Lạm phát Việt Nam tháng 4/2024: CPI thực phẩm và giao thông trở lại?
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Tháng 4/2024, CPI toàn phần nhích nhẹ +0,07% so với tháng trước (MoM) nhưng lại tăng mạnh +4,4% so với cùng kỳ 2023 (YoY).
So sánh cùng kỳ, các cấu phần quen thuộc áp lực vào CPI trong khoảng 4 - 6 tháng gần đây vẫn là:
(1) Lạm phát lương thực dai dẳng với mức tăng +15,45% YoY, do giá gạo trong nước vẫn còn neo cao theo giá gạo xuất khẩu.
(2) Lạm phát giáo dục có phần hạ nhiệt nhưng vẫn tiếp tục tăng +8,31% YoY, do tăng học phí năm học 2023-2024 của một số tỉnh thành từ cuối năm 2023.
(3) Lạm phát y tế tiếp tục tăng nóng +7,44% YoY, do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng từ giữa T11/2023.
(4) Lạm phát “khác” tiếp tục tăng +6,23% YoY một cách khó hiểu nhưng có thể là do các mặt hàng trang sức tăng theo giá vàng trong nước, dịch vụ về cưới hỏi/hiếu hỉ sôi động.
Tuy nhiên, nhờ trọng số tính CPI của các cấu phần này không quá lớn nên cũng kìm hãm phần nào đà áp lực vào CPI (lương thực 3,67%; Giáo dục 6,17%, Y tế 5,39% và Khác 3,53%). Điểm đáng chú ý trong CPI T4/2024 là sự nóng lên trở lại của một số cấu phần có trọng số lớn nhất trong rổ CPI:
(1) CPI Nhà ở và vật liệu xây dựng bật mạnh trở lại, +5,97% YoY, do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng, giá điện sinh hoạt (có thể) tăng theo nhu cầu sử dụng điện khi thời tiết nắng nóng gay gắt và giá thuê nhà tăng… Cấu phần này có trọng số 18,82% trong rổ hàng tính CPI.
(2) CPI thực phẩm cũng đáng chú ý khi có mức tăng +2,49% YoY. Thực phẩm là cấu phần có trọng số lớn nhất (21,28%) cho nên khi nhích tăng sẽ tác động nhanh vào CPI. Giá heo hơi trong nước đã tăng khoảng +24% Ytd, từ vùng 50.000 lên vùng 62.000 đồng/kg hiện tại. Nếu giá heo hơi tiếp tục đà tăng sắp tới thì CPI thực phẩm sẽ bắt đầu áp lực rõ nét.
(3) CPI giao thông nổi bật khi phá vỡ vùng tăng xoay quanh +2% YoY trong 6 tháng gần đây, tăng khá mạnh +4,24% YoY trong T4/2024 và đây cũng là mức tăng lớn nhất trong vòng 18 tháng. Giá xăng trong nước tăng liên tục vừa qua và đã áp sát vào vùng 25.000 đồng/lít, nếu giá xăng vượt qua vùng này thì lạm phát giao thông sẽ rõ nét trở lại. Các mặt hàng liên quan đến giao thông chiếm 9,67% trong rổ CPI.
Bình quân 4 tháng đầu năm 2024 (YoY Average - cách tính CPI theo mục tiêu Quốc hội), CPI toàn phần tăng +3,93% YoY. So với mục tiêu năm 2024 từ 4% - 4,5% mà Quốc hội đề ra, tạm thời lạm phát vẫn trong vòng kiểm soát.
Tuy nhiên phải thừa nhận rằng lạm phát năm nay là một biến số áp lực và khó lường. Một số yếu tố cần quan sát:
- Lạm phát thế giới vẫn tiềm ẩn rủi ro chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn.
- Giá lương thực neo cao, nhất là giá gạo vì nhu cầu xuất khẩu gạo vẫn còn cao (dự kiến đến T7 - T8/2024, hiệu ứng so sánh nền cao sẽ hạ nhiệt).
- Giá heo và giá xăng dầu nếu tiếp tục đà tăng sẽ tác động mạnh vào CPI, do trọng số lớn.
- Giá điện có khả năng tăng tiếp dù EVN đã có 2 lần tăng giá điện bán lẻ bình quân trong năm 2023 trước đó.
- Tăng lương từ ngày 1/7/2024 cũng làm gia tăng kỳ vọng lạm phát, kéo giá các mặt hàng tiêu dùng tăng lên khi nhu cầu phục hồi.
- Tỷ giá nếu không được kiểm soát tốt cũng sẽ ảnh hưởng đến điều hành lạm phát.
Happy Investing !!!
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận