu vaccine đến Phú Quốc, Hạ Long, Hội An, Nha Trang… khi các thành phố này đạt đủ tỷ lệ bao phủ vaccine.
DOANH NGHIỆP NÀO GIÀNH ĐƯỢC CƠ HỘI SAU DỊCH?
Tuy nhiên, cần lưu ý, không phải doanh nghiệp hàng không nào cũng được hưởng lợi giống nhau sau đại dịch. Theo đánh giá của VnDirect, VJC và Bamboo Airways phục hồi mạnh mẽ hơn sau đại dịch.
Thị phần của các hãng hàng không đã có sự thay đổi lớn so với năm 2017. HVN có thị phần giảm dần qua từng năm, từ 54,1% năm 2017 xuống 46,6% trong 10T21, trong khi VJC và Bamboo Airways đang dần chiếm thị phần. Tổng số chuyến bay của HVN trong 10T21 giảm 44,1% so với cùng kỳ trong khi VJC giảm 43,7% so với cùng kỳ và Bamboo giảm nhẹ 4,3% so với năm trước.
Trước tình hình giá nhiên liệu máy bay ngày càng tăng, các hãng hàng không giá rẻ sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với các hãng hàng không truyền thống. Máy bay đường ngắn thường là máy bay thân hẹp, trọng lượng nhẹ hơn nên tốn ít nhiên liệu cất cánh và duy trì độ cao hơn so với máy bay đường dài.
Đội bay của VJC là tất cả các máy bay thân hẹp sẽ có mức tiêu thụ nhiên liệu/ASK (Available Seat Kilometres) (Ghế luân chuyển) thấp hơn so với HVN với gần 30% đội bay là máy bay thân rộng. Với mức tăng giá nhiên liệu bay ước tính 10,0% bình quân mỗi năm giai đoạn 2022-2023, dự báo chi phí nhiên liệu/ASK của HVN sẽ tăng ở mức bình quân 5,0% trong khi chi phí nhiên liệu/ASK của VJC chỉ tăng ở mức trung bình 4,5% mỗi năm giai đoạn 2022-2023.
Triển vọng phục hồi và tăng trưởng của mỗi hãng hàng không do đó sẽ phụ thuộc vào cách họ giải quyết các vấn đề.
Theo đó, với mô hình hàng không giá rẻ, VJC sẽ giảm giá vé và thu hút khách hàng, nhất là trong thời điểm người dân gặp khó khăn tài chính và ưa thích các chuyến bay giá rẻ. Ngoài ra, VJC sẽ ít bị ảnh hưởng hơn từ việc tăng giá nhiên liệu máy bay so với các hãng hàng không khác.
Bên cạnh nỗ lực cắt giảm chi phí, VJC còn chủ động thanh lý tài sản nhằm cải thiện dòng tiền, ứng phó với đại dịch. Dòng tiền của VJC đủ để hoạt động trong giai đoạn đại dịch xảy ra với tỷ lệ D/E luôn duy trì lành mạnh 0,66-0,76, mức rất tốt để tăng tín dụng tài trợ cho việc mở rộng đội bay khi các đường bay trên thế giới mở trở lại. VJC có kế hoạch nhận 8/11/25 máy bay trong giai đoạn 2021-23, do đó, VJC có thể nắm bắt được sự phục hồi của hàng không Việt Nam trong giai đoạn hậu đại dịch.
Với Bamboo Airways theo đuổi mô hình truyền thồng full-service nhưng chú trọng vào việc xây dựng các chính sách bán hàng đi kèm ở các điểm đến du lịch. Bamboo Airways tiếp tục mở rộng đội bay bất chấp tình dịch bệnh hình phức tạp gần đây.
Mới đây nhất, Bamboo Airways đã đưa vào khai thác đường bay thẳng kết nối Việt Nam - Hoa Kỳ, một đường bay tiềm năng với hơn hai triệu người Việt Nam sinh sống tại Mỹ với nhu cầu đi lại ngày càng tăng và Mỹ cũng là quốc gia dẫn đầu về lượng khách đến Đông Nam Á. Đường bay dự kiến khởi công vào đầu năm 2022 với tần suất 3 chuyến/tuần. Với kế hoạch mở rộng đội bay và khai trương nhiều đường bay mới, Bamboo Airways cũng sẽ có triển vọng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch.
Đối với HVN, vào ngày 21/7, hãng hàng không đã ký hợp đồng tín dụng 4.000 tỷ đồng lãi suất 0% để tái cấp vốn cho khoản nợ của họ, đồng thời phát hành tăng vốn thành công vào tháng 8/21 và huy động được 7.961 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, các hoạt động này chỉ giúp HVN cải thiện khả năng thanh toán ngắn hạn.
Theo ước tính, ngay cả khi phát hành thành công, tỷ lệ D/E Q3/21 của HVN vẫn duy trì ở mức cao trên 100x, điều này sẽ cản trở cho việc mở rộng đội bay khi dịch bệnh được kiểm soát. Không chỉ vậy, HVN dự kiến bán 11 máy bay do khó khăn về tài chính. Quy mô đội bay giảm sẽ làm giảm tiềm năng tăng trưởng của HVN khi ngành hàng không Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
CỔ PHIẾU NÀO CÒN TIỀM NĂNG TĂNG GIÁ?
Dựa vào triển vọng ngành hàng không, VnDirect đánh giá ACV, SCS, VJC và AST là bốn cổ phiếu xuất sắc nhất tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022-2023. Theo đó, công ty chứng khoán này định giá ACV là 98.000 đồng/cổ phiếu; SCS 161.400 đồng/cổ phiếu; VJC 158.000 đồng/cổ phiếu.
Phản ứng với thông tin mở cửa quốc tế, trên thị trường giá cổ phiếu ngành hàng không bật tăng mạnh trong những phiên gần đây. Phiên giao dịch hôm nay 16/2, thị giá HVN ở mức 27.500 đồng cổ phiếu, tăng 22,7% trong vòng nửa tháng. Tương tự, VJC tăng 17,5% từ 120.000 đồng lên 141.000 đồng/cổ phiếu. ACV tăng 13% đang ở mức giá 95.000 đồng/cổ phiếu; SGN tăng 25%; SCS tăng 10% đang ở mức giá 165.000 đồng/cổ phiếu; AST tăng 13,7%.
Như vậy, so với thị giá hiện tại, hầu hết cổ phiếu hàng không đều đã ngấp nghé bằng với định giá mà VnDirect đưa ra. Chỉ còn VJC vẫn còn tiềm năng tăng giá từ vùng 141.000 đồng/cổ phiếu lên 158.000 đồng/cổ phiếu. Hay nói cách khác, cổ phiếu nhóm ngân hàng đang ở mức giá phù hợp với tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong vòng 1-2 năm tới.
Trong khi đó, dù nhiều cơ hội hồi phục sau dịch song ngành hàng không còn đối diện với 3 rủi ro lớn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng ngành hàng không.
Thứ nhất, mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã trình dự thảo phương án áp giá sàn vé máy bay nội địa từ tháng 11/21 đến tháng 10/22. Nếu dự thảo được thông qua, việc áp giá sàn đối với vé máy bay nội địa sẽ làm giảm lượng vé rẻ và giảm sức cạnh tranh của mô hình hãng hàng không giá rẻ, trong đó có VJC. Điều này cũng có thể cản trở kế hoạch kích cầu du lịch và hàng không của Chính phủ trong giai đoạn tới.
Thứ hai, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã được Chính phủ từng bước kiểm soát. Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn của một đợt bùng phát khác vẫn tồn tại, có thể dẫn đến lượng hành khách nội địa thấp hơn dự kiến và việc nối lại lưu lượng quốc tế chậm hơn dự kiến, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn cho ngành hàng không. Trong khi đó, việc thống nhất mở cửa bay quốc tế nhưng những yêu cầu về chính sách nhập cảnh, điều kiện y tế hành khách nhập cảnh nếu không điều chỉnh cũng khó thu hút khách du lịch.
Thứ ba, hiện tại, giá dầu Brent đã tăng 67% lên khoảng 83 USD/thùng kể từ đầu năm 2021 do kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ. Giá nhiên liệu cao hơn dự kiến dẫn đến chi phí khai thác của các hãng hàng không cao hơn, điều này có thể làm tăng giá vé và giảm nhu cầu đi máy bay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận