24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

“Miếng bánh” ngành tiêm chủng

Lần đầu ra mắt vào tháng 07/2023, đến nay FRT đã mở rộng 7 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc tại hệ thống nhà thuốc Long Châu. Việc tân binh FRT gia nhập vào ngành tiêm chủng đang cho thấy sức hút của “miếng bánh” này.

Long Châu khuấy động ngành tiêm chủng bằng chuỗi ra mắt liên tiếp

Giữa tháng 10, nhà thuốc Long Châu của FRT khai trương trung tâm tiêm chủng quận 10, tọa lạc tại đường 3/2. Theo FRT, đây là trung tâm tiêm chủng có “diện tích mặt bằng” lớn nhất đến thời điểm hiện tại ở khu vực TPHCM.

Đây là trung tâm tiêm chủng thứ 3 của Long Châu tại TPHCM và thứ 7 trên toàn quốc, bên cạnh các tỉnh thành khác như Đồng Nai, Tây Ninh và Hà Nội.

“Miếng bánh” ngành tiêm chủng
Ngày khai trương trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu quận 10, TPHCM - Ảnh: Huy Khải
“Miếng bánh” ngành tiêm chủng
Ngày khai trương trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu quận 10, TPHCM - Ảnh: Huy Khải

Nếu như trước đây, thị trường tiêm chủng ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở các khối bệnh viện và trung tâm y tế công thì trong vòng 5 năm trở lại đây, “miếng bánh” này đã thay đổi rất nhiều khi chứng chiến sự vươn lên của các trung tâm tiêm chủng tư nhân. Nổi bật phải kể đến ông lớn VNVC, Vinmec, Nhi 315…

Theo đại diện FRT, tỷ lệ bao phủ vắc-xin ở Việt Nam hiện vào khoảng 4% dân số, trong khi nhiều nước khác trong khu vực là 15 - 30% dân số.

Việc tham gia lĩnh vực tiêm chủng của FRT là sự kết hợp giữa phòng bệnh và chữa bệnh. Trong đó, trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu phục vụ cho việc phòng bệnh, nhà thuốc FPT Long Châu phục vụ cho việc chữa bệnh. Đại diện FRT còn cho biết, sẽ không chủ đích cạnh tranh trực diện vào miếng bánh 4% của các nhà cung cấp đi trước.

So găng các đối thủ

Dù không có thống kê chính thức về thị phần tiêm chủng tại Việt Nam nhưng VNVC hiện là hệ thống được nhiều người nhắc đến nhất. VNVC do CTCP Vacxin Việt Nam vận hành và chủ quản. Pháp nhân thành lập vào tháng 11/2016; ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động y tế dự phòng, tiêm phòng. Vốn điều lệ là 10 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm ông Ngô Chí Dũng (giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật) sở hữu 40% vốn, bà Nguyễn Thị Hà và bà Nguyễn Thị Xuân mỗi người sở hữu 30% vốn còn lại.

Tháng 06/2017, VNVC khai trương trung tâm tiêm chủng đầu tiên, tại số 180 đường Trường Chinh, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Tháng 7 cùng năm, VNVC cũng dời trụ sở chính về địa chỉ này.

Sau nhiều lần thay đổi, đến tháng 07/2020, vốn điều lệ của VNVC tăng lên 140 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố. Hiện ông Ngô Chí Dũng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật.

“Miếng bánh” ngành tiêm chủng
Ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vaxcin Việt Nam

Ông Dũng còn đứng tên CTCP Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, CTCP Dược phẩm Eco, CTCP Dinh dưỡng Nutrihome, CTCP Eplus Research…

VNVC hiện có hơn 100 trung tâm tiêm chủng, cung cấp dịch vụ tiêm chủng theo yêu cầu; tiêm chủng trọn gói dành cho trẻ em, trẻ tiền học đường, tuổi vị thành niên và thanh niên, người trưởng thành, phụ nữ chuẩn bị trước mang thai; dịch vụ tiêm chủng lưu động đối với các nhóm cơ quan, doanh nghiệp. Các trung tâm tiêm chủng VNVC thường đặt tại các trung tâm thương mại, chung cư, nơi diện tích sàn lớn và tập trung đông đúc cư dân sinh sống.

VNVC sở hữu lợi thế về hệ thống các đối tác chiến lược gồm nhiều hãng vắc-xin lớn như Glaxosmithkline (Bỉ), Sanofi Pasteur (Pháp), Pfizer (Mỹ), Merck Sharp and Dohme (Mỹ)… Do đó, VNVC được đàm phán trực tiếp, độc lập nhập khẩu chính hãng vắc-xin số lượng lớn, đặc biệt các vắc-xin thường xuyên khan hiếm. Vào năm 2020, ông Ngô Chí Dũng tuyên bố VNVC là nhà phân phối lẻ vắc-xin lớn nhất Việt Nam khi chỉ sau 3 năm mở trung tâm đầu tiên, VNVC đã chiếm 70% thị phần vắc-xin trong nước.

“Miếng bánh” ngành tiêm chủng
Các trung tâm tiêm chủng của VNVC có diện tích mặt bằng lớn khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh - Ảnh: Huy Khải

Còn hệ thống tiêm chủng Nhi 315, ra đời vào tháng 06/2019 và chủ yếu hướng đến đối tượng trẻ em, do CTCP Y tế Chấn Văn chủ quản.

Nhi 315 tận dụng xuất phát điểm là hoạt động khám chữa bệnh, xét nghiệm, tư vấn dinh dưỡng cho trẻ em tại các hệ thống phòng khám để mở rộng và phát triển hoạt động tiêm chủng. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo ra những hạn chế về diện tích mặt bằng của các điểm tiêm chủng. Đến nay, Nhi 315 đã có hơn 50 trung tâm tiêm chủng, tập trung chủ yếu ở TPHCM và các khu vực lân cận.

CTCP Y tế Chấn Văn thành lập vào tháng 03/2019; ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động của phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa nhi, phòng khám chuyên khoa sản, phòng khám chuyên khoa da liễu, phòng khám nội khoa (trừ lưu trú bệnh nhân).

Vốn điều lệ ban đầu của Nhi 315 là 30 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập gồm ông Phùng Tấn Tài sở hữu 55% vốn, bà Nguyễn Huỳnh Vân Vy (giữ chức Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật) nắm 35% và bà Nguyễn Huỳnh Phương Thùy 10%. Tháng 8 năm ngoái, Công ty nâng vốn lên 120 tỷ đồng và cơ cấu cổ đông không được công bố.

“Miếng bánh” ngành tiêm chủng

Bà Nguyễn Huỳnh Vân Vy

Ngoài CTCP Y tế Chấn Văn, bà Vy còn là cổ đông sáng lập và đứng tên tại CTCP Đầu tư Golden Home và CTCP Thương mại Dịch vụ 411.

Đầu tư Golden Home là công ty chuyên tư vấn, môi giới, quản lý bất động sản, thành lập vào tháng 08/2018. Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Huỳnh Vân Vy. Vốn điều lệ 10 tỷ đồng, gồm 6 cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Huỳnh Vân Vy và ông Trần Sơn Lâm cùng sở hữu 30% vốn, ông Phùng Tấn Tài sở hữu 26% vốn, ông Lê Thanh Bình sở hữu 10% vốn, ông Giang Cẩm Tuấn và bà Nguyễn Thị Bảo Cơ cùng sở hữu 2% vốn.

Còn CTCP Thương mại Dịch vụ 411 thành lập vào tháng 09/2018; chuyên bán mô tô, xe máy, ngoài ra còn hoạt động bảo dưỡng và sửa chữa mô tô, xe máy. Vốn điều lệ 10 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Phùng Tấn Tài sở hữu 50% vốn, bà Nguyễn Huỳnh Vân Vy 49% vốn, còn lại 1% thuộc về bà Trần Gia Hân. Công ty nổi tiếng với chuỗi sửa xe 411.

“Miếng bánh” ngành tiêm chủng
Một cửa hiệu thuộc chuỗi sửa xe 411

Bên cạnh hệ thống tiêm chủng Nhi 315, Y tế Chấn Văn còn là chủ quản hệ thống phòng khám Nhi đồng 315, phòng khám Phụ sản 315, hệ thống phòng khám Mắt 315, hệ thống phòng khám Lão khoa 315.

“Miếng bánh” ngành tiêm chủng
Một phòng khám thuộc hệ thống phòng khám Nhi đồng 315

Tháng 4 vừa qua, quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) rót vốn hơn 30 triệu USD vào hệ thống phòng khám Nhi đồng 315. Đây là một phần của vòng gọi vốn series B.

Trước đó, hệ thống phòng khám Nhi đồng 315 cũng nhận các khoản đầu tư lớn trong vòng gọi vốn Series A từ các nhà đầu tư gồm BDA Capital Partners và CTCP Chứng khoán Thiên Việt (HOSE: TVS). Trong vòng series A, hệ thống này nhận được vốn từ các bên như: công ty đầu tư gia đình (Nisaetus và Samsara Holdings), quỹ đầu tư mạo hiểm (Tremont Capital Ventures International) và các nhà đầu tư cá nhân (Bo Tran, Dennis Ly, Christophe Péron, Grégoire Amigues).

Có thể thấy, tiềm năng mở rộng của mảng tiêm chủng tại Việt Nam còn rất lớn. Đặc biệt trong bối cảnh dân số tăng, cơ cấu dân số Việt Nam già hóa ngày càng nhanh và sức khỏe yếu hơn sau đại dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy người dân quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn, ngày càng sẵn sàng và chủ động hơn trong việc chi trả các chi phí dự phòng bệnh tật, đặc biệt là nhóm trẻ em và người lớn tuổi, vốn là nhóm tuổi dễ bị tổn thương nhất khi xảy ra dịch bệnh.

Trước những đối thủ tên tuổi trong ngành tiêm chủng, Long Châu liên tục mở rộng hệ thống nhà thuốc để bổ trợ cho việc mở rộng thị phần tiêm chủng. Tính đến cuối tháng 09/2023, số lượng nhà thuốc Long Châu đạt 1,350 cửa hàng, tăng 413 cửa hàng so với cuối năm 2022. Công ty có dự kiến đưa số lượng nhà thuốc của FPT Long Châu lên 1,400 - 1,500 cửa hàng vào cuối năm 2023 và lên 3,000 cửa hàng trong vòng 5 năm tới.

Số lượng nhà thuốc Long Châu giai đoạn 2020 - 9T2023

Đvt: Cửa hàng

“Miếng bánh” ngành tiêm chủng
Nguồn: VietstockFinance

Dựa trên nền tảng của mảng dược phẩm, trung tâm tiêm chủng Long Châu nhận được sự hợp tác hỗ trợ trực tiếp từ các nhà cung cấp vắc-xin trong và ngoài nước. Công ty cho biết, sẽ cung cấp đầy đủ chủng loại vắc-xin chính hãng, gồm vắc-xin nhập khẩu từ các hãng dược lớn trên thế giới đến nhập hàng vắc-xin của các nhà sản xuất nội địa.

Nhìn vào kết quả kinh doanh của FRT những năm gần đây, dễ dàng nhận thấy sự đóng góp của mảng kinh doanh dược phẩm Long Châu ngày càng tăng. Từ doanh thu chỉ 1,191 tỷ đồng, đóng góp 8% ở năm 2020 đã tăng nhanh chóng lên 9,596 tỷ đồng, đóng góp 32% ở năm 2022. Nửa đầu năm nay, trước sự khó khăn trong hoạt động bán lẻ ICT, tỷ trọng doanh thu Long Châu đã chiếm đến 46%. Không quá khó để hình dung việc triển khai mảng tiêm chủng nằm trong kế hoạch thúc đẩy mảng dược của FRT trong tương lai.

Cơ cấu doanh thu của FRT giai đoạn 2021 - 6T2023

“Miếng bánh” ngành tiêm chủng
Nguồn: VietstockFinance
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả