Lạm phát cao, xuất khẩu dệt may gặp khó
Theo Thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dệt may trong tháng 7 lập đỉnh và là tháng thứ 5 liên tiếp có trị giá đạt trên 3 tỷ USD.
Cụ thể, trị giá xuất khẩu tháng 7 là 3,68 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng 6. Tính đến hết tháng 7, trị giá xuất khẩu là 22,24 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, trị giá sang thị trường Mỹ là 11,14 tỷ USD (tăng 21,3%) so với cùng kỳ năm ngoái; sang EU là 2,58 tỷ USD (tăng 36,2%); Nhật Bản là 2,06 tỷ USD (tăng 11,9%); Hàn Quốc là 1,68 tỷ USD (tăng 12,9%).
Tuy nhiên, theo phân tích của các công ty chứng khoán và lãnh đạo doanh nghiệp, những tháng cuối năm, xuất khẩu mặt hàng này sẽ khó có thể "thuận buồm xuôi gió" như đầu năm.
Đơn hàng giảm vì lạm phát cao tại các thị trường lớn
Báo cáo mới đây của VNDirect chỉ ra rằng lạm phát gia tăng và thắt chặt tài chính đã phủ bóng đen lên kinh tế Mỹ và châu Âu, hai khách hàng lớn của dệt may Việt Nam, dẫn đến sự suy giảm nhu cầu toàn cầu kể từ quý II. Các chuyên gia của công ty chứng khoán này cho rằng đà tăng trưởng lợi nhuận ròng của các công ty xuất khẩu trong ngành sẽ chậm lại trong 6 tháng cuối năm nay do một số khách hàng đã hoãn các đơn đặt hàng trong quý III do lượng hàng tồn kho cao. Trong khi đó, các đơn đặt hàng trong quý IV chậm lại do lo ngại lạm phát.
Mỹ đã cho thấy nhu cầu bị dồn nén sau khi gỡ bỏ lệnh giãn cách. Người Mỹ đã quay trở lại văn phòng, kéo theo sự phục hồi về nhu cầu đối với các sản phẩm văn phòng như vest, áo sơ mi. Do đó, giá trị nhập khẩu dệt may của Mỹ trong 6 tháng đầu năm tăng 30,9% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 66,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhu cầu tại Mỹ có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2022 do lạm phát cao. Chỉ số tiêu dùng của Mỹ đã tăng lên 9,1% trong tháng 6, mức chưa từng có trong lịch sử. Sang tháng 7, con số giảm xuống còn 8,5% nhưng vẫn ở mức cao. Do đó, VNDirect cho rằng nhu cầu của các mặt hàng quần áo cao cấp như áo sơ mi và áo phông làm từ sợi tái chế và sợi bông (giá cao hơn) sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022. Theo ban lãnh đạo các công ty may mặc, khách hàng Mỹ đã rút ngắn thời gian đặt hàng trước từ 6 tháng xuống còn 3 tháng do lượng hàng tồn kho cao và áp lực lạm phát.
Theo thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của thị trường Mỹ có khả năng giảm 7-10% trong nửa cuối năm nay so với nửa đầu năm 2022.
Về thị trường châu Âu, lạm phát trong tháng 7 của khu vực đồng euro lập kỷ lục mới với 8,9% trong khi giá trị sang Liên minh châu Âu chiếm 11,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành này trong 7 tháng.
Tại thị trường châu Âu, VNDirect còn chỉ ra một rủi ro khác. Tỷ giá gây áp lực lên đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu đến EU trong nửa cuối năm 2022. Ngày 26/8, đồng euro đang tương đương với đồng USD, mức thấp nhất trong 20 năm qua. Đồng tiền chung của khu vực EU đã liên tục giảm giá do lo ngại về suy thoái đến từ vấn đề nguồn cung năng lượng của EU, khi Nga đe dọa sẽ giảm cung cấp khí đốt cho Đức và nhiều nước khác. VNDirect cho rằng lợi nhuận ròng của một số doanh nghiệp trong ngành sẽ giảm 5-10% so với quý II do lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận