Lãi suất giảm, người dân vẫn tăng gửi tiền vào ngân hàng
Lượng tiền người dân gửi vào ngân hàng đến hết tháng 8 tiếp tục đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Báo Dân trí dẫn số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, đến hết tháng 8, lượng tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng tiếp tục đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tổ chức kinh tế cũng gửi tiền vào ngân hàng nhiều bất ngờ.
Tính riêng tháng 8, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng khoảng 43.723 tỷ đồng. Mức tăng này cải thiện đáng kể so với mức 6.700 tỷ đồng tháng liền trước hay mức 35.300 tỷ đồng của tháng 6 và 14.700 tỷ đồng của tháng 5.
Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng cũng cải thiện đáng kể khi có thêm 103.501 tỷ đồng trong 1 tháng. Tháng 7 liền trước, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng giảm hơn 74.000 tỷ đồng so với tháng 6.
Tính đến hết tháng 8, tiền gửi của các tổ chức ở mức 6,013 triệu tỷ đồng, tăng hơn 1% so với cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, giai đoạn 4 tháng đầu năm, mức tăng bình quân về lượng tiền gửi thêm vào ngân hàng lên đến trên 110.000 tỷ mỗi tháng.
Theo tạp chí Mekong Asean, vào thời điểm cuối tháng 8, lãi suất huy động kỳ hạn tại nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước đều được hạ xuống còn 5,8%/năm. Lãi suất tại các NHTM lớn là 5,75%/năm, trong khi tại các NHTM nhỏ là 6,25%. Mức lãi suất trên gần với đáy từng được ghi nhận trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Đến thời điểm 26/10, ngân hàng có vốn Nhà nước niêm yết mức lãi suất thấp nhất thị trường. Trong đó, Vietcombank đầu tuần này vừa giảm thêm 0,2%, còn 5,1%/năm áp dụng với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Còn 3 ngân hàng có vốn nhà nước là Agribank, VietinBank, BIDV vẫn giữ ổn định lãi suất huy động. Theo đó, mức huy động cao nhất là 5,3%/năm cho kỳ hạn dài trên 12 tháng. Còn các kỳ hạn trên 6 đến dưới 12 tháng, lãi suất tiền gửi là 4,3%/năm, kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng là 3-3,3%/năm.
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất huy động cao nhất dao động quanh mức 5,3 - 5,7%/năm tùy theo ngân hàng và thời gian gửi.
Trong khi đó, theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến ngày 11/10 mới chỉ đạt 6,29%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (11 - 12%) và định hướng điều hành cả năm 2023 (14 - 15%).
Dự báo từ nay đến cuối năm, tín dụng sẽ có khả năng tăng lên khi lãi suất cho vay hạ nhiệt và các bộ, ngành tích cực trong xúc tiến thương mại, tăng khả năng xuất khẩu cũng như tháo gỡ những vấn đề pháp lý của các dự án...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận