Lợi nhuận CC1- nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc - Nam sụt giảm mạnh
Năm 2022, CC1 báo lãi sau thuế giảm 255% xuống còn 183,7 tỷ đồng và là nhà thầu duy nhất có lợi nhuận sụt giảm trong nhóm 5 nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc - Nam.
Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP (UPCoM: CC1) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với doanh thu thuần gần 2.605 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ.
Do giá vốn hàng bán tăng chậm hơn với mức tăng của doanh thu nên trong kỳ công ty ghi nhận lãi gộp đạt gần 149 tỷ đồng, cách xa khoản lãi 1,4 tỷ đồng cùng kỳ.
Tuy nhiên, công ty ghi nhận doanh thu tài chính giảm từ 583 tỷ đồng cùng kỳ xuống còn 86 tỷ đồng do hụt hơi từ cổ tức nhận được, tiền gửi và tiền cho vay. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng gấp 2,3 lần cùng kỳ lên 153,6 tỷ đồng do lãi vay, lãi trái phiếu tăng và do đánh giá các khoản có gốc ngoại lệ. Doanh thu giảm và chi phí tăng kiến lãi thuần của công ty giảm 339% xuống còn gần 94 tỷ đồng.
Cấn trừ đi các chi phí, CC1 báo lãi sau thuế quý IV/2022 đạt 136,7 tỷ đồng, giảm sâu so với mức lãi 326 tỷ đồng cùng kỳ.
Năm 2022, CC1 ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.631 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Nguồn thu từ hoạt động xây dựng chiếm 555 tổng doanh thu khi đạt 3.661 tỷ đồng, doanh thu bán hàng hoá và doanh thu bán hàng thành phẩm cũng chiếm tới 40% khi đạt 2.680 tỷ đồng.
Trong năm, công ty đã tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp còn 185,7 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 13% lên mức 6.177 tỷ đồng cùng với chi phí tài chính tăng gấp đôi lên 484 tỷ đồng trong khi doanh thu tài chính giảm còn một nửa xuống mức 381 tỷ đồng.
Kết quả, doanh nghiệp thu về khoản lãi sau thuế đạt 183,7 tỷ đồng, cách xa so với khoản lãi 467 tỷ đồng của năm 2021. Theo giải trình từ báo cáo tài chính, doanh thu tài chính của công ty sụt giảm chủ yếu đến từ phần lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư chỉ ghi nhận 63 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận 605 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty phải chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá gần 101 tỷ đồng và chi phí lãi vay, lãi trái phiếu tăng 61% lên 372 tỷ đồng khiến chi phí tài chính của công ty tăng mạnh.
CC1 là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm 5 nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc - Nam có lợi nhuận sụt giảm trong năm 2022. Các nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc - Nam bao gồm: Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG), Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (DII, HoSE: HHV), Tổng công ty Xây dựng số 1 (HoSE: CC1), Tập đoàn Cienco4 (HoSE: C4G), Tổng công ty 36 (TCT36, HoSE: G36).
Chứng khoán VnDirect cho rằng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ là cú hích lớn đối với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng hàng đầu.
Theo kế hoạch đề ra đầu năm, ban lãnh đạo CC1 đã đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 11.252 tỷ đồng và lãi sau thuế 369 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này mới hoàn thành 59% kế hoạch doanh thu và chỉ đạt 66% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.
Về tình hình tài chính, tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản doanh nghiệp đạt trên 15.603 tỷ đồng, tăng 36% so với hồi đầu năm. Phần tăng đến từ khoản trả trước cho người bán ngắn hạn đạt 3.803 tỷ đồng, tăng 63% so với đầu năm. Trong năm, khoản phải thu dài hạn khác tăng gấp 2,4 lần lên mức 1.930 tỷ đồng. Trong đó, hợp tác kinh doanh tại CTCP TMDV Đầu tư Địa ốc Đất Vàng tăng 38% lên 1.050 tỷ đồng; khoản hợp tác kinh doanh tại Công ty TNHH MTV Xây dựng Golden Building và hợp tác đầu tư tại Công ty TNHH MTV Xây dựng Toàn Năng lần lượt đạt 584 tỷ đồng và 200 tỷ đồng trong khi đầu năm không phát sinh.
Ngoài ra, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của công ty cũng tăng 55% lên gần 2.118 tỷ đồng. Trong đó, Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình - PPP ghi nhận đạt 1.506 tỷ đồng, tăng 76% so với đầu năm.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình dài gần 30km, trong đó, đoạn qua TP Hải Phòng dài 20,7 km, qua Thái Bình dài 9km, có vốn đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng theo hình thức BOT. Dự án do liên danh 2 doanh nghiệp gồm CC1 và CTCP Đầu tư và xây dựng Bùi Vũ làm chủ đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 5/2022, nguồn cát cung cấp cho công trình rất hạn chế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác triển khai dự án. Giá cát xây dựng trên địa bàn tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 1/2022. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá cát tăng là do Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc đã và đang có nhiều chỉ đạo, biện pháp, giải pháp trong việc tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản.
Kết quả từ những chỉ đạo quyết liệt trên đã ngăn chặn được việc khai thác cát trái phép trên các tuyến sông trên cả nước dẫn tới lượng cát tự nhiên do khai thác lậu đã được hạn chế. Do vậy, nguồn cát xây dựng phải nhập từ các tỉnh bạn cung ứng về để đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn.
Ngoài vấn đề về cát, nhà thầu còn phải đối mặt với tình trạng nhiều loại vật liệu chính đã biến động tăng đột biến như: thép các loại (thép tròn, thép hình, cáp dự ứng lực) cát đắp các loại, xi măng, nhựa đường, cốt liệu đá cho bê tông xi măng, bê tông nhựa, cát vàng sản xuất bê tông xi măng. Nguyên nhân xuất phát từ tình trạng giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào tăng phi mã và tình trạng khan hiếm nguồn cung các loại.
Về cơ cấu nguồn vốn của, tính đến ngày 31/12/2022, nợ phải trả của CCI tăng 17% so với đầu năm lên 11.480 tỷ đồng. Vay nợ thuê của doanh nghiệp ghi nhận đạt mức 6.778 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu kỳ. Công ty vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (ADB) 1.293 tỷ đồng và thế chấp bằng máy móc thiết bị của CTCP Xây dựng Số Một Việt Hưng, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất Cao ốc Central Garden của CTCP Chương Dương, quyền thu phí hoàn vốn của Dự án BOT cầu Đồng Nai.
Bên cạnh đó, công ty cũng phát hành trái phiếu riêng lẻ với mục đích thực hiện các dự án đầu tư, hợp tác kinh doanh - đầu tư với các đối tác để phát triển các dự án bất động sản, công trình xây lắp. Tổng mức phát hành là 2.650 tỷ đồng và được thực hiện trong 3 đợt, mệnh giá trái phiếu của công ty theo đó tăng 28% so với đầu năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận