Lợi thiệt cổ đông nhỏ lẻ trước 'sóng' tăng vốn trên sàn chứng khoán
Biết doanh nghiệp gặp khó khi huy động vốn trên các kênh trái phiếu và tín dụng nhưng việc phát hành lượng lớn cổ phiếu riêng lẻ vẫn là câu chuyện khiến nhà đầu tư lo lắng.
Thống kê trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho thấy chỉ trong tháng 11 đã có hơn 10 doanh nghiệp công bố kế hoạch huy động vốn thông qua kênh phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Phải kể tới như Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa - Novaland (HoSE: NVL) đang chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến điều chỉnh phương án phát hành hơn 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ và 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 100%).
Hay Công ty CP Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) lấy ý kiến cổ đông về phương án chào bán 24,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư trong quý IV để huy động 2.450 tỷ đồng. Vietjet dự kiến dùng số tiền này để thanh toán tiền đặt cọc mua và thuê tàu bay.
Tương tự, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HoSE: HAG) cũng có kế hoạch phát hành 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ, kỳ vọng huy động 1.300 tỷ đồng để trả nợ và bổ sung vốn lưu động; Công ty CP Tập đoàn Hòa Bình (HoSE: HBC) dự kiến phát hành 252,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tỷ lệ hơn 92%) để trả nợ.
Ngoài ra, Công ty CP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (HoSE: TEG); Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Giao Thông Đèo Cả (HoSE: HHV); Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF)… đều có kế hoạch huy động hàng trăm tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ trong năm nay.
Cũng trong tháng cuối năm nay, dự kiến có thêm ít nhất 5 công ty nhóm chứng khoán là Chứng khoán LPBank (LPBS); Chứng khoán SSI (HoSE: SSI); Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND); Chứng khoán Tiên Phong - TPS (HoSE: ORS) và Chứng khoán Nhất Việt (HNX: VFS) có kế hoạch tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn hút về khoảng 13.400 tỷ đồng.
Mục đích sử dụng vốn phần đa là bổ sung hoạt động cho vay, song song với đầu tư và các mục đích khác.
Doanh nghiệp tìm vốn trên sàn chứng khoán
Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 11, có 77 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu với khối lượng 214.300 tỷ đồng, vẫn thấp hơn giảm 35,4% so với cùng kỳ năm 2022. Theo cơ quan quản lý kể từ khi Nghị định 08/2023 có hiệu lực thi hành vào 5/3, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ghi nhận sự phục hồi, nhưng vẫn tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo số liệu của Công ty Chứng khoán MB, lãi suất phát hành bình quân của trái phiếu doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm nay đã tăng lên 8,5%/năm, cao hơn so với mức trung bình 7,9%/năm của năm ngoái. Tính đến ngày 21/11, kinh doanh khó khăn còn khiến gần 100 doanh nghiệp ra thông báo chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Tình hình không mấy khả quan ở kênh tín dụng ngân hàng khi Ngân hàng Nhà nước thông báo đến cuối tháng 11, tín dụng trong toàn nền kinh tế mới đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với cùng kỳ các năm và còn cách khá xa mục tiêu định hướng 14-15%.
Tăng trưởng tín dụng ì ạch vì doanh nghiệp gặp khó, có nhu cầu vay nhưng chưa đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn. Trong khi ngân hàng "thừa tiền" lại không thể hạ chuẩn tín dụng cho vay vì e ngại nợ xấu. Do đó đến hết tháng 11, toàn ngành ngân hàng vẫn còn dư khoảng 735.000 tỷ đồng chỉ tiêu tín dụng chưa cho vay được.
Trong bối cảnh khó khăn ở các kênh huy động vốn kể trên, các doanh nghiệp đang phải quay trở về tìm vốn trên thị trường chứng khoán.
Cổ đông lợi hay thiệt?
Việc huy động vốn qua kênh phát hành cổ phiếu riêng lẻ và/hoặc phát hành ra công chúng sẽ giúp các doanh nghiệp thu được nguồn tiền lớn từ các nhà đầu tư, cổ đông. Tuy nhiên, với các cổ đông hiện hữu đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ có lợi hay không còn phụ thuộc nhiều vào phương án phát hành.
Cụ thể, việc lãnh đạo doanh nghiệp chốt mức giá phát hành thấp hơn thị giá giao dịch trên sàn chứng khoán sẽ là điều bất lợi cho các cổ đông hiện hữu.
Như với trường hợp của Vietjet Air. Sau khi thông tin hãng bay này tạm hoãn trả cổ tức để chào bán 24,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ, ngay trong phiên giao dịch cùng ngày (7/12), cổ phiếu VJC đã giảm mạnh hơn 2%, dao động quanh mức 103.800 đồng/cổ phiếu.
Dù đã giảm nhưng mức giá này vẫn cao hơn gần 4% so với giá chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho các cổ đông mới mà Vietjet đưa ra là 100.000 đồng/cổ phiếu.
Ngược lại, với 134 triệu cổ phiếu PDR mà Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt dự kiến chào bán vào tháng cuối năm 2023 hoặc đầu 2024, do đây là phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu. Nên việc Phát Đạt dự kiến chào bán với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, chưa bằng một nửa thị giá hiện tại giao dịch trên sàn của PDR (quanh vùng 26.000-28.000 đồng/cổ phiếu) lại mang nhiều lợi ích cho cổ đông.
Với các phương án phát hành riêng lẻ, việc ban lãnh đạo chốt được giá bán cao hơn giá giao dịch trên sàn chứng khoán sẽ giúp các cổ đông hiện hữu hưởng lợi.
Như trường hợp của HAGL, việc chốt giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị giá HAG giao dịch trên sàn tại thời điểm công bố (khoảng 8.500 đồng/cổ phiếu) đã giúp cổ phiếu HAG tăng giá liên tục trong các phiên đã qua và chạm đỉnh 1 năm vào ngày 4/12.
Ngoài yếu tố hình thức phát hành, giá chào bán ảnh hưởng tới lợi ích cổ đông, các cổ đông còn đối mặt rủi ro pha loãng tỷ lệ sở hữu với những phương án phát hành riêng lẻ. Điều này tương đương với việc giảm quyền lực đang nắm giữ.
Ngược lại, với các nhà đầu tư mới, đây được coi là cơ hội để mua vào các cổ phiếu với mức giá rẻ hơn giá giao dịch trên thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận